Đặc điểm kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình huy động vốn và cho vay vốn tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam chi nhánh Cà Mau (Trang 26 - 27)

* Khái quát tình hình kinh tế - xã hội:

Năm 2006, tình hình kinh - tế xã hội tiếp tục ổn định và phát triển; cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, lĩnh vực văn hóa xã hội có tiến bộ, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng, an ninh được tăng cường và giữ vững. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 11,8%, trong đó ngư-nông-lâm nghiệp tăng 10,1%, công nghiệp-xây dựng tăng 11,4%, dịch vụ tăng 15%; GDP bình quân đầu người tương đương 640 USD.

Kinh tế thủy sản phát triển tương đối khá cả về sản lượng nuôi trồng, khai thác biển, chế biến và xuất khẩu. Tổng sản lượng thuỷ sản đạt 274.600 tấn, tăng 5,6%; trong đó khai thác sông biển 138.000 tấn, tương đương so với năm trước.

Sản xuất nông nghiệp, do chủ động chuẩn bị tốt khâu lúa giống, vật tư nông nghiệp, tăng cường công tác khuyến nông và bảo vệ thực vật nên tiến độ làm đất, xuống giống các trà lúa đúng theo lịch thời vụ. Diện tích gieo trồng lúa cả năm tăng 5,4%; khả năng sản lượng lúa đạt 390.000 tấn, tăng 11%. Diện tích trồng rau màu, cây ăn trái, cây mía cũng tăng khá do giá cả và tiêu thụ thuận lợi nên đã khuyến khích nhiều hộ nông dân tăng gia sản xuất.

Lĩnh vực thương mại phát triển khá, hàng hoá phong phú, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh. Tuy giá cả có biến động tăng ở một số mặt hàng, nhưng được quản lý khá tốt nên không để xảy ra khan hiếm hàng hoá và tăng giá đột biến, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển, sức mua bán trong xã hội tăng. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa xã hội đạt 21.000 tỷ đồng; trong đó bán lẻ 9.000 tỷ đồng, tăng 19%; chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

* Đơn vị hành chánh:

Địa giới hành chính được chia thành 8 huyện và 1 thành phố; có 97 xã, phường, thị trấn; 860 ấp, khóm. Thành phố Cà Mau là trung tâm tỉnh lỵ nằm trên trục quốc lộ IA và quốc lộ 63 có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế, quốc phòng.

* Dân số:

Dân số Cà Mau có 1.200.000 người, phân bố tương đối đều, mật độ trung bình 230 người/km2, người Kinh chiếm 97% dân số, còn lại là người Khơmer, người Hoa và một số dân tộc ít người khác. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm 60%, đa số là lao động trẻ, cần cù, có thể đáp ứng nhu cầu cho nhiều lĩnh vực

* Lao động:

Số người trong độ tuổi lao động là 730.000 người, chiếm 60% dân số; trong đó lực lượng lao động hoạt động trong nền kinh tế có 610.000 người, chiếm 50,83% dân số và chiếm 83,56% lao động trong độ tuổi. Lao động giản đơn chiếm 82% lực lượng lao động.

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình huy động vốn và cho vay vốn tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam chi nhánh Cà Mau (Trang 26 - 27)