- Sự chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ và lãnh đạo địa phương thiếu sự đồng bộ và kiên quyết khi tiến hành CPH:
2.2.5. Giải pháp đối với phần vốn sở hữu nhà nước
Hiện nay, cơ chế quản lý doanh nghiệp Việt Nam đang áp dụng cơ chế cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp, quyền sở hữu và quyền sử dụng vốn chưa được phân tích rõ ràng trong các DNNN và các doanh nghiệp CPH có vốn nhà nước. Điều này tạo ra nhiều bất cập trong việc quản lý vốn của các cấp chủ quản và hoạt động SXKD của các doanh nghiệp.
Đối với việc quản lý vốn nhà nước tại các DN CPH, đề nghị:
Thứ nhất: thực hiện phương thức Nhà nước đầu tư và quản lý
doanh nghiệp thông qua công ty đầu tư tài chính Nhà nước. Đây là một tổ chức tài chính của Nhà nước được tổ chức dưới dạng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có chức năng kinh doanh vốn nhà nước nhằm mục đích xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản, chuyển từ cơ chế nhà nước cấp phát vốn sang cơ chế đầu tư vốn vào doanh nghiệp, xác lập rõ ràng quyền sở hữu sở hữu vốn của nhà nước và quyền sử dụng vốn của doanh nghiệp, chuyển phương thức quản lý tài chính mang tính hành chính sang cơ chế kinh doanh vốn theo cơ chế thị trường. Công ty đầu tư tài chính nhà nước sẽ thực hiện quyền chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, có quyền sở hữu đối với công ty TNHH 1 thành viên, đối với các công ty CPH có vốn nhà nước, tham gia quản trị doanh nghiệp; hoạch định chiến lược phát triển, phương án SXKD, trả lương cho người lao động... với tư cách là một cổ đông.
Thứ hai: Tăng cường quản lý vốn, tài sản của Nhà nước trong công ty
CP đòi hỏi phải xử lý hài hòa các quan hệ sau:
- Phải xác định rõ ai là người đại diện và có trách nhiệm, quyền lợi gì đối với số tài sản của nhà nước trong công ty.
- Xác định rõ trách nhiệm đối với các khoản nợ, khoản vay, công nợ không có khả năng thu hồi, nợ khó đòi của công ty mà chưa xử lý dứt điểm trong quá trình CPH.
- Xác định rõ giá trị các tài sản vô hình khác như: lợi thế kinh doanh, thương hiệu, khách hàng truyền thống, thị phần, trình độ tay nghề... vào giá trị doanh nghiệp, đây chính là tài sản doanh nghiệp xây dựng, tích lũy nhiều năm mới có được. Nếu không được tính toán hoặc tính toán không đầy đủ những cấu thành giá trị vô hình này sẽ gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước. Vì trên thực tế, giá trị thương hiệu và giá trị vô hình khác trong nhiều trường hợp còn vượt quá giá trị vật chất của doanh nghiệp - phần tài sản lưu động đã không được đưa vào khi tính giá trị doanh nghiệp để CPH.
- Yêu cầu người đại diện và người trực tiếp quản lý phần vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp CP phải là những người đáp ứng được các yêu cầu: về mặt trình độ chuyên môn là phải có trình độ chuyên môn, nắm vững nghiệp vụ, có kiến thức sâu về quản lý kinh doanh, có tầm nhìn và nhãn quan chiến lược, có khả năng tập hợp được nhân lực, xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn cũng như ngắn hạn tại công ty, nắm vững những quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế về kinh tế... Về phẩm chất chính trị: phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, nắm vững chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, các chiến lược, định hướng phát triển của công ty, đơn vị.
KẾT LUẬN
Sau gần 14 năm triển khai, CPH DNNN không còn là điều mới lạ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, trên mỗi bước đi vấn đề CPH DNNN và nhất là sau CPH DNNN lại vấp phải những khó khăn mới do thực tiễn đặt ra. Vấn đề liên tục theo dõi từng bước đi của các doanh nghiệp sau CP để bổ sung kinh nghiệm từ thực tiễn, sửa đổi chính sách cho phù hợp là công việc hết sức quan trọng, cần thiết nhằm đề ra những chính sách mới giúp các doanh nghiệp sau CPH tiếp tục phát triển lành mạnh.
Chúng ta có thể khẳng định CPH doanh nghiệp là chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Bước đầu thực hiện chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức khích lệ điều này không những nâng cao uy tín và vị thế của các DNNN được CPH trên thương trường mà còn chứng minh tính đúng đắn của chủ trương CPH DNNN như một biện pháp quan trọng để thực hiện việc sắp xếp lại các DNNN ở nước ta.Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra của Chính phủ thì CPH DNNN vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Đối với DNNN trong ngành TM tại TP Đà Nẵng, một trong những ngành được khuyến khích phát triển ở mọi thành phần kinh tế, thì vấn đề sau CPH đang được đặt ra và thực hiện như một nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới. Nhưng để thực hiện được công việc to lớn này cần phải nắm rõ thực trạng của các doanh nghiệp CP từ CPH DNNN trong ngành thương mại của thành phố Đà Nẵng và đề ra các giải pháp phù hợp với các đặc điểm của các DN CPH trong ngành TM.
Với đề tài: “Những vấn đề sau cổ phần hóa các DNNN trong ngành thương mại của thành phố Đà Nẵng”, luận văn đã tập trung phân tích thực
trạng các DNNN trong ngành TM, luận văn mạnh dạn phân tích những vấn đề yếu kém trong tiến trình CPH các DNNN, nhất là vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp sau CPH, công tác cán bộ đối với doanh
nghiệp CP... để doanh nghiệp sau CPH đi đến phá sản, thực tiễn của tiến trình CPH, những thành tựu, hạn chế, các cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý có liên quan trong chỉ đạo và thực hiện tiến trình này trong ngành TM tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua, Từ đó, luận văn đề ra một số giải pháp mới nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp sau CPH trong ngành TM trong thời gian tới.
Hy vọng rằng với những giải pháp này luận văn xin được góp phần nhỏ bé vào việc khắc phục những tồn tại sau CPH ở các DNNN trong ngành thương mại của thành phố Đà Nẵng và sự phát triển của chúng trong thời gian đến.