Mục đích chủ yếu của khuyến nông là đưa vào vùng nông thôn những hiểu biết, kỹ thuật mới để kích thích sự tiến bộ trong sản xuất và cải thiện đời sống của những nông dân, gia đình họ và cộng đồng của họ. Đây là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng, bởi thiếu nó người nông dân sẽ bị lệ thuộc vào nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất và làm ăn. Bởi vậy về khuyến nông phải đảm bảo chuyển giao đến hộ nông dân kịp thời và chính xác thông tin về kỹ thuật, các nguồn thông tin đa dạng khác tạo điều kiện để nông dân được tiếp cận trực tiếp với thị trường. Chương trình khuyến nông phải tập trung vào: chuyển dịch cơ cấu cây trồng và mùa vụ, mở mang các giống mới, bảo vệ sản xuất muà màng... Để khuyến nông thực sự là một dịch vụ quyết định năng suất cây trồng, vật nuôi, ngành nghề nông nghiệp thì tổ chức này cần được tăng cường cả chiều rộng và chiều sâu. Nhà nước phải có những hỗ trợ về mặt tài chính để tổ chức này hoạt động có hiệu quả mặt khác nó được xem như một dịch vụ cho nông dân nhưng cần có quy định là dịch vụ miễn phí cho các đối tượng nông dân nghèo.
Tạo lập và sử dụng vốn cho người nghèo là vấn đề thời sự nóng hổi song nhiều khó khăn hiện nay ở nước ta. Qua toàn bộ những luận đề được trình bày, đề tài đã giải quyết các yêu cầu đặt ra, thể hiện trên các nội dung sau.
1. Khái quát hoá những vấn đề lý luận về kinh tế thị trường bao gồm: Khái niệm về kinh tế thị trường và ưu khuyết tật của nó, vai trò điều tiết của Nhà nước. Từ sự phân tích đi đến kết luận: đói nghèo là tất yếu khách quan ở nước ta hiện nay và có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo đói song suy cho cùng là do thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Phân tích các kênh hỗ trợ vốn cho người nghèo, đề tài chỉ rõ để sử dụng vốn cho người nghèo hiệu quả thì mọi nguồn vốn phải qua tác động của kênh tính dụng.
2. Phân tích đánh giá thực trạng đói nghèo và việc hỗ trợ vốn cho người nghèo thời gian vừa qua trên cả 2 phương thức cấp phát và cho vay từ các loại nguồn: ngân sách, tín dụng ngân hàng, nguồn của các tổ chức cộng đồng, và nguồn hợp tác quốc tế. Đề tài đã chỉ rõ hiệu quả, một số tồn tại và nguyên nhân dẫn đến của từng kênh tài trợ. Đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm hỗ trợ vốn cho người nghèo ở một số nước trong khu vực và sự vận dụng vào Việt Nam.
3. Trình bày và phân tích rõ hệ thống các quan điểm hỗ trợ vốn cho người nghèo. Các quan điểm này được đặt ra trên cơ sở các luận cứ khoa học cũng như điều kiện thực tiễn nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường ở nước ta.
Đề xuất các giải pháp tạo lập và sử dụng vốn cho người nghèo trong điều kiện hiện nay ở nước ta, bao gồm 2 giải pháp lớn: Khai thác và sử dụng tối đa các nguồn vốn hỗ trợ người nghèo thông qua các chương trình dự án quốc gia, hoàn thiện và phát triển ngân hàng phục vụ người nghèo lên một cấp độ mới.
Tạo lập và sử dụng vốn cho người nghèo là một vấn đề bức thiết trên diễn đàn kinh tế. Chúng ta không thể hy vọng một sớm một chiều có thể giải quyết được. Bởi vậy để góp phần sớm giải được bài toán về vốn cho người nghèo, tôi hy vọng các giải pháp đề xuất sớm được nghiên cứu và áp dụng.