Thứ nhất, điểm đến du lịch có sự tham gia của các bên liên quan với các yêu cầu và mục tiêu khác nhau
Điểm đến du lịch chính là một không gian địa lý cụ thể, do đó mà có sự can thiệp gián tiếp và trực tiếp của các bên liên quan đến hoạt động du lịch như chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư tại điểm đến, doanh nghiệp dịch vụ du lịch, các tổ chức xã hội… Mỗi đối tượng có những mục tiêu và yêu cầu cụ thể riêng khi can thiệp vào điểm đến du lịch (chính quyền địa phương mong muốn phát triển du lịch để phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh và an toàn xã hội, đồng thời bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển bền vững môi trường sống; cộng đồng dân cư tại điểm đến có mục tiêu việc làm, thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống gắn với yêu cầu hạn chế tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đến nếp sống và phong tục tập quán của địa phương...).
Thứ hai, điểm đến du lịch có nhiều sản phẩm, dịch vụ của nhiều ngành, nghề khác nhau cung cấp cho khách du lịch và cộng đồng dân cư địa phương.
Tại điểm đến du lịch, du khách được cung cấp các dịch vụ lưu trú, ăn, uống, tham quan, giải trí, vận chuyển, đồ lưu niệm, sản vật địa phương. Còn cộng đồng dân cư địa phương đươc cung cấp các sản phẩm như lương thực, thực phẩm, máy móc thiết bị mới, các loại dịch vụ như chữa bệnh, giải trí,… Vì vậy, tại điểm đến du lịch cân đối giữa nhu cầu của khách và nhu cầu của cộng đồng dân cư sở tại để đảm bảo chất lượng của sản phẩm, dịch vụ cung ứng phù hợp.
Thứ ba, điểm đến du lịch chịu tác động của các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động du lịch.
Điểm đến du lịch chịu ảnh hưởng của các yếu tố như thời tiết, khí hậu và các yếu tố khác của thiên nhiên như: động đất, sóng thần, dịch bệnh… và chính điều này tạo ra tính chất mùa vụ của mỗi một điểm đến du lịch. Bên cạnh đó, điểm đến du lịch cũng chịu ảnh hưởng của nền ổn định chính trị, sự an toàn và chính sách pháp luật thông qua những ấn tượng và cảm xúc đối với khách du lịch.