Trong sự phát triển mạnh mẽ của các ngành thép, giấy, nhựa thời gian qua, việc sử dụng nguồn nguyên liệu là phế liệu nhập khẩu đóng một vai trò
nhất định. Vì vậy, yêu cầu nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu nội địa, đa dạng hóa các nguồn cung ứng cũng như xu thế tận dụng ngày càng nhiều các phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, trong chiến lược phát triển thời gian tới, các ngành đã đưa ra những định hướng rất rõ ràng về việc sử dụng phế liệu, trong đó có phế liệu nhập khẩu. Việc xem xét những định hướng này sẽ là những căn cứ thực tiễn quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhập khẩu phế liệu trong thời gian tới.
3.1.2.1. Ngành thép
Một trong những định hướng phát triển chủ đạo của ngành thép trong những năm tới là “Xây dựng và phát triển ngành thép trở thành một ngành công nghiệp quan trọng, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững, giảm thiểu sự mất cân đối giữa thượng nguồn và hạ nguồn, giữa sản phẩm thép dài và thép dẹt”. Để đạt được mục tiêu này, nhất là giảm sự mất cân đối giữa năng lực sản xuất phôi thép và năng lực cán thép thì giải quyết nguyên liệu đóng vai trò quan trọng. Thêm vào đó, với hầu hết công nghệ luyện phôi hiện tại là công nghệ luyện bằng lò điện hồ quang, trong đó, nguyên liệu chính là phế liệu, chính vì vậy, tận dụng tối đa nguồn sắt thép phế liệu mà chủ yếu là từ nhập khẩu trở thành một trong những giải pháp nhằm phát triển ngành thép trong thời gian tới.
3.1.2.2. Ngành giấy
Với mục tiêu khai thác và phát triển các nguồn lực sản xuất hiện có, đáp ứng 85-90% nhu cầu tiêu dùng trong nước, từng bước tham gia hội nhập khu vực, cũng như các ngành khác, việc đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho ngành giấy đóng vai trò quan trọng. Sự mất cân đối giữa nhu cầu bột giấy – giấy – nguyên liệu đã đặt ra một bài toán khó cho các doanh nghiệp ngành giấy với yêu cầu phải đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu. Hiện tại, hầu hết nguyên liệu phục vụ ngành giấy là từ các cây nguyên liệu trong nước và nhập khẩu. Đối với bột giấy từ các cây nguyên liệu, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn (đầu tư dây chuyền sản xuất cũng như công nghệ xử lý chất thải), đặc biệt phải gắn liền
với chiến lược phát triển cây nguyên liệu. Xuất phát từ yếu tố này, mặc dù chúng ta có thể chủ động cây nguyên liệu nhưng số lượng các doanh nghiệp có đủ năng lực cung ứng bột giấy là không nhiều. Chính vì vậy, trong Qui hoạch phát triển ngành giấy đến 2010 đã coi việc sử dụng giấy phế liệu là một nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng. Đây sẽ là giải pháp cho các nhà máy giấy gần khu dân cư, quy mô vừa và nhỏ để giảm chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Thu mua giấy loại trong và ngoài nước đều có ý nghĩa về bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên ở góc độ quốc gia và toàn cầu, nên cần phải khuyến khích sử dụng bằng việc áp dụng mức thuế nhập khẩu bằng 0 và được khấu trừ hoàn toàn nếu thu mua trong nước. Dự kiến mức sử dụng giấy cũ đến năm 2010 là 378.000 tấn/năm, chủ yếu thu mua và tái chế trong nước.
3.1.2.3. Ngành nhựa
Một trong những định hướng chiến lược của ngành nhựa trong thời gian tới là phát triển ngành công nghiệp nhựa mạnh và vững chắc để phục vụ đắc lực cho nền kinh tế trên cơ sở xây dựng ngành công nghiệp nhựa phát triển
cân đối và hoàn chỉnh và thúc đẩy việc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước.
Đối với việc phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành nhựa: đây trở thành mục tiêu cực kỳ quan trọng của ngành nhựa Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài việc sử dụng nguồn nguyên liệu chủ yếu từ hoá dầu việc tận dụng nguồn nhựa phế thải cũng như tăng cường việc tái chế nhựa cũng được đặt ra trong Qui hoạch phát triển ngành nhựa thời gian tới. Cụ thể:
Nhà nước cần chỉ định loại doanh nghiệp, hỗ trợ vốn cũng như các chính sách để doanh nghiệp đó hoạt động trong lĩnh vực thu gom và xử lý chất thải nhựa, trước mắt có thể thí điểm một nhà máy tại khu vực phía Nam nơi chiếm tới 70% thị phần của ngành nhựa cả nước.
Giai đoạn 2001 – 2005: đảm bảo tới 1.000.000 tấn nguyên liệu, ngoài 880.000 tấn nguyên liệu đầu tư mới chúng ta đã có 1 nhà máy sản xuất PVC
công suất 80.000tấn/năm, nhà máy hoá dẻo DOP 30.000 tấn/năm và các nhà máy sản xuất phụ gia khác.
Giai đoạn 2006 – 2010: sản xuất thêm khoảng 1.000.000 tấn nguyên liệu nữa, nghĩa là trong nước có thể cung cấp trên 2.000.000 tấn nguyên liệu/năm, đảm bảo thoả mãn 50% nhu cầu do qui hoạch đề ra.