Tác động của CTNH đối với môi trường

Một phần của tài liệu Khảo sát và đề xuất biện pháp quản lý chất thải nguy hại cho khu công nghiệp Biên Hòa II Tỉnh Đồng Nai (Trang 25 - 28)

Hình 4: Hình ảnh Chất thải nguy hạ

2.2.3. Tác động của CTNH đối với môi trường

CTNH có thể gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng ở mức độ khó lường trước nếu không được quản lý, xử lý hợp lý. Trên thế giới, có thể kể một số trường hợp điển hình về tác hại của CTNH như sau :

- Love Canal, New York được biết đến như một biểu tượng cho sự ô nhiễm môi trường do chất thải nguy hại. Đây là điều then chốt này dẫn đến sự ra đời đạo luật Superfund vào năm 1980 ở Hoa Kỳ. Vào những thập niên 1940 - 1950, đoạn kênh này bị phong tỏa để các công ty hóa chất dùng làm bãi thải chất thải nguy hại. Sau đó, đoạn kênh này được lấp và chuyển giao cho chính quyền để xây dựng trường học và khu dân cư. Vào những năm cuối của thập niên 1970, thường xuyên phát hiện có mùi hóa chất, kết quả phân tích cho thấy có sự liên

quan giữa bệnh tật trẻ em ở khu vực này với nhiều dạng hóa chất (trong đó có dioxin).

- Times Beach : cũng là một sự kiện nổi tiếng tương tự Love Canal nhưng trường hợp ô nhiễm này được gây ra do dioxin.Vào những năm cuối thập niên 1960 và đầu 1970, nhà máy gần thành phố St. Louis pha lẫn dầu và nước để phun ngăn bụi. Tuy nhiên, sau đó phát hiện được nhiều sinh vật bị chết và ngay cả khi đã bóc bỏ phần đất phía trên, sinh vật vẫn tiếp tục chết. Kết quả phân tích cho thấy sinh vật chết do tác động của dioxin ngấm vào đất.

- Ở Minamata, Nhật Bản, thuỷ ngân vô cơ được dùng trong công nghiệp sản xuất acetaldehyde, một chất cơ bản của công nghiệp hoá chất. Thuỷ ngân này theo đường nước thải chảy ra vịnh gần đó và các sinh vật đáy biển ăn phải. Cá và các sinh vật biển khác dần dần bị nhiễm thuỷ ngân và cuối cùng người dân ở vùng này cũng bị nhiễm metilen thuỷ ngân do ăn cá gây nên các bệnh tê liệt, què quặt cho hơn 20% dân số sống tại thành phố này và không thể chữa trị được, sau này được biết đến như bệnh Minamata. Bệnh được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1956 nhưng thuỷ ngân thải ra biển không ngừng lại cho đến tận năm 1968. Tuy nhiên ngay cả khi việc thải thuỷ ngân ra biển đã ngừng lại, tầng nước đáy biển vẫn còn chứa một lượng lớn thuỷ ngân.

Qua những bài học về CTNH kể trên, ta nhận thấy chất thải nguy hại có tác động đến an toàn và sức khoẻ con người :

Vấn đề an toàn :

Chất thải nguy hại ảnh hưởng đến vấn đề an toàn do tính chất dễ cháy nổ, hoạt tính hoá học cao, gây ăn mòn, các chất nguy hại có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của con người. Ngoài ra, chất thải nguy hại còn phá huỷ vật liệu nhanh chóng. Do đó, chúng gián tiếp có ảnh hưởng đến an toàn và sức khoẻ con người.

Những mối nguy hại tác động lên cộng đồng và môi trường :

- Nguy cơ cháy : cháy sinh ra tác động chính với con người là gây phỏng do nhiệt độ cao, gây tổ thương da, làm mất oxy gây ngạt. Các tác động này có thể dẫn đến tử vong đối với con người và động vật. Cháy làm phá hủy vật liệu dẫn đến phá huỷ công trình. Một số chất dễ cháy hay sản phẩm sinh ra từ quá trình cháy là chất độc nên gây ô nhiễm môi trường khí, nước, đất.

- Nguy cơ nổ : nổ là các phản ứng hoá học xảy ra cực nhanh, giải phóng ra một lượng khí rất lớn tạo áp suất cao cục bộ cho vùng không khí xung quanh. Ngoài ra, bao bì của chất nổ cũng góp phần gây tác hại. Khi nổ, vỏ bị xé vụn và bắn ra xung quanh, có thể gây thương tích cho những đối tượng nằm trong tầm bắn của chúng.

- Các phản ứng hoá học : các phản ứng hoá học ăn mòn vật liệu, làm hỏng hay sụp đổ công trình.. Ăn mòn, cháy da, ảnh hưởng đến phổi và mặt. Chất gây ô nhiễm không khí, nhiễm độc nước, gây ô nhiễm đất.

Vấn đề sức khỏe con người :

Chất nguy hại gây tổn thương cho các cơ quan trong cơ thể, kích thích, dị ứng, gây độc cấp tính và mãn tính, có thể gây đột biến gen, lây nhiễm, rối loạn chức năng tế bào dẫn đến các tác động nghiêm trọng cho con người và động vật như gây ung thư, ảnh hưởng đến sự di truyền.

Con người khi tiếp xúc với chất thải nguy hại có thể biểu hiện nhiễm độc qua các triệu chứng lâm sàng và rối loạn chức năng như sau :

- Biểu hiện ở đường tiêu hoá : tăng tiết nước bọt hay khô miệng, kích thích đường tiêu hoá, nôn, tiêu chảy, chảy máu đường tiêu hoá, vàng da.

- Biểu hiện ở đường hô hấp : tím tái, thở nông, ngừng thở, phù phổi.

- Biểu hiện rối loạn tim mạch : mạch chậm, mạch nhanh, truỵ mạch, ngừng tim.

- Các rối loạn thần kinh, cảm giác và điều nhiệt : hôn mê, kích thích và vật vã, nhức đầu nặng, chóng mặt, điếc, hoa mắt, co giãn đồng tử, tăng giảm thân nhiệt.

- Rối loạn bài tiết : vô niệu…

Bên cạnh các ảnh hưởng độc hại đối với sinh vật sống, CTNH có thể gây hư hại không khí, nước và đất. Chất thải thâm nhập vào không khí có thể làm giảm chất lượng không khí một cách trực tiếp hay gián tiếp thông qua việc tạo thành các chất ô nhiễm thứ cấp. Các chất độc hại hòa tan, lơ lửng hay nổi trên mặt nước có thể cản trở việc sử dụng nguồn nước và ảnh hưởng đến các sinh vật nước.

Đất bị ảnh hưởng bới CTNH có thể biến đổi các tính chất vật lý, hóa học và khả năng dinh dưỡng đối với cây trồng. Ví dụ đất bị ảnh hưởng của nước muối đậm đặc từ ngành hóa dầu có thể trở nên không thích hợp đối với sự phát triển của cây trồng và do vậy đất này bị cằn cỗi và dễ dàng bị xói mòn.

Một phần của tài liệu Khảo sát và đề xuất biện pháp quản lý chất thải nguy hại cho khu công nghiệp Biên Hòa II Tỉnh Đồng Nai (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(80 trang)
w