Khái quát về nội dung trưng bày của bảo tàng Hùng Vương

Một phần của tài liệu Tìm hiểu những hiện vật thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên trưng bày tại bảo tàng Hùng Vương (Trang 64)

Trong khu di tích lịch sử Đền Hùng, bên cạnh những di tích gốc như: Núi Hùng Lĩnh, các đền thờ vua Hùng, chùa Thiên Quang Thiền Tự còn có một ngôi nhà hai tầng đã được đưa vào sử dụng hơn chục năm nay đó là nhà bảo tàng Hùng Vương- Di sản văn hóa một thời đại- Công trình mang dấu ấn nước CHXHCN Việt Nam để tưởng niệm các Vua Hùng.

Bảo tàng Hùng Vương gồm có hai tầng, cao trên 30m. Nhìn từ xa, nhà bảo tàng giống như một khối lập phương, cao vút lên trên đỉnh một quả đồi ngay sát cổng đền chính. Bảo tàng Hùng Vương là một ngôi nhà có hình thức đậm chắc mà trang nhã,bề thế mà lại rất thanh thoát. Bắt đầu được khai móng từ năm 1986, với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng, các nhà xây dựng đã cấu thành một ngôi nhà hoàn hảo, hiện đại mà dân tộc. Hiện đại ở sự bề thế và quy mô xây dựng, tường ốp đá xẻ bao quanh với diện tích mặt bằng gần 1000m2. Còn dân tộc vì đây là một chiếc nhà sàn với 4 bề là cột chống trụ. Đứng từ đỉnh Núi Hùng nhìn xuống, nhà bảo tàng như một chiếc bánh trưng vuông khổng lồ. Sự khổng lồ ấy được các nhà thiết kế giải thích đó là biểu hiện tượng trưng của qủa đất theo quan niệm ngày xưa: đất vuông, trời tròn. Giữa nhà bảo tàng là một vùng trần thủng, có khoảng trời nghiêng xuống lồng trong một khuôn trăng đầy đặn. Tổng thể sự hiện diện trời tròn, đất vuông ấy hẳn là ý tưởng của kiến trúc sư muốn khắc họa lại huyền thoại: Sự tích bánh trưng, bánh dày.Sự tích ấy đã phần nào nói lên được quan niệm về vũ trụ của con người Việt Nam cổ đại. Đồng thời còn nói lên được triết lý nhân văn, triết lý toàn vẹn của con người Việt.

Bảo tàng Hùng Vương được khánh thành đúng trong ngày khai hội Đền Hùng năm Quý Dậu(1993). Nó mang tầm cỡ ở nội dung khoa học - tiếng nói của những hiện vật lịch sử đang chứa đựng trong lòng nó. Với 700 hiện vật gốc trên tổng số hơn 3000 hiện vật hiện đang có trong kho, 162 bức ảnh, 5 bức tranh sơn mài, 9 bức gò đồng, 5 hộp hình và một nhóm tượng lớn cùng

nhiều hiện vật khác được trưng bày đã khắc họa nội dung chủ đề tổng quát: Từ văn minh nông nghiệp các Vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất Phong Châu lịch sử.

Thăm quan bảo tàng Hùng Vương, du khách là người đi du lịch hay là nhà nghiên cứu, ai ai cũng đều cảm nhận được sự biến thiên vĩ đại của lịch sử dân tộc ta từ buổi bình minh cuộc sống còn mông muội đến một nước Văn Lang độc lập.

Phần trưng bày của bảo tàng Hùng Vương được tâp trung vào 3 chủ đề chính:

1.Giới thiệu giai đoạn văn hóa Hùng Vương bằng các hiện vật liên quan đến thời đại Hùng Vương được phát hiện trên đất Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

2.Giới thiệu việc hình thành khu di tích lịch sử Đền Hùng và ý thức xây dựng khu di tích của nhân dân trong cả nước.

