- Trang bị thêm các công cụ bảo quản hiện đại cho công tác bảo quản. - Nhà kho phải luôn được đảm bảo các tiêu chuẩn về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thông gió…
- Phục chế các tài liệu đã cũ, bị hư hỏng nhiều.
- Bảo đảm vệ sinh kho tài liệu và dùng các biện pháp hoá học để phòng chống côn trùng gây hại.
- Để có thể thực hiện được mọi công việc bảo quản trong tương lai, Thư viện Quốc gia Việt Nam cần nghiên cứu, đầu tư, xây dựng cơ sở bảo quản hiện đại như: buồng chân không, buồng đông lạnh, …để bảo dưỡng, phục chế tài liệu gốc được hiệu quả hơn.
- Thư viện Quốc gia Việt Nam cần trang bị những kiến thức hoá học cơ bản, những phương tiện chuyên dụng cho cán bộ bảo quản làm việc để Thư viện có thể tự thực hiện được các biện pháp sử dụng hoá chất ngăn ngừa sự xuất hiện trở lại của các vi sinh vật và động vật gặm nhấm, nhằm giảm bớt chi phí tốn kém không cần thiết cho Thư viện.
- Cần phải sớm tìm ra các nguyên vật liệu thay thế có ở trong nước để giảm chi phí cho Thư viện khi phải mua nguyên vật liệu từ nước ngoài.
- Giáo dục ý thức bảo quản tài liệu:
+ Đối với cán bộ thư viện: cán bộ thư viện là người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với tài liệu, lại là người được xã hội trao cho trách nhiệm bảo quản tài liệu của thư viện; do vậy đòi hỏi cán bộ thư viện phải có ý thức bảo quản tài liệu thật tốt, góp phần giúp thư viện hoàn thành tốt vai trò giữ gìn tài sản quốc gia và là tấm gương bảo quản tài liệu đối với bạn đọc. Để làm được điều đó cán bộ thư viện cần phải thực hiện những yêu cầu sau:
o Vận động toàn cán bộ thư viện thực hiện bảo quản tài liệu trong tất cả các khâu nghiệp vụ như xử lý tài liệu, phục vụ tài liệu,…
o Phát động phong trào toàn thể cán bộ thư viện thực hiện tuần bảo quản, tháng bảo quản,…khen thưởng cán bộ thư viện có thành tích trong việc bảo quản tài liệu.
o Phát động những cuộc thi tìm hiểu về kiến thức bảo quản tài liệu trong toàn thể cán bộ thư viện. Hoặc tổ chức các buổi hội thảo về bảo quản tài liệu với sự tham gia của tất cả các cán bộ thư viện.
o Việc đem đồ ăn và nấu trong Thư viện cần phải được nghiêm cấm, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nặng.
+ Đối với bạn đọc: giáo dục bạn đọc về việc sử dụng tài liệu đúng cách là một công tác quan trọng trong thư viện. Công tác giáo dục bạn đọc về bảo quản không dễ dàng, đơn giản nhưng vì lợi ích to lớn của công việc này nên cán bộ thư viện cần phải cố gắng. Có nhiều hình thức giáo dục ý thức bảo quản:
o Phát các sách mỏng, tờ buớm về bảo quản tài liệu. In hình những trường hợp không nên làm và nên làm với những hình ảnh đẹp, vui mắt gây sự chú ý cho bạn đọc.
o Các chương trình nghe nhìn cũng là một bộ phận trong các hoạt động giáo dục ý thức bảo quản. Bạn đọc cũng cần được nghe, nhìn, xem tận mắt những điều cần bảo quản cho tài liệu khi sử dụng. Bạn đọc được xem những hình ảnh về phục chế các tài liệu hư hỏng, đó là thông điệp để giúp bạn đọc thấy được việc bảo quản tốt tài liệu sẽ ít tốn kém hơn là phục chế lại tài liệu. Hơn nữa, việc phục chế tài liệu cũng chỉ dừng ở mức độ nhất định, không thể khôi phục tài liệu trở về hiện trạng ban đầu. Thư viện có thể nhờ đến sự hỗ trợ của đài phát thanh, truyền hình nhằm tạo dựng ý thức bảo quản tài liệu cho toàn xã hội.
o Phát động tuần lễ bảo quản. Động viên, khuyến khích bạn đọc phát hiện thường xuyên trường hợp tài liệu cần bảo quản.
o Tổ chức hội thảo, diễn đàn để bạn đọc tham gia và thảo luận một cách cởi mở, tìm ra những phương pháp hữu hiệu trong việc bảo quản tài liệu. Bạn đọc trực tiếp nói về tầm quan trọng của việc bảo quản tài liệu sẽ tạo cho họ một nhận thức sâu sắc hơn, tích cực hơn, có hiệu quả hơn.
o Tổ chức các buổi tham quan việc xử lý và bảo quản tài liệu của thư viện. Khi thực hiện được việc giáo dục ý thức bảo quản tài liệu cho bạn đọc là thư viện đã tìm được những trợ thủ đắc lực cho công tác bảo quản tài liệu trong thư viện. Đây là công việc rất khó, đòi hỏi cán bộ thư viện phải kiên trì trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, đối tượng đến với thư viện công cộng rất đa dạng, do vậy thư viện cần phải phân loại từng nhóm đối tượng để thực hiện giáo dục ý thức bảo quản.
