Vai trò của nguồn nhân lực trong quá trình CNH, HĐH

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa (Trang 25 - 28)

CNH, HĐH là con đường tất yếu mà mọi quốc gia phải trải qua để phát triển. Cốt lõi của quá trình CNH, HĐH là nâng cao trình độ công nghệ của đất nước. Sự phát triển của khoa học công nghệ là chính là nền tảng của CNH, HĐH. Đổi mới và phát triển khoa học công nghệ là phương thức nhanh nhất để đạt được mục tiêu phát triển KT - XH. Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 BCH TƯ Đảng (khóa VII) đã xác định: CNH, HĐH là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện, phương pháp tiên tiến hiện đại dựa trên những thành tựu của khoa học kỹ thuật và công nghệ, tạo ra năng suất lao động cao. Sự đổi mới và phát triển công nghệ sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ có trình độ kỹ thuật, công nghệ cao, có giá trị cao sẽ tạo ra sự tăng trưởng và phát triển cho nền kinh tế, cho phép nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho sự phát triển. Chủ thể của quá trình này không ai khác chính là nguồn lực con người.

Karl Marx đã từng khẳng định: con người là yếu tố quan trọng nhất, là chủ thể của mọi hoạt động xã hội, từ hoạt động sản xuất vật chất đến các hoạt động văn hóa, chính trị - xã hội. Con người với tư duy khoa học sáng tạo của mình là những chủ thể không ngừng cải tạo thiên nhiên, phát triển xã hội và trong quá trình đó, không ngừng cải biến chính bản thân mình. Và như vậy, trong mọi thời đại, nguồn lực con người luôn là nguồn lực quan trọng nhất đối với sự phát triển của xã hội.

Nước ta đang tiến hành CNH, HĐH trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến chuyển. Thế kỷ 21 được dự báo là thế kỷ của nền kinh tế tri thức với sự phát triển vượt bậc về khoa học - công nghệ. Ngay trong những thập niên đầu của thế kỷ này, sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ, sự bùng nổ về thông tin và truyền thông đang tạo ra những biến đổi to lớn về nhiều phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường với qui mô và mức độ ảnh hưởng ngày càng sâu rộng. Nếu trước đây, sự phát triển của mỗi quốc gia dân tộc chủ yếu nhờ vào tài nguyên thiên nhiên, nguồn tư bản, thị trường… thì trong giai đoạn hiện nay, tri thức, khoa học - công nghệ lại trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp có thể tạo nên sự thịnh vượng cho mỗi quốc gia dân tộc. Phát triển nền kinh tế tri thức sẽ tiếp tục là ưu tiên trong chính sách phát triển của nhiều nước, nhất là tại các nước công nghiệp phát triển. Kinh tế tri thức, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế gắn với tự do hóa thương mại sẽ được đẩy mạnh; đầu tư, lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, lao động và vốn ngày càng mở rộng… Thời đại kinh tế tri thức toàn cầu hóa có thể mang lại cơ hội cho những nước đi sau rút ngắn khoảng cách phát triển bằng cách tiếp thu công nghệ mới để hiện đại hóa nền kinh tế. Khi đã tham gia vào mạng lưới toàn cầu hóa, các nước đang phát triển, về nguyên tắc có thể tìm kiếm các nguồn lực cho sự phát triển của mình không chỉ từ những thứ mà các quốc gia này đang có, mà còn từ những cái đang hiện hữu trong toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh phát triển như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước theo định hướng XHCN gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và CNH, HĐH”[13, tr.87].

Để thực hiện mục tiêu trên, cần tập trung huy động các nguồn lực khác nhau như vốn, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị, công nghệ, khai thác các nguồn tài nguyên… Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là phải có nhân lực thực hiện, hay nói cách khác, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến là yếu tố quan trọng hàng đầu để thực hiện chiến lược “đi tắt, đón đầu” trong quá trình CNH, HĐH đất nước hiện nay. Vai trò động lực của sự phát triển luôn thuộc về con người. Chính con người

với sức mạnh trí tuệ và phẩm chất của mình là yếu tố quyết định hiệu quả của việc khai thác các nguồn lực khác và do đó, là yếu tố quyết định sự phát triển thịnh vượng của mỗi quốc gia dân tộc. Nhất là trong thời đại kinh tế tri thức và toàn cầu hóa hiện nay, khi sự phát triển của kinh tế thị trường ngày càng dựa trên sự phát triển của tri thức; sức cạnh tranh xoay quanh tâm điểm là hàm lượng chất xám khoa học trong giá trị sản phẩm. Nếu đầu thế kỷ 20, hàm lượng đó chưa vượt quá 20% thì hiện nay ở nhiều sản phẩm đã đạt tới 80-90%. Cơ sở duy nhất để có hàm lượng khoa học cao trong giá trị sản phẩm chính là chất lượng nguồn nhân lực.