3.Tình cảm của nhân dân và sự quan tâm của những người đứng đầu nhà nước phong kiến trước đây, của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng ngày nay với Đền Hùng.

Phương pháp trưng bày bảo tàng Hùng Vương đã cố gắng đảm bảo sự tuân thủ những nguyên tắc của phương pháp luận sử học Mác xít và nguyên tắc bảo tàng học. Nội dung trưng bày có 5 trọng tâm - 5 mốc lịch sử quan trọng trong quá trình hình thành con người Việt Nam, 5trọng tâm ấy được nhấn mạnh ở 5 vị trí quan trọng:

- Đất nước, con người một thời nguyên thủy. - Thời kỳ bắt đầu dựng nước.

- Sự nghiệp dựng nước Văn Lang của các Vua Hùng.

- Khu di tích lịch sử Đền Hùng và việc thờ cúng Vua Hùng trên thềm đất cổ Phong Châu.

và các đồng chí lãnh đạo Đảng ngày nay với Đền Hùng.

Dọc theo 5 trọng tâm ấy có 5 điểm phim tài liệu khoa học phụ trợ với nội dung lịch sử: Giỗ tổ Hùng Vương, Vua Hùng dạy dân cấy lúa, Lễ hội làng He, Trò Trám và sự tích rước lúa thần, hát xoan và sự tích làm bánh chưng bánh dầy.

2.2 Những hiện vật thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên trưng bày tại bảo tàng Hùng Vương

2.2.1 Khái quát về phần trưng bày những hiện vật văn hóa Phùng Nguyên

Tại bảo tàng Hùng Vương,tổng số hiện vật khảo cổ học thuộc thời đại Hùng Vương được lưu giữ ở đây là hơn 3000 hiện vật, hiện vật thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên là 1200 hiện vật. Chúng ta thấy một số lượng khá lớn các di sản của văn hóa Phùng Nguyên đang được lưu giữ, bảo quản trên quê hương Phú Thọ. Không chỉ bảo quản và nghiên cứu trên quê hương Phú Thọ, chúng ta còn phát huy tác dụng của công tác nghiên cứu lịch sử về giai đoạn văn hóa khởi nguyên này.

Bảo tàng Hùng Vương đã lựa chọn 139 hiện vật tiêu biểu của văn hóa Phùng Nguyên để phục vụ đông đảo đồng bào trong nước và ngoài nước tới tham quan.

Những hiện vật được trưng bày khá phong phú về chủng loại, đa dạng về kiểu dáng của các công cụ sản xuất và dụng cụ sinh hoạt với các chất liệu khác nhau.Đặc biệt có những hiện vật quý hiếm trong toàn quốc như nha chương đá Phùng Nguyên, tượng đầu gà ở Xóm Rền, các họa tiết tinh xảo trên đồ gốm, các đồ trang sức bằng đá tinh tế… đã gây ấn tượng với những ai đã một lần chứng kiến những di sản quý giá của buổi khởi nguyên nền văn minh của thời đại Hùng Vương.

2.2.2 Những hiện vật tiêu biểu của văn hóa Phùng Nguyên trưng bày tại bảo tàng Hùng Vương.

2.2.2.1 Đồ đá

Các hiện vật bằng đá của văn hóa Phùng Nguyên được trưng bày tại bảo tàng Hùng Vương có số lượng khá lớn và đặc biệt là rất phong phú về loại hình. Hiện vật bằng đá trưng bày ở đây gồm có : Công cụ sản xuất, vũ khí, trang sức.

Công cụ sản xuất:

Các loại công cụ sản xuất bằng đá tiêu biểu được trưng bày là: rìu đá, đục đá, bàn mài đá, phác vật rìu đá, hòn ghè, bàn dập.