3.3 Kiến nghị
Trong quá trình hình thành và phát triển, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia trên thế giới đều tạo lập và để lại những di sản văn hoá của dân tộc, quốc gia mình. Tất cả di sản văn hoá đó thuộc về dân tộc nói riêng, nhân loại nói chung mà loài người có trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị của nó. Luật di sản văn hoá được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ IX thông qua ngày 29/6/2001 là một minh chứng của sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong lĩnh vực bảo vệ Di sản văn hoá dân tộc. Luật di sản văn hoá là định hướng, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để chúng ta làm tốt hơn sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc trong hiện tại và trong tương lai.
Vốn tài liệu quý hiếm của Thư viện Quốc gia Việt Nam hiện nay vẫn đang bị huỷ hoại do các nguyên nhân đã nêu trên, và nó đe doạ làm mất đi
nguồn tài liệu quý giá của dân tộc. Đây là một vấn đề lớn buộc thư viện phải đối mặt.
Trong những năm gần đây, thư viện học hiện đại nhìn nhận vấn đề bảo tồn, bảo quản tài liệu một cách cấp bách và toàn diện hơn. Công tác bảo tồn, bảo quản tài liệu của thư viện đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà thư viện học. Các nước tư bản (Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga…) đã thành lập các trung tâm, phòng nghiên cứu độc lập và chuyên nghiệp để bảo dưỡng, phục chế tài liệu. Việc các nước Nga, Pháp đặt các trung tâm bảo quản tài liệu thuộc viện hàn lâm khoa học cũng đã nói lên tầm quan trọng của công tác này. Liên hiệp quốc tế các hội thư viện (IFLA) đã đưa vấn đề bảo quản thành một trong 7 chương trình cốt lõi của các chương trình hoạt động của tổ chức này. Chương trình bảo tồn, bảo quản ( Preservation and Conservation Programme - PAC) có trụ sở chính tại thư viện Quốc hội Mỹ và có các đại diện ở châu Á, châu Đại Dương, chuyên nghiên cứu và đề ra các phương án giải quyết các vấn đề bảo tồn và bảo quản tài liệu.
Vốn tài liệu quý hiếm của Thư viện Quốc gia Việt Nam là một loại di sản đặc biệt không có gì có thể thay thế được, vì vậy chúng ta cần phải bảo quản, bảo tồn vốn văn hoá quý giá này cho chúng ta và cho thế hệ mai sau. Xuất phát từ mục tiêu trên em xin phép được đưa ra một số kiến nghị sau:
- Cần nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của công tác bảo quản vốn tài liệu nói chung và vốn tài liệu quý hiếm nói riêng. Trong nhiều năm ngành thư viện nói chung và Thư viện Quốc gia Việt Nam nói riêng chưa nhìn nhận vị trí quan trọng của công tác bảo quản tài liệu. Thư viện mới chỉ quan tâm đến việc bổ sung vốn tài liệu, còn vốn tài liệu đó được chăm sóc ra sao, tình trạng như thế nào chưa mấy ai thực sự quan tâm. Thời gian gần đây, công tác
này có được mối quan tâm hơn nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ cứu chữa những gì đã hỏng, sắp mất vĩnh viễn.
Từ trong nhận thức, Thư viện phải đặt công tác bảo quản - phòng ngừa là trọng tâm của công tác bảo quản. Thư viện nên đặt vấn đề so sánh giữa phòng bệnh và chữa bệnh thì hiệu quả kinh tế sẽ rất rõ bởi vì lâu nay Thư viện chưa có điều kiện để áp dụng công tác bảo quản phòng ngừa mà thậm chí có những loại tài liệu đã thực sự nhiễm bệnh rồi mà vẫn chưa có điều kiện cứu chữa.
- Cần có kế hoạch đào tạo cán bộ làm công tác bảo quản. Hiện nay, trong chương trình giảng dạy của các trường Đại học Văn Hoá; khoa thư viện trường Đại học Khoa học và Nhân văn; trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh… và một số cơ sở đào tạo khác chương trình dạy về công tác bảo quản đang bị xem nhẹ. Đã đến lúc chúng ta phải coi vấn đề bảo tồn, bảo quản tài liệu là vấn đề cấp bách, sống còn trong việc bảo tồn di sản văn hoá dân tộc. Để có được một đội ngũ những người làm công tác bảo quản tài liệu thì công tác đào tạo cần phải chú trọng các vấn đề sau:
+ Phải đặt nội dung bảo quản tài liệu là một trong những môn học chính của các cơ sở đào tạo cán bộ thông tin, thư viện.
