Đầu năm 2010, lãi suất cơ bản tiếp tục được giữ nguyên 8%/năm. Từ đầu năm 2010, khi không còn chính sách hỗ trợ lãi suất như trong năm 2009, lãi suất vay vốn bằng tiền đồng liên tục tăng cao từ 14% - 17%/năm, cá biệt có những trường hợp lên tới 18%/năm, hay có thể cao hơn ở tín dụng tiêu dùng. Lãi suất cao hạn chế hoạt động vay vốn của doanh nghiệp.
Tháng 1/2010, lãi suất huy động tiền đồng và đôla Mỹ tăng nhẹ so với cuối năm 2009. Đối với lãi suất tiền đồng: nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động ít biến động, phổ biến ở mức 10 – 10,49%; lãi suất cho vay thông thường phổ biến ở mức 12% năm; lãi suất cho vay thỏa thuận đối với các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng phổ biến ở mức 15-17%/năm. Đối với lãi suất đôla Mỹ: so với tháng trước, lãi suất huy động và cho vay tăng từ 0,5-0,6%/năm. Lãi suất huy động phổ biến ở mức 2,3-4,5%/năm, lãi suất cho vay tăng từ 0,5-1%/năm, phổ biến ở mức 6-8%/năm.
Ở thời điểm hiện tại, lãi suất ngân hàng đã tăng đến đỉnh vào tháng 3/2010 theo động thái thắt chặt tiền tệ của NHNN nhằm kiềm chế lạm phát. Trước đó, bắt đầu từ tháng 12/2009, trước tình hình lạm phát tăng mạnh năm 2009 và nguy cơ lạm phát năm 2010, NHNN đã thắt chặt tiền tệ, khiến lãi suất tăng nhanh. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng tăng từ mức 8,64%/năm ngày 2/2/2010 lên mức 11,54%/năm ngày 31/2/2010. Mặt khác, khi lãi suất cho vay bằng tiền đồng lên cao, nhiều doanh nghiệp quay sang vay đôla Mỹ với lãi suất thấp hơn rất nhiều. Cụ thể, lãi suất cho vay đôla Mỹ ngắn hạn chỉ khoảng từ 5,5% - 6%/năm, dài hạn từ 6% - 8%/năm.
Đầu tháng 3/2010, lãi suất bắt đầu giảm và đầu tháng 4/2010, lãi suất đã giảm mạnh. Ngày 9/4/2010, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng giảm xuống còn 10,08%/năm. Lãi suất tháng 3 và 4/2010 giảm mạnh cũng có nguyên nhân do NHNN bơm tiền ra lưu thông.