- Những chiếc rìu đều được khai quật ở di chỉ Phùng Nguyên, xã Kinh Kệ, huyện Phong Châu, Phú Thọ. Đây là những hiện vật do ông Nguyễn Lộc – cán bộ Sở văn hóa thông tin Vĩnh Phú tiếp nhận của Viện Khảo Cổ khai quật. Niên đại của nhưũng hiện vật này là 3500±100 năm.

Chiếc rìu đá thứ nhất có màu xám, trên thân có những vết ghè đẽo hình thang, một mặt cắt chữ nhật. Đây là chiếc rìu được làm bằng đá mài. Kích thước của nó là: dài 5cm; rộng 2,5cm; dày 1,5cm.

Chiếc rìu thứ hai có màu xám. Rìu được mài nhẵn, lưỡi vát đều 2 mặt. Rìu có hình thang, mặt cắt hình chữ nhật. Loại đá dùng để làm chiếc rìu này cũng là đá mài. Rìu có kích thước là: dài 4,5cm; rộng 4cm. Tuy nhiên chiếc rìu này đã bị sứt lưỡi.

Chiếc rìu thứ ba có màu xám mốc. Rìu có một mặt được mài nhẵn, mặt bên còn nhiều vết ghè đẽo, lưỡi vát hai bên. Rìu được làm bằng đá mài. Kích thước của nó là: dài 5cm; rộng 4cm; dày 1,5cm. Chiếc rìu này đã bị sứt đốc.

Chiếc rìu thứ tư được là bằng đá mài, có màu xám. Rìu có hình thang, trên thân được mài nhẵn. Kích thước của chiếc rìu này là: dài 8 cm; rộng 4,5cm.

- Chiếc đục đá được trưng bày ở đây được khai quật năm 1969 tại di chỉ Xóm Rền, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Đục có màu xám, hình chữ nhật. Trên bề mặt được mài nhẵn. Dọc theo thân của chiếc đục có vết cưa. Đây là chiếc đục còn khá nguyên vẹn. Kích thước của nó là: dài 3cm; (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

rộng 1,3cm.

- Hai chiếc bàn mài đá được khai quật năm 1968 ở di chỉ Nghĩa Lập. Hiện vật đã được ông Nguyễn Lộc – cán bộ Sở văn hóa thông tin Vĩnh Phú tiếp nhận.

Chiếc bàn mài đá thứ nhất có màu xám. Bàn mài có ba mặt sử dụng . Kích thước của nó là: dài 6cm; rộng 4cm.

Chiếc bàn mài thứ hai có màu xám. Bàn mài có 4 mặt sử dụng. Đặc biệt chiếc bàn mài này có vết mài ở lòng máng. Kích thước của nó là: dài 6cm; rộng 5cm.

- Hòn ghè duy nhất được trưng bày ở đây được khai quật năm 1966 tại di chỉ An Đạo. Cuộc khai quật này do viện Dân Tộc Học và viện Sử Học tiến hành. Sau đó, hiện vật đã được bàn giao lại cho đồng chí Nguyễn Lộc – cán bộ Sở văn hóa thông tin Vĩnh Phú. Hòn ghè được làm bằng đá thô, có màu xám. Hiện vật có hình bầu dục. Hai mặt của hòn ghè có vết lăn ghè hạt. Kích thước của nó là: dài 9cm; rộng 6cm.

- Chiếc bàn dập cũng được khai quật năm 1966 tại di chỉ An Đạo. Bàn dập bằng đá màu xám. Một mặt của bàn dập có 6 rãnh, mặt còn lại có 4 rãnh. Kích thước của nó là: dài 4cm; rộng 3,5cm; dày 2,5cm.

Vũ khí.

Các loại vũ khí bằng đá được trưng bày ở đây gồm có: nha chương, qua đá, dao đá.

- Bộ nha chương được trưng bày ở đây được khai quật tại di chỉ Phùng Nguyên. Ông Nguyễn Lộc, cán bộ Sở văn hóa thông tin Vĩnh Phú đã công bố về những chiếc nha chương này vào năm 1985.