Sự phát triển KT - XH phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều điều kiện nhưng chủ yếu nhất vẫn là phụ thuộc vào con người. Xuất phát từ những yêu cầu khách quan, việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực có vai trò to lớn đối với quá trình phát triển và hội nhập. Phát huy, khai thác, sử dụng đúng các nguồn lực sẽ nâng cao năng lực và tạo cơ hội cho mọi người đều có thể phát huy hết tài năng, tham gia vào quá trình phát triển. Nguồn lực nói chung là một khái niệm rộng nó bao gồm hệ thống các nhân tố vật chất và tinh thần mà các nhân tố này có khả năng góp phần thúc đẩy quá trình cải biến xã hội của một quốc gia. Các lý thuyết tăng trưởng kinh tế hiện đại đã chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản là: áp dụng công nghệ mới, phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành động lực quan trong cho quá trình tăng trưởng kinh tế bền vững. Trong nền kinh tế toàn cầu, năng lực cạnh tranh quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhân lực, đây là cơ sở cho việc xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức.

Dưới góc độ phát triển bền vững (tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường) thì phát triển nguồn nhân lực vừa là động lực, vừa là mục tiêu, điều này càng có ý nghĩa đối với định hướng phát triển của Việt Nam - con người làm trung tâm của sự phát triển. Muốn vậy, nguồn nhân lực phải được phát triển và huy động tối đa vào quá trình phát triển KT - XH, đảm bảo có đủ việc làm, tiến đến nâng cao năng suất trên cơ sở giải phóng năng lực xã hội, sáng tạo của con người.

Nguồn nhân lực còn được xem xét trong mối quan hệ biện chứng của tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế. Nguồn nhân lực với tư cách là chủ thể

sáng tạo ra mọi của cải vật chất và tinh thần. Trong quá trình phát triển, cùng với các nguồn lực khác (vốn, khoa học - công nghệ và tài nguyên thiên nhiên), nguồn nhân lực được xem như năng lực nội sinh, chi phối quá trình phát triển của mỗi quốc gia, khai thác và sử dụng các nguồn lực khác, do đó nó giữ vai trò quyết định năng lực sản xuất quốc gia - tức tổng cung của nền kinh tế. Mặt khác, để tồn tại và phát triển, nguồn nhân lực với tư cách là người sử dụng và tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế là một bộ phận của tổng cầu. Giữa tổng cung và tổng cầu luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Đây là hai nội dung quyết định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhu cầu được đáp ứng sẽ trở thành động lực to lớn cho quá trình phát triển xã hội. Ngược lại, nhu cầu đó không được đáp ứng, định hướng đúng vào việc phát triển một xã hội văn minh, dân chủ và công bằng, thì ý nghĩa phủ định của nó là rất lớn, làm trì trệ, kiềm hãm sự phát triển KT - XH.

Tầm quan trọng của nguồn nhân lực không chỉ dừng lại ở nhận thức lý thuyết, ở tư duy của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, mà điều này luôn luôn được khẳng định trong cuộc sống sinh động. Nguồn nhân lực là yếu tố vật chất quan trọng nhất, quyết định năng lực của lực lượng sản xuất xã hội, trực tiếp sử dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong quá trình tăng trưởng kinh tế.

Thực tế cho thấy, mô hình tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới cũng như thực tiễn quá trình đổi mới đất nước của Việt Nam hơn 20 năm qua khi chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường, Nhà nước đã có nhiều chính sách huy động các nguồn lực cả trong và ngoài nước, trong đó nguồn nhân lực giữ vai trò quyết định tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, việc phát huy lợi thế nguồn nhân lực phải là nội dung trọng tâm trong việc hoạch định chiến lược phát triển KT - XH, Đảng ta đã khẳng định: “lấy việc phát huy yếu tố nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững”, “con người và nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước trong thời kỳ CNH, HĐH”.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở các tỉnh vùng Đông Nam bộ trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(164 trang)
w