Biện pháp phòng ngừa rủi ro ngoại hối hiện đang áp dụng tại các NHTM Việt

Một phần của tài liệu Quản trị rủi ro ở các ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 54)

Nam

Để giảm thiểu rủi ro ngọai hối, NHNN đã ban hành một số văn bản liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối của TCTD như: Quyết định số 21/2008/QĐ-NHNN ngày 11/7/2008 ban hành Quy chế Đại lý đổi ngoại tệ. Thông tư số 03/2008/TT-NHNN ban hàng ngày 11/8/2008, nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ, theo đó NHNN hướng dẫn các điều kiện cụ thể để được cung ứng dịch vụ ngoại hối đối với các tổ chức tín dụng. Đối với các ngân hàng thì điều kiện để được NHNN xem xét, xác nhận đủ điều kiện cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước bao gồm có phương án hoạt động được Đại hội cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua, có trang thiết bị và điều kiện vật chất đáp ứng được yêu cầu, có đủ cán bộ am hiểu, được đào tạo về nghiệp vụ ngoại hối và quản lý rủi ro kinh doanh ngoại hối.

Sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Thị trường công cụ phái sinh đóng góp cho tăng trưởng kinh tế thông qua việc phát huy tốt các chức năng của hệ thống tài chính, là cầu nối giữa tiết kiệm và đầu tư; sàng lọc, chuyển giao, và phân tán rủi ro; giám sát doanh nghiệp; tăng tính thanh khoản của các công cụ tài chính ,vận hành hệ thống thanh toán thông suốt, phòng ngừa rủ ro về ngoại hối, lãi suất … Với vai trò của trung gian tài chính, các tổ chức tài chính có thể tăng nguồn thu từ thu phí với tư cách của người môi giới; đặc biệt, khả năng mở rộng, phát triển các hoạt động khác của tổ chức tài chính như huy động vốn, cho vay, dịch vụ thanh toán, tư vấn... cũng tăng cao và hiệu quả hơn. Công cụ phái sinh là một loại hình bảo hiểm rủi ro tài chính khi thực hiện các hợp đồng kinh tế mà bản chất là phân tán rủi ro tiềm ẩn và đương nhiên, lợi nhuận của các giao dịch cùng được chia sẻ cho các bên.

Nghiệp vụ giao dịch kỳ hạn (Forward). Giao dịch kỳ hạn xuất hiện với tư cách là công cụ tài chính phái sinh đầu tiên ở Việt Nam theo quyết định số 65/1999/QĐ-NHNN ngày

25/2/1999. Các giao dịch kỳ hạn được thực hiện trong hợp đồng mua bán đôla Mỹ và Việt Nam đồng giữa NHTM với doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoặc với các NHTM khác được phép của NHNN. Hiện nay, nghiệp vụ kỳ hạn được giao dịch khá phổ biến và thỏa mãn hầu hết các đối tác có nhu cầu bảo hiểm rủi ro mà chủ yếu là các ngân hàng.

Hợp đồng giao sau (Future). Các ngân hàng cần phải xác định số lượng hợp đồng mà ngân hàng phải bán là số lượng mà sao cho lợi nhuận thu được từ các hợp đồng giao sau này để bù đắp mọi thua lỗ từ khoản tín dụng bằng ngoại tệ khi giá trị đồng ngoại tệ giảm so với đồng nội tệ. Trong nhiều trường hợp, thị trường giao sau không cho phép ngân hàng áp dụng hợp đồng dài hạn trên một năm để bảo hiểm khoản tín dụng có kỳ hạn một năm. Vì vậy, ngân hàng phải áp dụng phương pháp giao dịch trên thị trường giao sau và tăng sự không chắc chắn về giá trong các hợp đồng tiếp theo. Điều này đã khiến cho các nhà quản trị ngân hàng ưu tiên bảo hiểm rủi ro các tài sản có kỳ hạn dài trên thị trường kỳ hạn hoặc thị trường hoán đổi hơn là thị trường giao sau.

