Họat động tín dụng là họat động có độ rủi ro cao, cán bộ tín dụng là người đầu tiên phải hứng chịu các rủi ro đó . Các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn chưa có chính sách thu nhập hợp lý đối với từng bộ phận tác nghiệp :
+ Chính sách lương mang tính cào bằng không chỉ giữa các bộ phận nghiệp vụ mà diễn ra ngay trong từng bộ phận . Với chính sách lương tăng đều đặn theo thâm niên hiện nay, không xét đến hiệu quả công việc, tồn tại nặng tư tưởng sống lâu lên lão làng đã làm giảm sức phấn đấu của lớp trẻ .
+ Tìm kiếm cán bộ tín dụng có năng lực ngày càng khó . Muốn có năng lực thì phải làm nhiều, mà làm nhiều thì sai nhiều, thu nhập cũng không cao lên khi làm nhiều . Dẫn đến không ai muốn làm công việc mới .
+ Có hiện tượng chuyển dịch cán bộ giỏi từ các ngân hàng thương mại nhà nước sang ngân hàng thương mại cổ phần .
Các ngân hàng cần xây dựng chính sách lương hợp lý theo các tiêu chí chính sau :
+ Tính hiệu quả của công việc đang thực hiện . Với hệ thống công nghệ hiện nay các ngân hàng có khả năng quản lý chặt từng thao tác của nhân viên,
mỗi ngày thực hiện được bao nhiêu giao dịch, độ lớn của từng giao dịch cũng như tính hiệu quả mang lại của giao dịch đó .
+ Tính trực tiếp tạo ra hiệu quả, bộ phận nào trực tiếp tạo ra lợi nhuận sẽ có những tỷ lệ thu nhập cao hơn sau đó mới đến các bộ phận trợ giúp tạo ra lợi nhuận .
+ Tiêu chí trình độ học vấn, thâm niên mang tính chất bổ sung cho hai tiêu chí trên .
Ngòai ra tổ chức tín dụng phải có tỷ lệ chấp nhận rủi ro, tránh hình sự hóa cán bộ tín dụng khi có rủi ro xảy ra . Thực tế các quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng chặt đến độ không thể phát sinh rủi ro cũng như không thể cho vay nếu thực hiện đúng về nội dung và hình thức . Do đó khi rủi ro xảy ra trách nhiệm nặng nề lại thuộc về cán bộ tín dụng, điều này gây ra tâm lý co cụm không có lợi cho sự phát triển của tổ chức tín dụng .