Trung tâm Giao dịch Chứng khoán (TTGDCK) Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động khoảng 5 năm nay, nhưng chỉ có 25 công ty cổ phần niêm yết cổ phiếu. Giá trị một phiên giao dịch chỉ vào khoảng vài tỷ đồng. Nước ta đã cổ phần hóa vào khoảng 2000 doanh nghiệp nhà nước ở mọi lĩnh vực và hàng nghìn công ty cổ phần mới thành lập ở nhiều tỉnh, thành phố. Nhưng số công ty cổ phần niêm yết cổ phiếu tại TTGDCK Thành phố Hồ Chí Minh thật là nhỏ bé, so với TTCK các nước đang phát triển có khối lượng chứng khoán niêm yết chiếm từ 30-40% GDP, thì vấn đề đưa cổ phiếu của doanh nghiệp CPH ở Việt Nam vào giao dịch trên TTCK là bài toán còn nan giải. Thực trạng khan hiếm hàng hóa cho TTCK là một vấn đề nổi
cộm hiện nay. Vì vậy, cần có những cơ chế, chính sách để giải tỏa những trở ngại này. Đây là khó khăn không nhỏ khi mô hình công ty mẹ- công ty con ra đời .
Để tăng hàng hoá cho TTCK cần tạo ra nhiều điều kiện hấp dẫn DN vào niêm yết. Thực tế, các DN khi tham gia niêm yết đều mong muốn cổ phiếu của họ có tính thanh khoản cao, DN có thể huy động vốn dễ dàng, các thủ tục hành chính thông thoáng, thuận tiện... TTCK nếu đáp ứng được các yêu cầu trên sẽ tự nó thu hút được nhiều DN tham gia. Hơn nữa, việc tăng cung trên TTCK bằng cách này hay cách khác cũng đều phải đi kèm với các giải pháp tạo cầu, có như vậy mới đảm bảo TTCK phát triển cân bằng, lành mạnh.
Cần tăng cường nhận thức cho các doanh nghiệp về TTCK, do nhận thức về lợi ích của TTCK đối với hoạt động của DN còn rất mơ hồ nên DN chần chừ không muốn niêm yết. Phần lớn các DN Việt Nam hiện vẫn kinh doanh theo kiểu gia đình, hoặc theo mô hình DN vừa và nhỏ, nên chưa có nhu cầu chủ động huy động vốn lớn mà vẫn dựa chủ yếu vào nguồn cung cấp tín dụng của ngân hàng.
Ngoài ra, lợi ích từ việc niêm yết như quảng bá thương hiệu, các chính sách ưu đãi,… hiện nay còn ít so với những thách thức mà DN phải đối phó, đặc biệt là việc công khai thông tin và áp lực tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh sau khi lên niêm yết.
Mặt khác, chúng ta chưa có Luật Chứng khoán, hệ thống các văn bản về chứng khoán và TTCK hiện hành có tính pháp lý chưa cao và còn nhiều bất cập. Nghị định 144/2003/NĐ-CP là văn bản có tính hiệu lực pháp lý cao nhất của TTCK còn nhiều vấn đề liên quan vẫn chưa được đề cập như niêm yết DN có vốn đầu tư nước ngoài chuyển đổi, các giao dịch có kỳ hạn… Một số vấn đề mà thị trường rất
quan tâm là việc nới lỏng tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài, chính sách ưu đãi thuế đối với công ty niêm yết … vẫn chậm có quyết định dứt khoát.
Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của TTCK đang là vấn đề rất bức bách, kể cả nguồn nhân lực cho các cơ quan hoạch định chính sách và điều hành thị trường cũng cần đặt ra, nhất là sắp tới Việt Nam gia nhập WTO thì sự phát triển của TTCK sẽ rất nhanh chóng và phức tạp.