Phát triển nguồn nhân lực du lịch mang tính chiến lược và dài hạn

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch tỉnh hòa bình (Trang 137 - 140)

Mục tiêu: hoạch định chiến lược phát triển nguồn nhân lực có tính dài hạn, hướng tới sự chuyên nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn nhân lực du lịch của khu vực và thế giới, tạo sự khác biệt đến từ đội ngũ nhân lực để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0.

Giải pháp: Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Hòa Bình cần đánh giá thường xuyên chất lượng và số lượng nguồn nhân lực, từ đó có những giải pháp mang tính tối ưu, phù hợp với thực trạng nhân lực du lịch tỉnh Hòa Bình

Thứ nhất, đánh giá lại thực trạng nhân lực trong ngành du lịch của tỉnh Hòa Bình cả về tâm lực, thể lực và trí lực. Phối kết hợp các bộ phận, cơ quan chức năng,

doanh nghiệp trong thống kê và đánh giá chất lượng và số lượng đội ngũ nhân lực trong ngành du lịch. Từ đó, có định hướng và căn cứ khoa học nhằm xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành du lịch tỉnh. Tiến hành đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo tính đồng bộ từ cán bộ quản lý đến nhân viên phục vụ mới nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra sự đột phá về chất lượng dịch vụ cung ứng cho khách du lịch khi đến với điểm đến Hòa Bình từ đó tạo ra tính cạnh tranh cho Hòa Bình đến từ sự khác biệt về đội ngũ nhân lực so với các điểm đến du lịch tương đồng

Thứ hai, xác định rõ ràng nguồn gốc của chất lượng nhân lực phải đến từ hệ thống đào tạo mang tính chuyên nghiệp, nhất quán. Chương trình đào tạo thiết kế đảm bảo nhu cầu của các doanh nghiệp và bộ phận du lịch ở nhiều trình độ khác nhau cho phù hợp với tính chất lao động trong ngành du lịch. Đặc biệt, xu hướng “số hóa” đã làm thay đổi sâu sắc phương thức quản lý, kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm du lịch. Điều này đòi hỏi các chương trình đào tạo nhân lực du lịch chú trọng toàn diện hơn cả về kiến thức, chuyên môn và kỹ năng. Tỉnh Hòa Bình cần chủ động phối kết hợp giữa các tổ chức đào tạo có uy tín để tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng nhân lực, tiến hành đặt hàng về nhân lực tại các cơ sở đào tạo chính quy có uy tín trong và ngoài nước nhất là với các ngành quản trị nhà hàng, quản trị lữ hành, quản trị khách sạn, quản trị khu vui chơi, giải trí, …

Thứ ba, tỉnh Hòa Bình cần coi công tác đào tạo hướng dẫn viên du lịch làm điểm đột phá về sự khác biệt trong đội ngũ nhân lực, nâng cao sự hài lòng của khách hàng khi đến với điểm đến du lịch Hòa Bình. Khi văn hóa Mường được coi là điểm nhấn trong du lịch Hòa Bình thì việc phát triển hướng dẫn viên du lịch bản địa, am hiểu văn hóa Mường và tài nguyên Hòa Bình sẽ tăng tính hấp dẫn cho du khách khi đến thăm quan tại Hòa Bình.

Thứ tư, bên cạnh hoạt động đào tạo thì muốn phát triển đội ngũ nhân lực ngành du lịch tỉnh Hòa Bình theo hướng chuyên nghiệp thì các doanh nghiệp và bộ phận liên quan cần có chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao đến từ các tỉnh thành trong cả nước. Xây dựng quy trình tuyển chọn và chế độ đãi ngộ hợp lý, chế độ lương thưởng linh hoạt nhằm giữ nhân tài từ đó tăng giá trị cho các sản phẩm du

lịch, đồng thời giúp khách du lịch hòa nhập với văn hóa con người của điểm đến Hòa Bình, tăng giá trị cảm nhận, thỏa mãn sự kỳ vọng của khách du lịch.

Thứ năm, chú trọng đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng mềm cho nhân lực du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên của các doanh nghiệp lữ hành, tạo ra sư trải nghiệm trong việc tương tác với khách du lịch quốc tế khi đến với điểm đến du lịch tỉnh Hòa Bình. Đồng thời, tạo ra môi trường học tập cho giới trẻ của địa phương vừa hướng tới sự hòa nhập quốc tế, vừa tạo ra sự hứng thú của giới trẻ đối với sự phát triển du lịch của tỉnh nhà, thu hút họ tham gia hoạt động trong ngành du lịch.

Thứ sáu, thực hiện phối kết hợp giữa sở du lịch tỉnh Hòa Bình với các cơ quan truyền thông nhằm giáo dục và nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp về vai trò và tầm quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch của tỉnh Hòa Bình. Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Hòa Bình cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng nguồn nhân lực riêng dựa trên đặc thù nguồn nhân lực sẵn có của tỉnh nhà và kết hợp với bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia (NTOS). Xây dựng hệ thống dữ liệu về nhân lực ngành du lịch tỉnh và có sự kiểm tra thường xuyên, với các phương pháp đánh giá khoa học.

Chính quyền địa phương tỉnh Hòa Bình dành ra kinh phí nhiều hơn nữa để phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, hiệp hội du lịch tỉnh, doanh nghiệp, người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch. Hàng năm tổ chức các lớp tập huấn để đào tạo kỹ năng, kiến thức du lịch cho con người trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch tại địa phương.

+ Cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan chức năng như Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh, trường cao đẳng sự phạm, trường văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, trường Cao đẳng nghề mở thêm một số chuyên ngành mang tính ứng dụng liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực các ngành nghề liên quan phục vụ cho hoạt động ngành du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó tỉnh Hòa Bình tạo điều kiện cơ chế, chính sách thông thoáng cho các trường cao đẳng, trung cấp nghề không chỉ ở địa phương mà còn các học viện, trường đại học có nhu cầu liên kết đào tạo các ngành nghề phục vụ cho hoạt động trong ngành du lịch.

+ Cơ quan quản lý các cấp cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách huy động, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức mở rộng liên doanh, liên kết trong đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực du lịch...

+ Khuyến khích phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, ưu tiên phát triển lao động là đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần phát triển nguồn nhân lực tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch tỉnh hòa bình (Trang 137 - 140)