Chiếc thứ nhất còn khá nguyên vẹn. Chiếc này có đốc gần vuông. Giữa đốc gần với chắn tay có một lỗ khoan xuyên thủng. Thân của ciếc nha chương có hình chữ nhật. Phần lưỡi hơi cong. Kích thước của chiếc nha chương này là:dài 24cm; đốc dài 4,5cm; rộng 4cm; lưỡi rộng 4,2-4,7cm; dày 0,7cm.

Chiếc thứ hai được làm bằng đá trắng đục, có vân vàng. Tuy nhiên chiếc nha chương này đã bị vỡ đốc và lưỡi. Phần còn lại của nha chương có kích thước là: dài 13cm; đốc dài 5,1cm; rộng 5,6cm; dày 0,4cm; lưỡi rộng 6,7cm.

- Qua đá là hiện vật được phát hiện tại di chỉ Phùng Nguyên, xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Di chỉ do viện Khảo Cổ Học Việt Nam khai quật năm 1959. Chiếc qua này được làm bằng đá màu trắng, có vân. Phần đốc dài 4,5cm. Giữa đốc có lỗ xâu. Trên mặt có trang trí hoa văn khắc vạch đường chỉ và ô trám. Phần rìa cạnh có khắc đường chỉ chạy dọc. Phần lưỡi được mài vát lệch một bên. Chiếc qua đá này là: dài 24cm.

- Dao đá được khai quật tại di chỉ An Đạo năm 1966. Chiếc dao đá này có màu xám và chỉ được mài phần lưỡi. Kích thước của nó là: dài 6m; rộng 3cm.

Các nhà khảo cổ học cho rằng vũ khí không chỉ là phương tiện tự vệ mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống săn bắt, đánh cá… Nói về những chiếc nha chương, giáo sư Hà Văn Tấn cho rằng: đây là thứ dùng để “điều động quân đội chỉ huy đồn thú” hay có thể là “vật nghi lễ”, “lễ khí”.

Đồ trang sức.

Các loại đồ trang sức ở đây gồm có các hiện vật tiêu biểu là: hạt chuỗi đá, phác vật vòng đá, lõi vòng đá.

- Hạt chuỗi đá được khai quật năm 1959 tại di chỉ Phùng Nguyên và năm 1969 tại di chỉ Xóm Rền. Đây là những hạt chuỗi có dạng hình trụ tròn, chủ yếu bé và ngắn. Các hạt đều được mài phẳng và vát hai. Mỗi hạt có kích thước là: đường kính 0,5cm; dài 0,5 cm. Quan sát các hiện vật này có thể thấy rằng để chế tạo ra được các hạt chuỗi đá người thợ đã phải dùng rất nhiều công đoạn từ cưa, khoan, mài.Tất cả các công đoạn đều được làm một cách rất tinh vi và tỷ mỉ.

- Phác vật vòng đá được khai quật năm 1984 tại Gò Quán, xã Hồng Đà, huyện Tam Nông, Phú Thọ. Hiện vật này đã được đồng chí Nguyễn Lộc tiếp nhận. Phác vật vòng được làm bằng đá màu xám, hình tròn. Một mặt của phác vật là mặt phẳng, mặt còn lại có hình nón cụt. Trên thân của nó còn nhiều vết

ghè đẽo. Các phác vật vòng đá ở đây còn nguyên vẹn.

- Lõi vòng đá được trưng bày với số lượng khá nhiều ở đây. Đây là các hiện vật đều được khai quật tại di chỉ Hồng Đà. Tất cả các lõi vòng đá đều có màu xám, xung quanh được khoan nhẵn. Hai mặt bên của lõi vòng có vết ghè. Các lõi vòng hầu hết đều có đường kính 5-6cm, dày khoảng 0,2-0,3cm.