Nghiệp vụ quyền chọn (Option). Giống như hoạt động của nhà nhập khẩu và xuất khẩu, nhà đi vay và cho vay bằng ngoại tệ bảo hiểm rủi ro ngoại hối thông qua hợp đồng quyền chọn tiền tệ, một khả năng tương tự là việc ngân hàng cũng có thể sử dụng các hợp đồng quyền chọn nhằm bảo hiểm rủi ro ngoại hối. Tuy nhiên, chúng ta phải trả một khoản chi phí nhất định khi tham gia giao dịch này và khoản chi phí này sẽ chênh lệch nhau phụ thuộc vào các yếu tố: sự tồn tại rủi ro cơ bản, tính thanh khoản của thị trường, kỳ hạn của hợp đồng và bản chất của quyền chọn.

 Giao dịch quyền chọn hiện đã được nhiều NHTM ở Việt Nam triển khai trong bốn năm gần đây, nhưng hầu như số lượng giao dịch rất ít do đa số các doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu rõ lắm về nghiệp vụ quyền chọn và do tỷ giá tiền đồng với đôla Mỹ tương đối ổn định nên họ chưa cần đến công cụ bảo hiểm này. Mặt khác, đa số các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn xem nhẹ công tác quản trị rủi ro, không có giám đốc tài chính giống như các công ty nước ngoài nên không có người quản lý thực hiện quản trị các rủi ro tài chính trong kinh doanh.

Giao dịch hoán đổi tiền tệ (Swap). Hoán đổi tiền tệ được các ngân hàng sử dụng rất phổ biến để bảo hiểm rủi ro ngoại hối của mình. Trong trường hợp các tiền tệ trên bảng cân đối tài sản không cân xứng với nhau, chúng ta dễ thấy rằng giao dịch hoán đổi tiền tệ thì phần gốc và phần lãi đều được bao gồm trong hợp đồng. Đối với giao dịch hoán đổi lãi suất thì chỉ phần thanh toán lãi suất là bao gồm trong hợp đồng. Lý do là vì trong giao dịch hoán đổi tiền tệ thì cả phần gốc và phần lãi đều bộc lộ rủi ro ngoại hối.

2.2.4 Rủi ro thanh khoản

Hơn hai thập kỷ qua, kể từ khi hệ thống ngân hàng Việt Nam thực hiện quá trình cải cách, các NHTM đã có bước phát triển mới cả về lượng và chất, nhưng vấn đề rủi ro thanh khoản dường như chưa được quan tâm đúng mức. Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà các nhà quản lý ngân hàng cần thực hiện là đảm bảo khả năng thanh khoản hợp lý cho ngân hàng. Ngân hàng có khả năng thanh khoản tốt, hay nói cách khác là ngân hàng không gặp rủi ro thanh khoản khi luôn có được nguồn vốn khả dụng với chi phí hợp lý vào đúng thời điểm mà ngân hàng cần. Điều này có nghĩa nếu ngân hàng không có đủ nguồn vốn cần thiết để đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường sẽ có thể mất khả năng thanh toán, mất uy tín và dẫn đến sự đổ vỡ của toàn hệ thống.

Một trong những ví dụ điển hình là sự kiện rút tiền hàng loạt ở ngân hàng Á Châu năm 2003 mà nguyên nhân do xuất hiện những thông tin xấu ảnh hưởng đến uy tín ngân hàng, nhưng nhờ sự hỗ trợ từ NHNN và các NHTM khác kịp thời cung ứng tiền mặt cho nhu cầu rút tiền của khách hàng nên NH đã thoát khỏi rủi ro thanh khoản.

Bảy tháng đầu năm 2008, tình trạng khan hiếm tiền đồng, lãi suất tiền gửi Việt Nam đồng liên ngân hàng tăng lên một cách chóng mặt đã đẩy các NHTM vào cuộc chạy đua lãi suất làm mặt bằng lãi suất huy động tăng dần lên từ 12% lên tới 18,6%/năm. Trong khi đó, về phía NHNN Việt Nam đã hai lần tăng lãi suất cơ bản lên 12%/năm và 14%/năm, đồng thời, chỉ đạo các NHTM tuân thủ một cách nghiêm ngặt quy định không áp dụng lãi suất kinh doanh vượt quá 150% lãi suất cơ bản và không được thu phí đối với hoạt động cho vay. Mặc dù lãi suất huy động tăng cao như vậy nhưng theo nghiên cứu của một số chuyên gia thì thực sự đồng Việt Nam thu hút về ngân hàng lại không được như ý muốn của các nhà quản lý và tình trạng thanh khoản vẫn luôn bị những áp lực rất căng thẳng.

