Các nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động LKSX quốc tế trong ngành CNĐT Việt Nam

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp điện tử thông qua phương thức liên kết sản xuất quốc tế (Trang 69 - 74)

Chương II Thực trạng về năng lực cạnh tranh của ngành CNĐT Việt Nam và vấn đề LKSX quốc tế trong ngành

2.2.3. Các nhân tố ảnh hưởng tới hoạt động LKSX quốc tế trong ngành CNĐT Việt Nam

Nam

2.2.3.1. Cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Hiện nay, Chính phủ vẫn chưa có một cơ quan đầu mối chuyên trách nhằm tìm kiếm, đánh giá và tham vấn cho các đối tác nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước.

Chưa có các hỗ trợ cần thiết về cơ sở hạ tầng, địa điểm xây dựng doanh nghiệp, giá thuê đất ưu đãi, trợ giúp bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề. Thủ tục hành chính vẫn là vấn đề khó khăn nhất mà các doanh nghiệp nước ngoài gặp phải khi tiếp cận đất đai, trong đó các thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng đất đứng thứ nhất về mức độ khó khăn, thủ tục thu hồi đứng thứ hai, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng thứ ba, chuyển đổi mục đích sử dụng đứng thứ tư.

Thủ tục hành chính các cấp, nhất là thủ tục sau giấy cấp phép còn rườm rà, chậm cải tiến, hiện tượng sách nhiễu, tiêu cực chưa được chặn, thanh tra, kiểm tra chồng chéo, phiền hà chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài tiến hành đầu tư vào Việt Nam. Chính điều này đã làm biến dạng chính sách và làm xấu đi môi trường đầu tư ở nước ta. Các doanh nghiệp liên doanh trong ngành phải trình rất nhiều loại giấy tờ, nhiều khi chồng chéo nhau. Để được hợp đồng kinh doanh sau khi đã được cấp giấy phép đầu tư, doanh nghiệp liên doanh phải xin tới 130 loại

giấy phép khác nhau của cơ quan nhà nước. Tuy hiện nay nhà nước đã có bước cải thiện bằng cách bãi bỏ hơn 100 giấy phép khác nhau nhưng sự quá tải về giấy phép là điểm bất hợp lý kéo dài trong những năm ở Việt Nam đã làm hạn chế sự chủ động trong kinh doanh của các doanh nghiệp liên doanh trong ngành CNĐT Việt Nam. Theo thống kê, một doanh nghiệp muốn đăng ký kinh doanh cần 13 thủ tục, mất 194 ngày với chi phí 373,6% thu nhập trên đầu người, đây là mức khá cao so với các nước trong khu vực Đông Á. Việc đăng ký tài sản ở Việt Nam cần 4 thủ tục, mất 67 ngày, chi phí 1,2% giá trị tài sản.

Ngoài ra, việc bảo vệ nhà đầu tư trong ngành vẫn còn kém cỏi. Luật tuy có quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của Giám đốc và thành viên Hội Đồng Quản trị nhưng vẫn chưa có cơ chế thực thi các quy định này, chưa có tòa án kinh tế riêng để xét xử các vụ kiện liên quan.

Công tác quản lý nhà nước còn nhiều yếu kém, vừa buông lỏng, vừa can thiệp sâu vào doanh nghiệp. Trong thời gian dài, việc quản lý tập trung vào khâu cấp phép đầu tư, buông lỏng khâu quản lý sau giấy phép, đây lại là khâu quyết định sự thành bại của dự án, do đó các cơ quan nhà nước không nắm được tình hình, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp liên doanh.

Trong 170 doanh nghiệp Nhật Bản đăng ký kinh doanh tại Việt Nam có gần 30 doanh nghiệp Nhật tiến hành đầu tư vào ngành CNĐT đã tham gia chương trình thu thập ý kiến về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, các doanh nghiệp đưa ra một số nhận định sau:

- Môi trường đầu tư: 85% các công ty hoanh nghênh chính sách một cửa, một dấu trong việc cấp phép đầu tư. Họ muốn chính sách này sẽ hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. 85% doanh nghiệp hy vọng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với các bộ ngành có sức mạnh hơn, 80% công ty cho rằng, hàng hóa sản xuất trong các khu công nghiệp nên được coi là hàng nội địa.

