- Có nền kinh tế năng động, Vùng ĐNB trở thành tâm điểm thu hút các nguồn lực phát triển như vốn đầu tư, nguồn lao động, đặc biệt là nguồn vốn FDI và khu vực kinh tế tư nhân, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, là yếu tố quan trọng để thu hút nguồn lao động từ các vùng miền khác trong cả nước. Số doanh nghiệp đóng trên địa bàn chiếm tới 37% doanh nghiệp cả nước đồng thời thu nhập bình quân đầu người một tháng của vùng cũng rất cao, gấp 1,8 lần mức bình quân chung của cả nước, gấp 2,4 lần khu vực Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung, gấp 2,4 lần khu vực Tây Nguyên. Từ chênh lệch về thu nhập, nên Vùng ĐNB thu hút một lượng rất lớn lao động nhập cư với nhiều trình độ chuyên môn khác nhau, từ lao động phổ thông đến lao động có chuyên môn kỹ thuật, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu hội tụ về đây.
Bảng 2.7: Thu nhập bình quân đầu người một tháng theo giá thực tế
Đơn vị tính: nghìn đồng
Năm 1999 2002 2004 2006 2008
CẢ NƯỚC 295 356 484 636 995
Trung du và miền núi phía Bắc 199 237 327 442 657
BTB và Duyên hải miền Trung 229 268 361 476 728
Tây Nguyên 345 244 390 522 795
Đông Nam Bộ 571 667 893 1146 1773
Đồng bằng sông Cửu Long 342 371 471 628 940
Nguồn: Niêm giám thống kê 2009
Có thể nói, với sự phát triển kinh tế năng động, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai là những nơi có thị trường lao động hoạt động sôi động nhất và cũng mang tính cạnh tranh nhất so với các vùng khác trong cả nước. Trong những năm tới, Vùng ĐNB vẫn là khu vực phát triển kinh tế năng động nhất, đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp ra đời và phát triển, tạo nhu cầu lớn về nguồn lao động.
- Vùng ĐNB cũng là nơi tập trung nhiều KCN-KCX, khu công nghệ cao của cả nước. Do đó, nhiều người đã chọn TP.HCM, Bình Dương hay Đồng Nai là nơi lập nghiệp, đặc biệt là giới trẻ.