Hậu quả là hoạt động kinh doanh của hầu hết các NHTM bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí một vài ngân hàng nhỏ bị tê liệt. Việc cho vay đối với khách hàng tại các ngân hàng hầu như bị đình chỉ, hầu hết các ngân hàng chỉ ưu đãi cấp tín dụng theo hạn mức đối với những khách hàng truyền thống, trong khi đó lãi suất cho vay cũng bị đẩy lên rất cao, ở mức 18%/năm, rồi 21%/năm. Kết quả kinh doanh của các ngân hàng giảm sút một cách nghiêm trọng, nhiều ngân hàng bị lỗ hàng trăm tỷ đồng và hầu hết các ngân hàng đều phải điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2008 khoảng 30%- 40%. Tình hình đó đã gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Đánh giá ở góc độ vĩ mô của toàn bộ nền kinh tế thì những diễn biến như trên đã gây ảnh hưởng tiêu cực lớn đến mục tiêu giảm lạm phát, tăng trưởng kinh tế và ổn định đời sống xã hội.

Nguyên nhân rủi ro thanh khoản của các NHTM Việt Nam là do tính liên kết hệ thống giữa các ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn thanh toán còn yếu, cạnh tranh không lành mạnh đẩy lãi suất lên cao tạo khe hở cho khách gửi tiền “làm giá tăng lãi suất” hoặc rút tiền từ ngân

hàng này sang ngân hàng khác làm suy yếu khả năng chống đỡ thiếu hụt thanh khoản của hệ thống. Những yếu kém khác từ quản trị tài sản nợ và sự thiếu hụt các công cụ quản lý hữu hiệu… của các NHTM cũng khiến NHNN khó nắm bắt chắc chắn tình hình thanh khoản và sự thay đổi lớn tài sản của mỗi NHTM để điều chỉnh.

Biện pháp hạn chế rủi ro thanh khoản đang được áp dụng cho các NHTM Việt Nam

Hoạt động kinh doanh của các NHTM trở nên phong phú và đa dạng hơn bao giờ hết. Bên cạnh các nghiệp vụ ngân hàng mang tính truyền thống thì các ngân hàng đã không ngừng phát triển các nghiệp vụ tài chính mới, hiện đại, những nghiệp vụ tài chính này có thể đem lại lợi nhuận rất cao cho NHTM, nhưng có cũng chứa đầy những rủi ro. Để có thể hạn chế được rủi ro này, ngân hàng sẽ phải tiến hành các biện pháp phòng ngừa là trích lập các dự phòng rủi ro, dự trữ bắt buộc và sử dụng các công cụ tài chính phái sinh.

Dự trữ bắt buộc (hay tỷ lệ dự trữ bắt buộc) là một quy định của ngân hàng trung ương về tỷ lệ giữa tiền mặt và tiền gửi mà các NHTM bắt buộc phải tuân thủ để đảm bảo tính thanh khoản. Các ngân hàng có thể giữ tiền mặt cao hơn hoặc bằng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc nhưng không được phép giữ tiền mặt ít hơn tỷ lệ này. Nếu thiếu hụt tiền mặt các NHTM phải vay thêm tiền mặt, thường là từ ngân hàng trung ương để đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Đây là một trong những công cụ của ngân hàng trung ương nhằm thực hiện chính sách tiền tệ bằng cách làm thay đổi số nhân tiền tệ.

2.3 Thực trạng ứng dụng Basel trong hoạt động giám sát hệ thống ngân hàng thƣơng mại Việt Nam

Về đường lối, chủ trương của Chính Phủ về ứng dụng Hiệp ước quốc tế Basel trong hệ thống các NHTM Việt Nam thông qua quyết định số 112/2006/QĐ-TTg ngày 26/05/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc phê duyệt đề án phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến 2020, thì đến hết năm 2010 Việt Nam phấn đấu thực hiện áp dụng hoàn chỉnh các chuẩn mực quốc tế Basel I và chưa đề cập nhiều đến việc ứng dụng Basel II.