- Luật pháp, 81% công ty quan tâm đến luật pháp hiện hành, bao gồm cả những mâu thuẫn giữa luật liên quan, 71% công ty cho rằng luật chính thức ban hành chậm, 67% doanh nghiệp lưu ý đến việc không có thỏa thuận song phương.

- Về Luật đầu tư nước ngoài: 63% công ty lo ngại về “quy định đồng thuận” trong cuộc họp Hội đồng Quản trị (đối với công tác bổ nhiệm chủ tịch và phó chủ tịch), 47% công ty mong muốn được xóa bỏ quy định xuất khẩu, 80% hàng hóa vào thời điểm cấp phép đầu tư.

- Về đất đai: 88% công ty muốn được xem các ghi chú về đăng ký niêm yết tiến hành nhanh hơn. Hơn 80% doanh nghiệp mong muốn sẽ dành quyền sở hữu đất đai cho người nước ngoài hoặc quyền sử dụng đất có thể là vật thế chấp để vay vốn ngân hàng. 70% công ty muốn thời hạn thuê đất kéo dài hơn 100 năm.

Qua thống kê này, chúng ta có thể thấy, rõ ràng các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn còn gặp khó khăn nhiều trong về môi trường đầu tư, luật pháp và đất đai. Họ hy vọng Chính phủ Việt Nam có thể giải quyết những vấn đề này để ngành CNĐT Việt Nam trở thành môi trường đầu tư lý tưởng cho các doanh nghiệp nước ngoài.

2.2.3.2. Nhận thức và trình độ quản lý kinh doanh

LKSX chưa trở thành nhu cầu bức xúc trong hoạt động của các doanh nghiệp: một cuộc điều tra cho thấy, trên 50% số doanh nghiệp được hỏi cho biết không có hoặc chưa có nhu cầu tìm kiếm sự LKSX quốc tế, khoảng 30% số doanh nghiệp cho biết đang có nhu cầu tìm kiếm sự LK để bù đắp thiếu hụt trong năng lực sản xuất của mình và chỉ có 20% số doanh nghiệp cho biết họ luôn có nhu cầu tìm kiếm các mối LK để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại và tương lai.

Ngay trong một doanh nghiệp, nhu cầu LK nếu có xuất hiện cũng chỉ tồn tại trong ý tưởng của các lãnh đạo doanh nghiệp mà chưa trở thành nhu cầu của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp.

LKSX nhiều khi lại được thực hiện bởi các mệnh lệnh hành chính nên hiệu quả thực sự của LK không cao. Việt Nam tham gia liên doanh chủ yếu là loại hình doanh

nghiệp Nhà nước, chiếm tới 92% số dự án và 98,2% số vốn đăng ký, trong khi đó doanh nghiệp tư nhân với số lượng ít chiếm 7,8% số dự án và 1,8% số vốn đăng ký. Nguyên nhân là do nguồn lực tài chính của doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam còn hạn chế, chưa đủ sức tham gia liên doanh, liên kết. Bên cạnh đó, chính sách nhà nước cũng chưa thực sự khuyến khích tư nhân tham gia liên doanh với nước ngoài nên thường quy định rất khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai và thủ tục đầu tư. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp liên doanh nhiều khi bị chi phối bởi các mệnh lệnh hành chính.

Các doanh nghiệp Việt Nam chưa chịu đầu tư cho việc tìm hiểu thị trường, thông tin để tìm đối tác, chậm đổi mới hình thức kinh doanh. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam không chịu đầu tư nhiều cho việc tìm hiểu thị trường và thông tin đối tác.

