Phân tích tín dụng là phân tích khả năng hiện tại và tiềm tàng của khách hàng về sử dụng vốn vay, cũng như khả năng hoàn trả vốn vay ngân hàng.
Phân tích tín dụng bắt đầu bằng việc thu thập thông tin có ý nghĩa đối với việc đánh giá tín dụng, phân tích trên cơ sở thông tin thu thập được và lưu lại thông tin để sử dụng trong tương lai.
Mục đích chính của phân tích tín dụng là xác định khả năng trả nợ và ý muốn của khách hàng trong việc hoàn trả tiền vay, tìm kiếm những tình huống có thể dẫn đến rủi ro cho ngân hàng khi cho vay và tiên lượng khả năng kiểm soát của ngân hàng về các rủi ro đó, cũng như dự kiến các biện pháp phòng ngừa và hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra.
Phân tích tín dụng có vai trò sau:
- Phân tích tín dụng chính là cơ sở cho việc ra quyết định tín dụng. Phân tích tín dụng giúp ngân hàng sàng lọc được các khách hàng tốt, khách hàng tiềm năng để cho vay.
- Phân tích tín dụng dự đoán các rủi ro có thể xảy ra sau khi ngân hàng cấp tín dụng cho khách hàng, đồng thời đề xuất các biện pháp ngân hàng phải áp dụng để phòng ngừa, hạn chế các rủi ro đó.
- Việc đánh giá mức độ rủi ro của khoản tín dụng trong quá trình phân tích tín dụng giúp ngân hàng xác định được giá cả khoản tín dụng hay chính là lãi suất cho vay. Khoản vay có mức độ rủi ro cao hơn sẽ có mức lãi suất cao hơn.
Tóm lại, phân tích tín dụng là một khâu quan trọng trong quy trình tín dụng, là lá chắn đầu tiên để phòng ngừa và hạn chế các rủi ro tín dụng có thể xảy ra đối với ngân hàng.
Ngân hàng có thể xây dựng công cụ hỗ trợ cho quá trình phân tích tín dụng đó là mô hình đánh giá khách hàng. Các mô hình này rất đa dạng bao gồm mô hình phân tích tín dụng cổ điển (định tính) và các mô hình lượng hoá
rủi ro tín dụng. Phương pháp định tính có nhược điểm là mất thời gian, tốn kém, lại mang tính chủ quan. Mô hình lượng hoá có ưu điểm so với phương pháp truyền thống ở chỗ là, nó cho phép xử lý nhanh chóng một khối lượng lớn hồ sơ xin vay, với chi phí thấp, khách quan, do đó góp phần tích cực trong việc kiểm soát rủi ro tín dụng ngân hàng. Mặc dù vậy trong phê duyệt tín dụng của các khách hàng doanh nghiệp rất nhiều ngân hàng vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống chuyên gia (định tính) trong đánh giá các khách hàng tiềm năng. Ngoài ra, các mô hình này không loại trừ nhau nên một ngân hàng có thể sử dụng nhiều mô hình để phân tích, đánh giá mức độ rủi ro tín dụng của khách hàng. Ở Việt Nam hiện nay, các ngân hàng thương mại đang bắt đầu vào quá trình xây dựng các mô hình lượng hoá rủi ro tín dụng, điển hình là các hệ thống cho điểm tín dụng, xếp hạng khách hàng và vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp truyền thống để đánh giá rủi ro tín dụng.
Phương pháp phân tích tín dụng là cách thức xử lý thông tin để đưa ra đánh giá, nhận xét. Ngân hàng thường sử dụng các phương pháp sau đây để phân tích, đánh giá khách hàng:
Phương pháp truyền thống:
Khoảng 20 năm về trước, để đánh giá mức độ tin cậy của bên vay, ngân hàng thường chỉ dựa duy nhất vào phương pháp truyền thống (hay còn gọi là phương pháp chuyên gia, phương pháp phán đoán). Tuy nhiên phương pháp phân tích truyền thống có một số hạn chế là mất thời gian và mang tính chủ quan. Do vậy, ngân hàng đã không ngừng cải tiến phương pháp đánh giá, phân tích tín dụng.
Phương pháp chấm điểm, xếp hạng khách hàng:
Ngày nay, một số ngân hàng đã sử dụng phương pháp chấm điểm để xếp hạng khách hàng để lượng hóa mức độ rủi ro tín dụng người vay. Phương pháp này có ưu điểm là cho phép xử lý nhanh chóng một khối lượng
lớn các đơn xin vay với chi phí thấp và khách quan. Phương pháp chấm điểm khách hàng sử dụng các số liệu phản ánh những đặc điểm của người vay để lượng hóa xác suất không trả được nợ và phân loại người vay thành các nhóm có mức độ rủi ro khác nhau. Để sử dụng phương pháp này, phải xác định được các tiêu chí về kinh tế và tài chính có liên quan đến rủi ro đối với từng nhóm khách hành cụ thể.
Các mô hình lượng hoá rủi ro tín dụng trên đây cho thấy một phương pháp luận mới trong phân tích, đo lường rủi ro tín dụng. tuy nhiên để đưa vào ứng dụng trong thực tế nhà quản lý phải dựa vào cơ sở dữ liệu thống kê và phần mềm máy vi tính để xây dựng các mô hình cho từng nhóm khách hàng cụ thể. Mặt khác các mô hình chấm điểm cũng thay đổi theo thời gian khi môi trường kinh tế xã hội thay đổi. Các ngân hàng lớn ở các nước phát triển đã thiết lập nhiều mô hình chấm điểm khác nhau cho từng loại khách hàng và từng loại vay. Đối với các ngân hàng nhỏ mô hình chấm điểm chủ yếu áp dụng cho một vài nhóm khách hàng.