Đánh mất thương hiệu sau các vụ M&A

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng hoạt động của thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp việt nam (Trang 50 - 52)

THỰC TRẠNG CỦA HOẠT ĐỘNG “MUA LẠI, SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP” TẠI VIỆT NAM

3.3.1.Đánh mất thương hiệu sau các vụ M&A

Tuy các giao dịch M&A ở Việt Nam được đánh giá là thân thiện và chưa có dấu hiện tiêu cực nhưng trên thực tế đang diễn ra hiện tượng đánh mất thương hiệu của các doanh nghiệp trong nước khi tham gia vào hoạt động M&A có yếu tố nước ngoài. Đồng thời đó, việc hàng loạt các doanh nghiệp trong nước đổ xô tìm đối tác nước ngoài để bán cổ phần, ngoài tận dụng lợi thế từ hoạt động này như thu hút nguồn vốn đầu tư, công nghệ, khả năng quản lý, phát triển thị trường,…, thì việc làm này có thể là những dấu hiệu ban đầu cho sự thâm nhập, thâu tóm của các doanh nghiệp nước ngoài luôn mạnh hơn các doanh nghiệp trong nước về mọi mặt và có thể xảy ra hiện tượng độc quyền do hoạt động M&A trong thời gian tới.

Các giao dịch mua lại, sáp nhập doanh nghiệp đã diễn ra trong thời gian qua hầu như đều có sự tham gia của phía các doanh nghiệp nước ngoài và chủ yếu là sự mua lại từ phía nước ngoài đối với các doanh nghiệp trong nước. Đó là một thực tế tất yếu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các doanh nghiệp phải bất chấp mọi điều kiện hay bỏ qua một số điều khoản quan trọng trong các hợp đồng mua lại, sáp nhập. Một vấn đề trong thời gian vừa qua mà các doanh nghiệp trong nước khi tham gia vào hoạt động M&A không quan tâm hoặc xem nhẹ đó chính là thương hiệu của doanh nghiệp.

Thương hiệu doanh nghiệp là một tài sản quý giá, nó tạo nên một phần lớn giá trị trong tổng giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, do sự thiếu kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong nước về yếu tố này và hoạt động M&A nên họ thường xem nhẹ việc định giá thương hiệu hoặc dễ dàng chấp nhận sự mất đi thương hiệu của mình vì những lợi ích khác không tương xứng. Đánh mất thương hiệu là một thực tế của các thương vụ M&A ở Việt Nam trong thời gian qua cần được lưu tâm. Trong thời gian qua đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm trong vấn đề đánh mất thương hiệu trong các vụ M&A.

Điển hình nhất cho vấn đề này là sự kiện kem đánh răng Dạ Lan. Vào thời điểm những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan chiếm đến 80% thị phần kem đánh răng trong nước và được tiêu thụ mạnh ở thị trường Campuchia, Lào, Trung Quốc. Con số 3 triệu USD vào năm 1995 là giá trị của kem đánh răng Dạ Lan dùng để góp vốn với tập đoàn Colgate. Với ý định không muốn phát triển tiếp thương hiệu kem đánh răng nội địa ở thị trường trong nước nên công ty nước ngoài đã

