QUẢN TRỊ RỦI RO
1. Đánh giá chung pháp luật Việt Nam
Hội nhập quốc tế có tác động sâu rộng đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, mà ở đó, quyền lợi của cá nhân, quyền lợi dân tộc, quyền lợi của quốc gia ít nhiều có ảnh hưởng. Việc phân tích những tác động của toàn cầu hoá, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đến pháp luật là cần thiết song hành những phân tích tác động đến Nhà nước. Tiến trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế có ảnh hưởng đến môi trường pháp lý trong nước ở các khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, tư duy pháp lý hoàn toàn mới: Thực trạng pháp luật Việt Nam hiện nay có thể đánh giá trên các khía cạnh: (i) Đối với các nhà lập pháp thì quan niệm xây dựng luật gần như với tư duy Nhà nước quản lý là chính; (ii) Ý thức pháp luật của người dân chưa cao; (iii) Tính thiếu minh bạch, khách quan công bằng trong tiếp cận với thông tin pháp lý, việc thực thi các chế tài không khách quan, công bằng để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Điều này dẫn đến những hậu quả rất nặng nề, là lối hành xử tùy tiện, lạm dụng pháp luật, coi thường pháp luật.
Với những đặc điểm riêng có của mình, trong điều kiện hội nhập hiện nay thì việc thay đổi tư duy pháp lý cho phù hợp với các yêu cầu của bối cảnh mới là cần thiết để đảm bảo các quy định pháp luật trở thành chuẩn mực cho các quan hệ xã hội, nhất là trong các quan hệ thương mại quốc tế
Một vấn đề nữa cũng tác động tới tư duy pháp lý là cơ chế điều chỉnh, các thiết chế bảo đảm thực thi pháp luật trong thực tế cũng là vấn đề cần quan tâm. Ban hành nhiều các văn bản pháp luật, nhất là các văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý hành chính, mà chưa thật sự quan tâm đúng mức tới tính khả
thi của chúng, nhất là các văn bản luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế, cụ thể như Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989, Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993, Luật Thương mại 1997... Chính sự thiên lệch một cách không đáng có này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tính khả thi của pháp luật.
Thứ hai, cơ chế thực thi pháp luật, ranh giới giữa các chế tài pháp lý chưa thật cụ thể rõ ràng, nên tình trạng “hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự” đã và đang diễn ra như một dẫn chứng cụ thể từ việc chúng ta cố gắng tách bạch từng quan hệ để điều chỉnh như sự phân biệt ngành luật kinh tế, ngành luật dân sự, hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự; sự can thiệp của Nhà nước quá sâu vào các quan hệ kinh tế cũng là các rào cản đáng kể cho việc thúc đẩy kinh tế phát triển. Không những thế, công tác quản lý, nhất là quản lý về kinh tế nhà nước ta dường như rơi vào tình trạng “cố thủ”, mà không tuân theo quy luật của thị trường, theo ý chí chủ quan của Nhà nước.
Thứ ba, vai trò của các tập quán thương mại quốc tế, các hiệp định song phương và đa phương, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại đã được chính thức thừa nhận. Luật Thương mại 2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006 đã khẳng định vai trò của các tập quán thương mại quốc tế trong điều chỉnh các hoạt động của kinh doanh thương mại. Tập quán thương mại là thói quen được thừa nhận rộng rãi trong hoạt động thương mại trên một vùng, miền hoặc một lĩnh vực thương mại, có nội dung rõ ràng được các bên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Từ đó, Luật Thương mại xác định nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại và nguyên tắc áp dụng tập quán trong hoạt động thương mại. Trong hoạt động thương mại ngoài các quy định của pháp luật, còn có các tập quán kinh doanh.
Xác định một phương pháp tiếp cận mới trong việc xây dựng các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội là một điều cần thiết. Bởi chính nhân tố pháp lý là biểu hiện của sự bảo đảm của Nhà nước đối với các quan hệ xã hội. Khi xây dựng phương pháp xây dựng các văn bản pháp luật cần bảo đảm các
nguyên tắc sau: (i) Bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; (ii) Bảo đảm vai trò tối cao của Quốc hội trong ban hành văn bản luật; (iii) Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong quá trình lập pháp; (iv) Tôn trọng các tập quán quốc tế và phù hợp với các cam kết mà Việt Nam tham gia trong tiến trình hội nhập.
2. Pháp luật về hoạt động ngân hàng
Lĩnh vực ngân hàng là một lĩnh vực có độ nhạy cảm cao, nhạy cảm không những vì nó kinh doanh trong lĩnh vực chứa nhiều rủi ro, mà nó còn có tác động trực tiếp đến an toàn tài chính của từng quốc gia, sẽ kéo theo biến động về chính trị. Nếu không tỉnh táo trong tiến trình hội nhập về ngân hàng thì hậu quả mà nó mang lại không dễ gì kiểm soát. Một trong những đặc điểm của việc tạo lập môi trường pháp lý cho tổ chức và hoạt động của ngân hàng là phải bảo đảm yêu cầu: hiện đại, phù hợp với tập quán và thông lệ quốc tế, tình hình cụ thể của nước ta.
Bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Châu Á năm 1997 rất cần được quan tâm nghiên cứu trong quá trình xây dựng môi trường pháp lý cho hoạt động của ngân hàng. Cần xây dựng cơ chế phá sản tổ chức tín dụng, áp dụng các chuẩn mực quốc tế liên quan đến đánh giá, thanh tra tổ chức tín dụng. Đây là những vấn đề còn hoàn toàn mới ở Việt Nam.
Chúng ta không phủ nhận những nỗ lực to lớn của Nhà nước trong việc cải tổ hệ thống ngân hàng từ mô hình một cấp (ngân hàng vừa làm chức năng quản lý nhà nước về ngân hàng vừa thực hiện các hoạt động tín dụng), sang mô hình ngân hàng hai cấp, đã có sự tách biệt khá rõ giữa chức năng Ngân hàng Trung ương với các ngân hàng chuyên doanh, mở rộng và cho phép các tổ chức tín dụng nước ngoài được mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ khi có những biến động nhất định thì hệ thống ngân hàng mới được cải tổ, như việc chúng ta ký kết Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ năm 2001, thì khi đó, Ngân hàng Nhà nước mới có được kế hoạch để từng bước thể chế hoá các quy định của Hiệp định vào trong các quy định pháp luật. Một ví dụ nữa là
việc sửa đổi bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng năm 2004 cũng mới chỉ dừng ở việc sửa đổi những vấn đề đang bức xúc hiện nay phát sinh từ hoạt động của các tổ chức tín dụng, còn việc sửa đổi mang tính toàn diện đạo luật này thì lại chưa có kế hoạch cụ thể.
Các thiết chế pháp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các tổ chức tín dụng đang được Nhà nước ta quan tâm xây dựng. Chủ trương cổ phần hoá các NHTM Nhà nước là một hướng đi hứa hẹn có nhiều triển vọng, đáp ứng yêu cầu về vốn, năng lực quản lý điều hành. Tuy nhiên, xu hướng phát triển của các NHTM ở các nước trên thế giới hiện nay chúng ta cũng cần tham khảo, nghiên cứu để vị thế của các tổ chức tín dụng có thể đứng vững
Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật các Tổ chức tín dụng năm 1997, môi trường pháp lý cho hoạt động của các tổ chức tín dụng đã được cải thiện đáng kể. Thêm vào đó, Đảng ta cũng đã có quan điểm rất cụ thể để phát triển lĩnh vực tài chính ngân hàng là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Phân biệt chức năng của Ngân hàng Nhà nước với NHTM, chức năng cho vay của ngân hàng chính sách với chức năng kinh doanh tiền tệ của NHTM. Bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của NHTM trong kinh doanh. Giúp đỡ và thúc đẩy các tổ chức tín dụng trong nước nâng cao năng lực quản lý và trình độ nghiệp vụ, có khả năng cạnh tranh với các chi nhánh Ngân hàng nước ngoài. Bảo đảm quyền tự do kinh doanh của các ngân hàng và các tổ chức tài chính nước ngoài theo cam kết. Gắn cải cách ngân hàng với cải cách doanh nghiệp nhà nước. Sắp xếp lại các ngân hàng cổ phần, xử lý các ngân hàng yếu kém. Đưa hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân đi đúng hướng và bảo đảm an toàn.
Tuy nhiên, hiện nay hàng loạt các vấn đề liên quan đến hoạt động ngân hàng cần được điều chỉnh bằng các thiết chế pháp lý như vấn đề cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng, hoạt động của các NHTM trên thị trường chứng khoán; sự tham gia và hoạt động, cơ chế điều chỉnh đối với các chi nhánh, văn phòng đại diện của các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam, quy chế mua
cổ phiếu tại các tổ chức tín dụng cũng cần được quan tâm xây dựng và điều chỉnh, việc thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam; vai trò của Nhà nước trong việc giám sát đối với hoạt động ngân hàng, giới hạn hoạt động của các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam và lộ trình cắt giảm... Kinh nghiệm cải tổ lĩnh vực ngân hàng của các quốc gia trên thế giới cho thấy rằng, việc tư nhân hóa lĩnh vực ngân hàng là cần thiết, nhưng tư nhân hóa đến mức nào điều đó còn phụ thuộc vào điều kiện của từng quốc gia cụ thể. Thực tế cho thấy rằng, sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài vào hoạt động ngân hàng cũng chứa nhiều rủi ro tiềm tàng, nhưng cũng cần có một thời gian để các ngân hàng trong nước tăng cường hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh; Ngân hàng Nhà nước cải tiến các hoạt động điều tiết và thận trong trong giám sát.