+ Phải kết hợp học lý luận với thực hành trong công tác bảo quản. Kết hợp giữa nhà trường là nơi đào tạo và các thư viện là nơi thực hành.
+ Phải có phòng thí nghiệm với các trang thiết bị tối thiểu cho những nghiên cứu, thử nghiệm trong công tác bảo quản, phục chế tài liệu.
- Cần sửa đổi, ban hành chế độ chính sách cho những người làm công tác bảo quản.
- Thành lập trung tâm bảo quản tài liệu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam . Đến thời điểm này việc thành lập một trung tâm bản quản, phục chế tài liệu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam thành một trung tâm lớn nhất của cả nước là điều rất cấp thiết. Trung tâm này sẽ có phòng thí nghiệm, các trang thiết bị tối cần thiết, để có thể triển khai từng bước nghiên cứu và thực hiện các công việc bảo quản chuyên sâu; phổ biến công nghệ, đào tạo cán bộ bảo quản cho hệ thống thư viện công cộng trong và ngoài nước.
- Tăng cường và đa dạng hoá các nguồn kinh phí cho công tác bảo quản vốn tài liệu quý hiếm tại Thư viện Quốc gia Việt Nam . Trong công tác bảo quản tài liệu vấn đề kinh phí là rất quan trọng. Không bao giờ có đủ kinh phí cho công tác này nhưng các nguồn kinh phí lại rất phong phú. Thư viện Quốc gia Việt Nam có khoản kinh phí thường xuyên, có thể thêm kinh phí từ các chương trình nghiên cứu hoặc tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, các dự án bảo quản…Hàng năm từ kinh phí thường xuyên của thư viện có thể giành được từ 20 đến 25% cho công tác bảo quản và phải làm sao để kêu gọi được sự hỗ trợ kinh phí từ các nguồn ngoài ngân sách đó cũng là mục tiêu cần phải vươn tới của Thư viện Quốc gia Việt Nam .
- Cần xây dựng một chương trình bảo quản tài liệu đồng bộ, phù hợp với điều kiện của thư viện và có tính khả thi cao.
- Kiến nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với chính phủ để đầu tư kinh phí cho công tác bảo quản và phục chế tài liệu.
- Đào tạo cán bộ bảo quản trong và ngoài nước.
- Tranh thủ sự hỗ trợ của các chương trình bảo quản của quốc tế và của các nước trong khu vực ASEAN.
Mặc dù hiện nay đất nước chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, còn rất nhiều vấn đề quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc cần được ưu
tiên, nhưng nếu chúng ta không quan tâm đúng mức tới việc bảo quản vốn tài liệu quý hiếm thì tới một giai đoạn nào đó chúng ta cũng sẽ gặp vô vàn khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc như Nghị quyết Trung ương V khoá VIII của Đảng đề ra.
KẾT LUẬN
Vốn tài liệu quý hiếm là di sản toàn văn của nhân loại ra đời cách đây mấy ngàn năm. Sự tồn tại của chúng không bao giờ là mãi mãi và bất diệt cùng thời gian nếu không có công tác bảo quản. Việc giữ gìn tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác đó là sự để lại và kế thừa tinh hoa văn hoá của nhân loại.
Do vậy việc bảo quản, giữ gìn vốn tài liệu quý hiếm đã, đang và sẽ là nhiệm vụ cấp bách của mọi thư viện. Nhưng để thực hiện tốt nhiệm vụ này không phải là đơn giản. Tình trạng hư hỏng vốn tài liệu quý hiếm đang diễn ra không chỉ ở các thư viện trên thế giới mà còn xảy ra ở các thư viện Việt Nam trong đó có Thư viện Quốc gia Việt Nam . Thư viện Quốc gia Việt Nam đã có nhiều biện pháp cụ thể nhằm hạn chế sự hư hỏng đối với nguồn tài liệu này. Trong khi đó, Thư viện Quốc gia Việt Nam phải thực hiện hai nhiệm vụ song hành: một mặt vừa đảm bảo nhu cầu tin của bạn đọc mặt khác phải bảo quản vốn tài liệu quý hiếm cho thế hệ mai sau. Điều đó quả thật là khó khăn. Song với lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm của cán bộ Phòng Bảo quản cùng với sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước cùng với sự đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thì nhiệm vụ đó còn được làm tốt hơn nữa.
Với sự nỗ lực chung của Thư viện nói riêng và của toàn xã hội nói chung thì hy vọng trong một thời gian không xa vốn tài liệu quý hiếm của Thư viện Quốc gia Việt Nam sẽ ngày càng phong phú về số lượng và đặc sắc về chất lượng sẽ góp phần vào sự phát triển chung của nền thư viện nước nhà.