Bản chất đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam

Một phần của tài liệu Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao việt nam và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 42 - 45)

Thứ nhất, đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam thuộc ý thức xã hội chịu sự quy định của tồn tại xã hội, phản ánh tồn tại xã hội, phản ánh những điều kiện vật chất hiện thực mà trong đó con người sống và hoạt động. Tục ngữ, ca dao Việt Nam là sản phẩm của đông đảo quần chúng nhân dân lao động Việt Nam qua nhiều thế hệ do đó đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam phản ánh những điều kiện vật chất hiện thực mà trong đó đông đảo quần chúng nhân dân lao động Việt Nam sống và hoạt động. Đó chính là nông thôn với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước là chủ yếu. Đồng thời, đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam có sự tác động trở lại đối với tồn tại xã hội. Giá trị và vai trò tác động trở lại của đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam không chỉ đối với tồn tại xã hội lúc bấy giờ mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với xã hội Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam là sự thống nhất biện chứng những yêu cầu cơ bản để hoàn thiện nhân cách và những nguyên tắc đạo đức căn bản, cối lõi điều chỉnh nhận thức và hành động của con người trong những mối quan hệ bản chất, tất yếu (quan hệ với bản thân, với gia đình và xã hội) quy định dấu ấn cá nhân và sự tồn tại của cá nhân đó với tư cách là con người thực thụ.

Trong mối quan hệ của con người với bản thân, đạo làm người chính là những yêu cầu căn bản để hoàn thiện nhân cách như: Tự lập, biết suy tính; Tự học suốt đời; Cần cù, sáng tạo trong lao động. Đó là những yêu cầu tiên quyết, không thể thiếu giúp con người hoàn thiện bản thân và thực hiện tốt mối quan hệ với gia đình và xã hội để làm người và sống ở đời. Trong mối quan hệ của con người với gia đình và xã hội, đạo làm người chính là những nguyên tắc đạo đức căn bản, cốt lõi mà con người phải giữ gìn và tuân theo quy định bổn phận của con người như: Từ, Hiếu, Tình nghĩa, Kính, Nhường, Thương người, Yêu nước.

Nguyên tắc đạo đức nói chung thì bao quát nhiều nội dung khác nhau song những nguyên tắc đạo đức mà chúng tôi khai thác là những nguyên tắc đạo đức quy định bổn phận của con người trong những mối quan hệ cụ thể: bổn phận làm cha, làm con, làm vợ, làm chồng, làm anh…. Cha mẹ có bổn phận đạo đức như thế nào với con, con có bổn phận đạo đức như thế nào với cha mẹ, chồng có bổn phận đạo đức như thế nào với vợ và ngược lại,…. Đồng thời, những nguyên tắc đạo đức được khai thác là những nguyên tắc đạo đức căn bản, cốt lõi chứ không phải mọi nguyên tắc đạo đức. Trong gia đình, có nhiều mối quan hệ khác nhau như quan hệ cha – con, vợ - chồng, anh – em, con dâu – gia đình chồng, con rể - bố mẹ vợ, chị dâu – em chồng,… Tuy nhiên, như đã giới hạn trong Phạm vi nghiên cứu, tác giả chỉ đề cập đến những mối quan hệ căn bản, cốt lõi của con người đó là quan hệ cha – con, vợ - chồng, anh – em. Trong xã hội, con người cũng có nhiều mối quan hệ khác nhau như quan hệ họ hàng, bạn bè, thầy trò, hàng xóm,… Song tác giả khái quát thành hai mối quan hệ cơ bản đó là: quan hệ của con người với con

người trong xã hội nói chung và quan hệ của con người với quê hương, đất nước. Và trong những mối quan hệ cơ bản đó, tác giả chỉ tập trung đề cập đến những nguyên tắc đạo đức căn bản, cốt lõi quy định bổn phận của con người. Chính vì vậy, những nguyên tắc đạo đức quy định bổn phận của con người trong mối quan hệ với bản thân, gia đình và xã hội là những nguyên tắc đạo đức căn bản, cốt lõi mà con người phải giữ gìn và tuân theo.

Quan niệm về đạo làm người không phải là bất biến mà nó mang tính lịch sử, mỗi thời đại khác nhau lại có những quan niệm khác nhau. Mặt khác, tục ngữ, ca dao Việt Nam rất phong phú về số lượng và nội dung ý nghĩa, thể hiện quan niệm của nhiều người trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội Việt Nam được đúc kết và lưu truyền qua nhiều thế hệ nên trong tục ngữ, ca dao Việt Nam có nhiều tư tưởng khác nhau thậm chí đối lập nhau về cùng một vấn đề. Do đó, khi nghiên cứu đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam, tác giả hướng tới tìm những điểm chung nhất, những giá trị mang tính bền vững của đạo làm người và được thể hiện chủ đạo, xuyên suốt trong tục ngữ, ca dao Việt Nam.

Quan niệm đạo làm người được phản ánh trong tục ngữ, ca dao Việt Nam dưới dạng những câu nói ngắn gọn, là sự đúc kết kinh nghiệm của đông đảo quần chúng nhân dân lao động Việt Nam. Do đó, đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam được thể hiện một cách tản mạn, thiếu tính hệ thống. Luận án có nhiệm vụ tìm sự liên hệ, sợi dây kết nối, logic cho những tư tưởng tản mạn này vì vậy không thể tránh khỏi có những chỗ thể hiện dấu ấn cá nhân, cách tiếp cận riêng của người nghiên cứu nhằm tìm ra logic của vấn đề. Đó là điều không thể tránh khỏi và không thể khác được bởi bản chất của ý thức chính là sự phản ánh năng động, sáng tạo. Điều đó không làm mất đi tính khách quan của vấn đề nghiên cứu mà chỉ phản ánh sự phong phú về nội dung đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam cũng như tính phong phú trong cách nhìn, cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu mà thôi.

Một phần của tài liệu Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao việt nam và ý nghĩa hiện thời của nó (Trang 42 - 45)