Chương III Giải pháp tăng cường liên kết sản xuất quốc tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành CNĐT Việt Nam
3.2.2. Nhóm giải pháp đối với các doanh nghiệp sản xuất điện tử
CNĐT là một ngành công nghệ cao bao gồm nhiều công đoạn với các tính chất phức tạp khác nhau. Cả ngành CNĐT có thể phát triển nếu từng doanh nghiệp thành viên biết dựa vào lợi thế của bản thân mình mà lựa chọn quyết định tham gia vào khâu nào của quá trình sản xuất. Các doanh nghiệp mạnh có khả năng công nghệ kỹ thuật cao đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy và hộ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngược lại, với lợi thế chuyên sâu của mình, các doanh nghiệp nhỏ thực hiện chuyên môn hóa một số chi tiết, bộ phận trong chuỗi giá trị giảm thiểu các chi phí sản xuất cần thiết cho các doanh nghiệp lớn. Trước hết, các doanh nghiệp trong nước cần: - Nâng cao nhận thức về LKSX quốc tế: Các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về hiệu quả của LKSX quốc tế, để từ đó có thể chủ động tìm kiếm các mối LK trong hoạt động của mình. Cần chú ý rằng, sự LK có thể được thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau như LK công nghệ, LK nhân lực, LK trong dây chuyền tạo ra chuỗi giá trị của sản phẩm…Việc tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của doanh nghiệp cần phải được triển khai ở tất cả các bộ phận của doanh nghiệp vì chính những người quản lý cấp trung gian là những người dễ dàng nhận ra các nhu cầu về LK nhất và
chính họ là người đề xuất để chủ doanh nghiệp lựa chọn và quyết định triển khai các quan hệ LKKT.
- Lựa chọn hình thức LK phù hợp: sau 30 năm mà ngành CNĐT của chúng ta vẫn ở giai đoạn gia công.Việc lựa chọn là xưởng gia công cho thế giới hay phát triển sản xuất từ các chi tiết, linh kiện để tiến tới đảm nhận từ khâu đầu tiên trong chuỗi giá trị sản phẩm vẫn chưa được quyết định đối với ngành CNĐT Việt Nam. Vậy chúng ta sẽ LK với các doanh nghiệp nước ngoài theo hình thức LK ngang hay LK dọc, LK trong phát triển hạ nguồn hay là chỉ trong phát triển thượng nguồn…?Việc xác định nội dụng công việc cần phải LK và xác định được đối tác LK là một vấn đề hết sức quan trọng mà doanh nghiệp cần chú ý, đó là lựa chọn hình thức LK. Việc lựa chọn đúng hình thức LK, phù hợp với khả năng của các bên là một trong những yếu tố quyết định tới sự thành công của quá trình LK.
- Nâng cao trình độ công nghệ: tiếp tục nâng cao trình độ công nghệ theo phương thức học hỏi và sáng tạo công nghệ, tiếp nhận chuyển giao của các doanh nghiệp điện tử nước ngoài để có thể chuyên môn hóa sâu, từ đó có điều kiện tham gia và mở rộng các mối quan hệ LK quốc tế.
- Các doanh nghiệp điện tử trong nước nên lập cho mình một Website riêng, một mặt vừa quảng cáo, giới thiệu sản phẩm của mình, mặt khác vừa thuận tiện cho việc tìm kiếm đối tác. Trong đó, nên có các thông tin về tên gọi, địa chỉ, trụ sở, điện thoại, chủ doanh nghiệp, quy mô, loại hình, phạm vi kinh doanh, thậm chí còn có thể công khai cả mức thuế, đóng góp tài chính của doanh nghiệp trong ngân sách nhà nước, nhu cầu, khả năng hợp tác kinh tế của doanh nghiệp. Các website này nên hỗ trợ bằng tiếng Anh, như thế thuận tiện cho các doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm thông tin về đối tác đầu tư.
- Các doanh nghiệp nên xác định sản phẩm chủ lực của mình, cần xác định sản phẩm chủ lực phù hợp với năng lực, điều kiện sản xuất của doanh nghiệp nhằm sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhưng giá thành thấp hơn.
- Trong quá trình LK, các doanh nghiệp nên chú trọng vào việc soạn thảo các hợp đồng LK, các hợp đồng này cần tuân thủ các quy định của pháp luật trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên, dự kiến mâu thuẫn, tranh chấp có thể xảy ra và hướng giải quyết mâu thuẫn này để tránh gây hậu quả đáng có do sự thiếu sót của hợp đồng.
- Các doanh nghiệp trong ngành điện tử nên lập kế hoạch dài hạn về nhân lực: nhu cầu từng loại cán bộ lãnh đạo hàng năm và dài hạn, nhu cầu về kỹ sư, công nhân bậc cao, kế hoạch tuyển chọn hàng năm và tiêu chí từng loại, chính sách khuyến khích, lương…thông qua kế hoạch này có thể giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng phần nào đó yêu cầu trong các liên doanh, liên kết.
- Các doanh nghiệp nên đề xuất với nhà nước điều chỉnh chính sách hạn chế mức chi cho tiếp thị (hiện quá thấp, không còn hợp thực tể cạnh tranh của thị trường). Hàng năm, Nhà nước vẫn dành một khoản chi ngân sách cho quỹ xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp cần xem xét lại cách xúc tiến sao cho đạt được hiệu quả thiết thực nhất.