Cho đến nay, cùng với đà phát triển của hệ thống ngân hàng cả về quy mô, số lượng và loại hình, hoạt động thanh tra giám sát của NHNN không chỉ dừng lại ở hoạt động kiểm tra tính tuân thủ của các ngân hàng, mà đã có được định hướng phát triển rõ ràng là phải xây dựng được hệ thống ngân hàng mang tính cảnh báo rủi ro cho hoạt động từng ngân hàng cũng như hệ thống ngân hàng. Nội dung giám sát được xây dựng trên các Quyết định số 398/1999/QĐ-NHNN về hoạt động giám sát từ xa, Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, Quyết định số 06/2008/QĐ- NHNN về xếp loại NHTM cổ phần, ... đã phần nào đáp ứng được yêu cầu về bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Các nội dung giám sát đã không chỉ tập trung vào các yếu tố định lượng mang tính truyền thống như vốn tự có, giới hạn tín dụng, chất lượng tín dụng mà đã được mở rộng cho các yếu tố định tính như theo dõi diễn biến cơ cấu tài sản nợ, tài sản có, xem xét các mối quan hệ giữa vốn và sử dụng vốn; việc đảm bảo khả năng chi trả hay đánh giá tính thanh khoản của ngân hàng. Các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng cũng đã được tính toán dựa trên các cơ sở khoa học do các tổ chức tài chính quốc tế đưa ra, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý vĩ mô, phân loại ngân hàng, đánh giá so sánh nhóm ngân hàng cùng loại và toàn hệ thống ngân hàng. Các quy định xếp loại NHTM cổ phần được ban hành kèm theo Quyết định 06/2008/QĐ-NHNN là một quyết định mới được xây dựng dựa trên các tiêu chí đánh giá CAMELS (xem Phụ lục 6) nhằm đưa ra các thang điểm cho các chỉ tiêu xếp loại cụ thể. Trên cơ sở đó, các NHTM cổ phần được xếp loại theo các hạng A, B, C, D với ý nghĩa từ tốt đến xấu.

Trước đây, hoạt động thanh tra chủ yếu tập trung vào thanh tra tại chỗ nhằm kiểm tra tính tuân thủ của các NHTM. Hiện nay, với việc hình thành Phòng giám sát và phân tích, hoạt động giám sát NHTM của NHNN đã được triển khai một cách toàn diện hơn. Hoạt động thanh tra giám sát không còn chỉ tập trung vào việc tiến hành thanh tra tại chỗ mà đã được nâng tầm với các hoạt động giám sát từ xa do Phòng giám sát và phân tích thực hiện. Với mục đích theo dõi thường xuyên tình trạng của từng NHTM cũng như tình trạng của hệ thống NHTM, phân tích xu hướng của các NHTM qua các năm, so sánh theo các nhóm tương đương; từ đó, có những nhận biết sớm về các rủi ro và các vấn đề tài chính để có các phương hướng và biện pháp kịp thời. Hoạt động giám sát từ xa của Thanh tra ngân hàng đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc củng cố chất lượng cho hoạt động thanh tra tại chỗ. Từ các kết quả giám sát của bộ phận giám sát từ xa, các kế hoạch thanh tra tại chỗ định kỳ hoặc đột xuất được xây dựng nhằm thẩm tra và kiểm chứng thực tế hoạt động của từng ngân hàng cụ thể, cũng như phát hiện những sai sót hay những nguy cơ trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.

Như vậy, sự phối hợp hoạt động giữa giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ bước đầu là dấu hiệu phát triển trong hoạt động giám sát của NHNN theo các nguyên tắc giám sát của quốc tế (nguyên tắc 20 của Basel).

Nói tóm lại, những tiến bộ bước đầu trong hoạt động thanh tra, giám sát của NHNN đã góp phần bảo đảm an toàn cho hệ thống các TCTD nói chung và hệ thống các NHTM nói riêng. Thời gian qua, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng của NHNN đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tuân thủ pháp luật về lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Thông qua hoạt động thanh tra, giám sát, xử lý khiếu nại, tố cáo, Thanh tra ngân hàng đã phát hiện nhiều vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật, yếu kém về tài chính, tổ chức, quản trị và hoạt động kinh doanh tại các NHTM. Trên cơ sở đó, các yêu cầu đối với các NHTM về việc khắc

phục, chấn chỉnh hay xử lý được tiến hành nhằm nâng cao sự an toàn trong hoạt động của NHTM.

Hoạt động giám sát của NHNN vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu trong 25 nguyên tắc giám sát của Basel.

Một phần của tài liệu Quản trị rủi ro ở các ngân hàng thương mại Việt Nam (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)