2. Căn cứ lựa chọn sản phẩm nước ép trái cây
2.3. Nghiên cứu chính sách nhà nước liên quan đến nước ép trái cây
Hiện nay, Nhà nước đang có các chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển rau, quả như: miễn giảm thuế nông nghiệp, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT và các chế độ hỗ trợ tín dụng theo lãi suất ưu đãi, ưu đãi đặc biệt; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển giống và chế biến rau quả.
Để đảm bảo vị thế trên thị trường nội địa và chỗ đứng trên thị trường thế giới trên cơ sở khai thác tiềm năng sản xuất rau quả trong nước, ngày 03/9/1999, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 182/199/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển rau, quả và hoa, cây cảnh thời kỳ 1999 - 2010. Quyết định này hướng đến mục tiêu tạo điều kiện thoả mãn nhu cầu trong nước về rau quả, trong đó đẩy mạnh sản xuất, chế biến nước quả với giá rẻ để từng bước thay thế đồ uống có cồn và đến 2010 đạt kim ngạch xuất khẩu rau quả 1 tỷ USD. Theo chính sách này, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến rau quả nói chung sẽ được tạo điều kiện về công nghệ trồng và chế biến, xúc tiến thương mại và thuế ưu đãi.
Trong 10 năm trở lại đây, đặc biệt là từ năm 2000 đến nay, chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy ngành Nông nghiệp nói chung và rau quả nói riêng, gồm các chính sách thuế, tài chính, tín dụng.
- Về chính sách thuế: đối với thuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện theo thông tư số 18/2002/thị trường-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 30/1998/NĐ-CP và Nghị định số 26/2001/NĐ-CP của Chính phủ về luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Nội dung quy định được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với các xí nghiệp được ưu đãi đầu tư thuộc ngành rau quả.
- Về chính sách tín dụng và tài chính khác được thực hiện theo các văn bản: Nghị định số 43/1999NĐ-CP ngày 26/6/1999; quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002. Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại thực hiện theo thông tư số 61 ngày 01/01/2001, thưởng kim ngạch xuất khẩu theo quyết định số 65 ngày 29/6/2001, quyết định số 63/QĐ-BTC ngày 21/5/2002, quyết định số 1116/2003/QĐ-BTM ngày 09/9/2003.
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại có quyết định 0271/2003 về việc dành khoản hỗ trợ tín dụng xuất khẩu cho 18 mặt hàng chủ yếu có sức cạnh tranh nhằm tăng cường hỗ trợ đầu vào và giảm chi phí sản xuất. Một trong những mặt hàng được hỗ trợ tín dụng có mặt hàng rau quả bao gồm cả đóng hộp, tươi, sơ chế và nước quả. Đây cũng là một cơ hội để phát triển ngành rau quả Việt Nam nói chung, ngành sản xuất nước ép trái cây nói riêng.
Trong đề án công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn giai đoạn 2000-2020 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khởi thảo, có 12 lĩnh vực được ưu tiên phát triển trong đó bao gồm cả lĩnh vực rau quả. Đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến công suất 10.000 - 50.000 tấn/năm đối với các vùng sản xuất lớn; phát triển các nhà máy công suất 1000 -2000 tấn / năm với thiết bị chủ yếu do trong nước chế tạo, đa dạng hoá các sản phẩm chế biến như: nước ép trái cây, nước quả cô đặc, quả ngâm đường, sấy khô... nhằm tăng tỷ lệ chế biến rau quả từ 10% hiện nay lên 20% vào năm 2020. Đó là những thuận lợi về mặt chính sách Nhà nước đối với ngành chế biến rau quả nói chung và ngành sản xuất nước ép trái cây nói riêng.