mua lại thương hiệu này và thực hiện thu hẹp việc sản xuất sản phẩm mang thương hiệu Dạ Lan, đến nay thì thương hiệu này đã biến mất trên thị trường Việt Nam. Hay trong thời gian gần đây, hai vụ mua lại doanh nghiệp tiêu biểu ở thị trường trong nước đó là Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi (Nhật Bản) mua lại công ty Bảo hiểm Nhân thọ Bảo Minh CMG và hãng hàng không Jetstar Airways (JA) đơn vị thành viên của Tập đoàn hàng không Quantas, Australia mua 30% cổ phần của Pacific Airline (PA). Trong hợp đồng mua 30% cổ phần của hãng hàng không PA thì hãng hàng không JA sẽ giúp cho PA trong việc nâng cấp toàn diện về khai thác bay, đội bay, kỹ thuật, đào tạo, bảo dưỡng, an toàn, an ninh hàng không, tăng dần năng suất bay ở những đường bay nội địa có sẵn và giúp PA mở nhiều đường bay nội địa mới, tiếp tục mở thêm đường bay quốc tế. Nhìn bên ngoài hoạt động này ta nhận thấy JA chỉ hỗ trợ cho PA và PA là người có lợi hơn trong thương vụ này, PA vừa có nguồn lực tài chính để vượt qua giai đoạn khó khăn đồng thời tiếp cận được nhiều vấn đề mới về chuyên môn cho hoạt động công ty. Nhưng thực ra, JA đang phát triển hoạt động kinh doanh của mình bằng việc dựa vào PA. Hiện nay trên thế giới không mấy quốc gia cho phép các hãng hàng không nước ngoài khai thác đường bay nội địa. Ngoài ra, để nhận được tất cả những điều được cho là lợi ích trên thì PA phải chấp nhận sử dụng thương hiệu JA. Trên các chuyến bay quốc tế của PA kể từ sau thương vụ mua bán cổ phần đó đều mang thương hiệu là JA. Đối với Công ty bảo hiểm Nhân thọ Bảo Minh CMG thì kể từ khi bán cổ phần cho Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi thì thương hiệu Bảo hiểm Nhân thọ Bảo Minh không còn xuất hiện trên thị trường.

Chúng ta thừa nhận rằng, sau các vụ mua lại, sáp nhập doanh nghiệp các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản có được cơ hội mới để tiếp tục phát triển. Nhưng tên tuổi của doanh nghiệp đó thường sẽ bị lưu mờ, nhưng vẫn có trường hợp thương hiệu của doanh nghiệp vẫn tiếp tục tồn tại nếu thương hiệu đó là một thương hiệu mạnh trên thị trường. Ở thị trường thế giới cũng đã xuất hiện rất nhiều trường hợp như vậy. Đây là một qui luật tất yếu của thị trường, thương hiệu của doanh nghiệp nhỏ, yếu sẽ bị doanh nghiệp lớn hơn tiêu diệt. Trong thời gian quan, các doanh nghiệp Việt Nam, khi tham gia vào các thương vụ M&A thường là những doanh nghiệp bị mua và thường có thương hiệu yếu hơn so với doanh nghiệp đi mua nên sau khi bán cổ phần lại cho công ty nước ngoài

thì dường như thương hiệu bị mất dần. Vấn đề này đang là một thực tế và có thể là một xu thế trong hoạt động M&A ở Việt Nam. Tuy nhiên vẫn có trường hợp doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được thương hiệu của mình. Ví dụ như trường hợp của Ngân hàng thương mại cổ phần ACB, ngân hàng đã phát triển tốt thương hiệu ở thị trường trong nước nên mặc dù đã bán 8,5% vốn cổ phần cho Standar Chertered nhưng vẫn giữ được thương hiệu ngân hàng tiếp tục tồn tại.

Việc xây dựng một văn bản pháp luật qui định chặt chẽ về hoạt động mua lại, sáp nhập chỉ là việc hợp thức hóa về mặt pháp lý đối với hoạt động M&A ở thị trường Việt Nam chứ không thể ngăn chặn được hiện tượng này. Bởi lẽ đây là một xu hướng tất yếu của thị trường M&A, thương hiệu mạnh sẽ thôn tính và triệt tiêu thương hiệu yếu hơn. Vấn đề là để tránh được hiện trượng này các doanh nghiệp cần thận trọng hơn trong việc nhận thức về thương hiệu và cố gắng xây dựng một thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp của mình, cẩn trọng trong đàm phán M&A để nhằm giữ lại thương hiệu của mình.

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng hoạt động của thị trường mua lại, sáp nhập doanh nghiệp việt nam (Trang 50 - 52)