HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
1.1.4. Vai trò của Ngân hàng thương mại trên Thị trường chứng khoán
Qua phân tích hoạt động của ngân hàng thương mại trên thị trường chứng khoán ở phần trên, có thể khái quát rằng ngân hàng thương mại có ba nhóm hoạt động: vừa là người phát hành, tự doanh chứng khoán, vừa là người cung cấp các dịch vụ hỗ trợ. Là một cấu thành của thị trường tài chính, sự phát triển của TTCK sẽ kém bền vững nếu thiếu sự gắn kết với hệ thống ngân hàng. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy rằng, “nếu thị trường chứng khoán là một cạnh cắt của thị trường tài chính thì các ngân hàng vừa là nền móng, vừa là xi măng”. Như vậy có thể thấy hệ thống ngân hàng và TTCK có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, kết hợp tác động với nhau cùng phát triển. Vai trò của hệ thống ngân hàng trong sự phát triển TTCK được thể hiện trên cả thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp.
1.1.4.1. Trên thị trường sơ cấp
Là một trong những chủ thể cung cấp hàng hoá cho thị trường chứng khoán, hoạt động của ngân hàng thương mại đã tạo tiền đề cho sự hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán.
Các ngân hàng thương mại có thể phát hành và bán cổ phiếu của mình, phát hành để tạo nguồn vốn khi mới thành lập hoặc tăng vốn bổ sung, phát hành trái phiếu để huy động vốn từ nền kinh tế.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng gián tiếp tham gia vào quá trình tạo hàng hoá cho thị trường chứng khoán thông qua các hoạt động trên thị trường sơ cấp
bằng việc cung cấp các dịch vụ về tư vấn cho các doanh nghiệp phát hành chứng khoán, làm đại lý hoặc bảo lãnh phát hành trái phiếu chính phủ, chứng khoán doanh nghiệp.
Như vậy ngân hàng thương mại đóng vai trò quan trọng đối với việc tạo ra lượng hàng hoá đa dạng, phong phú cho thị trường chứng khoán.
1.1.4.2. Trên thị trường thứ cấp
NHTM có vai trò quan trọng trên thị trường thứ cấp như sau:
a. Đối với các chủ thể khác nhau tham gia trên thị trường
Hoạt động trên thị trường thứ cấp tuân theo ba nguyên tắc cơ bản là: Nguyên tắc trung gian, nguyên tắc đấu giá và nguyên tắc công khai. Trong đó, nguyên tắc trung gian đòi hỏi “những người muốn mua hay bán chứng khoán không tiến hành giao dịch trực tiếp với nhau mà phải thông qua các nhà trung gian môi giới”. Vì vậy, các NHTM, đặc biệt là các CTCK của NHTM là cầu nối giữa khách hàng hay các nhà đầu tư với các nhà phát hành trên TTCK. Thông qua các trung gian tài chính như NHTM, CTCK, hoạt động của TTCK sẽ đảm bảo đúng mục đích: ổn định, lành mạnh, hợp pháp, các chứng khoán giao dịch được đảm bảo là chứng khoán thực, bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, với nghiệp vụ môi giới, tư vấn đầu tư, quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng, NHTM có vai trò giúp khách hàng lựa chọn chứng khoán để đầu tư một cách hiệu quả nhât.
Ngân hàng do có những quan hệ khách hàng lâu dài nên hệ thống thông tin của ngân hàng cũng vô cùng quan trọng, đây chính là cơ sở để tham chiếu tính chính xác, trung thực về thông tin liên quan đến các công ty niêm yết, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch của TTCK. Đồng thời, việc ngân hàng thương mại tham gia sẽ tiết kiệm chi phí trong việc thu thập và xử lý thông tin cho nhà đầu tư.
Khi các ngân hàng tham gia vào mua bán chứng khoán, hoặc ngân hàng làm cổ đông chiến lược cho một doanh nghiệp nào đó sắp phát hành chứng khoán, thì sẽ có tác động đến cung và cầu chứng khoán trên thị trường, do đó làm thay đổi thị giá chứng khoán theo chiều hướng nhất định. Ngoài ra, việc các ngân hàng được phép chủ động điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay cũng tác động trực tiếp đến thị giá chứng khoán. Thị trường tiền tệ và TTCK như hai bình thông nhau trong sự luân chuyển vốn, lãi suất ngân hàng tăng hoặc giảm sẽ ảnh hưởng đến giá chứng khoán: vốn được chuyển từ TTCK sang thị trường tiền tệ hoặc ngược lại.Sau đó việc ổn định giá cả trên thị trường chứng khoán cũng có sự tham gia không nhỏ của các NHTM. Các NHTM và các CTCK phải giành một tỷ lệ nhất định mua vào khi giá chứng khoán xuống quá thấp và bán ra khi giá thị trường lên quá cao.