2.2.3.3. Cơ sở vật chất, hạ tầng, tư liệu sản xuất

- Giao thông vận chuyển, đường xá…còn nhiều bất tiện, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa. Một vấn đề khó khăn mà các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài gặp phải đó là chi phí sinh hoạt cao hơn chi phí của các doanh nghiệp hoặc người lao động như giá điện nước, thông tin liên lạc, giá dịch vụ, một số trường hợp họ phải trả cho dịch vụ cao hơn giá áp dụng trong nước gấp 2 đến 3 lần như giá về điện, giá về hàng không…một số tuyến đường chất lượng cao hướng tới cửa khẩu biên giới, cảng sông, cảng biển, sân bay chưa được phát triển và nâng cấp - Tư liệu sản xuất còn hạn chế, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ cho ngành CNĐT Việt Nam còn yếu kém. Phần lớn các doanh nghiệp liên doanh đều phải nhập một số linh kiện nước ngoài do công nghiệp phụ trợ của nước ta còn kém phát triển (trình bày ở mục 2.1.3.5) chính điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp vì khi đó chi phí sản xuất cao hơn trong khi đó một trong những nguyên nhân các nhà đầu tư tiến hành đầu tư vào ngành CNĐT Việt Nam đó là do nguồn lao động rẻ, chi phí sản xuất thấp. Chính vì vậy mà nếu không phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ngành CNĐT một

cách đúng hướng thì Việt Nam sẽ không còn là địa điểm ưu tiên lớn của các doanh nghiệp điện tử nước ngoài.

2.2.3.4. Vai trò của các hiệp hội, tổ chức trong ngành CNĐT Việt Nam

Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam là một tổ chức phi Chính phủ, không lợi nhuận được thành lập ngày 02/06/2000 theo quyết định số 38/2000/QĐ- BTCCBCP của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Bưu chính Viễn thông. Nhiệm vụ của Hiệp hội là tập hợp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông trong một tập thể vững mạnh và gắn kết để phát triển nền CNĐT, công nghệ thông tin, viễn thông trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn trong ngành KTQD. Hội viên liên kết gồm các nhà sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực điện tử dân dụng, điện tử công nghiệp, linh kiện điện tử và sản phẩm công nghệ thông tin, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên 51%. Nhìn chung, hiệp hội điện tử Việt Nam đã có nhiều hoạt động đáng kể trong thời gian qua như: đẩy mạnh quan hệ với các Hiệp hội nước ngoài thông qua việc tổ chức và tham gia các hội nghị quốc tế và những sự kiện có liên quan. Phối hợp với các tổ chức nước ngoài trong các hoạt động trao đổi thông tin, cung cấp trợ giúp kỹ thuật và trao đổi các đoàn tham quan học hỏi về kỹ thuật và thương mại; thu nhận, đánh giá và phân tích các thông tin về ngành nghề, xuất bản và phân phối các báo cáo và tài liệu tham khảo, phương hướng của công nghiệp điện tử và CNTT, viễn thông của thế giới và Việt Nam, dự báo sản phẩm và phát triển công nghệ… Chủ trì các cuộc hội thảo, triển lãm, viếng thăm và cung cấp dịch vụ đào tạo nâng cao trình độ nghề nghiệp; mở rộng xuất khẩu các sản phẩm điện tử và CNTT của Việt Nam; tạo điều kiện cho các hội viên gặp gỡ, thảo luận và trao đổi ý kiến, chia sẻ các thông tin có liên quan cho hội viên và tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các hội viên trong bầu không khí bạn bè và hiểu biết lẫn nhau.

Tuy nhiên, Hiệp hội vẫn chưa chú trọng nhiều vào việc tìm kiếm đối tác cho các thành viên trong hội, thông tin về các doanh nghiệp trong và ngoài hiệp hội không

có hoặc không đầy đủ, gây khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, chưa chủ động hỗ trợ các thành viên trong hoạt động xúc tiến thương mại cho cả ngành hàng.

Qua những phân tích trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, LKSX quốc tế trong ngành CNĐT Việt Nam vẫn còn yếu do ảnh hưởng của khá nhiều nhân tố nhưng có lẽ nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất có thể nói đến đó là chính sách pháp luật của nhà nước và nhận thức, trình độ quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài ra, công nghiệp phụ trợ cũng là một trong những nhân tố có tác động không nhỏ đến LKSX quốc tế trong ngành. Chúng ta cần phải tích cực hơn nữa trong việc thay đổi cơ chế, chính sách, trình độ quản lý…để tích cực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng. Có như vậy, ngành CNĐT Việt Nam mới nhanh chóng thực sự trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp điện tử thông qua phương thức liên kết sản xuất quốc tế (Trang 69 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(90 trang)
w