Có thể thấy trong các di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên có hơn 90% di vật là đồ đá. Loại hình di vật phong phú. Tỷ lệ chủ đạo của đồ đá trong văn hóa này cho phép chúng ta hình dung ra vai trò quan trọng của ngành sản xuất đồ đá trong cư dân Phùng Nguyên. Hơn thế, trong văn hóa này còn có sự hiện diện của hệ thống di chỉ xưởng chế tạo đồ đá, những xưởng này vừa phong phú về loại hình, vừa lâu dài về thời gian lại chuyên hóa trong sản xuất. Đó là hai nhân tố khách quan chứng minh cho vai trò của đồ đá trong văn hóa Phùng Nguyên. Văn hóa Phùng Nguyên tồn tại trong giai đoạn chuyển giao giữa hai hệ thống kỹ thuật sản xuất : một bên là kỹ thuật chế tác đá đã đạt đến giai đoạn phát triển tới điểm cuối cùng ở đỉnh cao kỹ thuật và mỹ thuật của nó và một bên là kỹ thuật luyện đồng mới được biết đến, còn ở trạng thái manh nha. Trong bối cảnh chuyển tiếp của hai hệ thống kỹ thuật sản xuất nói trên, đồ đá đã tìm cho mình được vị trí quạn trọng không chỉ trong việc sản xuất ra công cụ lao động mà còn cả trong lĩnh vực đời sống tinh thần.

2.2.2.2 Đồ gốm

Các hiện vật là đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên được trưng bày ở đây cũng khá phong phú về loại hình. Một số hiện vật tiêu biểu là những công cụ sản xuất và những chứng tích phát triển văn hóa nghệ thuật.

Hiện vật là công cụ sản xuất bằng gốm tiêu biểu nhất trưng bày ở đây là các dọi xe chỉ. Số lượng hiện vật này được tìm thấy khá nhiều trong các di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên. Tại bảo tàng Hùng Vương hiện trưng bày 5 dọi xe chỉ. Đây là những hiện vật được khai quật năm 1972 tại di chỉ Gò Dạ thuộc xã Thanh Đình, huyện Lâm Thao. Dọi xe chỉ được làm từ gốm thô, có màu

nâu xám hoặc xám đen. Dọi có các kích thước khác nhau và có lỗ xuyên thủng ở giữa. Kích thước của những chiếc dọi xe chỉ này là: đường kính 3cm; đường kính lỗ 0,3cm; dày 1cm. Những chiếc dọi xe chỉ này cho thấy trong giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, cư dân đã biết đến nghề dệt. Không những vậy, số lượng dọi xe chỉ ở các di chỉ Phùng Nguyên còn cho biết nghề dệt đã khá phát triển trong giai đoạn này.

Trong phần văn hóa Phùng Nguyên, bảo tàng đã trưng bày số lượng khá nhiều những mảnh gốm được khai quật tại các di chỉ Phùng Nguyên. Đặc điểm chung của tất cả những mảnh gốm này là trên đó được trang trí các hoa văn khác nhau.

Mảnh gốm được khai quật tại di chỉ An Đạo năm 1966. Dựa vào phần còn lại của mảnh gốm này cho thấy nó từng là chân đế của một loại vật dụng. Mảnh gốm có dáng hơi cong. Trên bề mặt còn in văn chải – kiểu hoa văn khá đặc trưng trên đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên.

Có 5 mảnh gốm được khai quật ở di chỉ Nghĩa Lập, Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc. Sau đó đã được Khu di tích lịch sử Đền Hùng tiếp nhận. Các mảnh gốm này trên bề mặt đều có hoa văn hình chữ S. Đây cũng là kiểu hoa văn thường gặp trên đồ gốm trong văn hóa Phùng Nguyên. Các mảnh gốm đều được làm bằng đất nung. Kích thước của phần còn lại đo được là : dài từ 6-9cm ; rộng từ 4-5 cm.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu những hiện vật thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên trưng bày tại bảo tàng Hùng Vương (Trang 64)