HIỆN TRẠNG MẠNG LƯỚI CNTT TẠI KHỐI CƠ QUAN HCSN TỈNH NINH BÌNH
4.1.3. Ứng dụng công nghệ thông tin
Phía các cơ quan Đảng, việc ứng dụng CNTT đã đi vào nề nếp và khai thác khá hiệu quả. Đã có một số các đơn vị thuộc Văn phòng, các Ban Đảng của tỉnh và các huyện, thị, thành uỷ đã được trang bị máy tính, kết nối mạng LAN, mạng WAN, và kết nối Internet. Đặc biệt các CSDL và các phần mềm ứng dụng dùng chung được triển khai tích cực. Việc khai thác ứng dụng hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp dùng chung trong cơ quan Đảng đã trở thành nề nếp, thường xuyên giúp việc xử lý thông tin nhanh, chính xác. Việc đăng ký, quản lý, xử lý công văn đi đến; việc gửi nhận văn bản trên mạng; việc cập nhật cơ sở dữ liệu văn kiện Đảng bộ; quản lý cán bộ, đảng viên, thẻ đảng viên của Văn phòng, các Ban Đảng của tỉnh và các huyện, thị, thành uỷ đã thực hiện đúng quy trình, theo hướng dẫn của Trung ương.
* Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan hành chính nhà nước:
Hầu hết các sở, ban, ngành, các huyện, thị và thành phố đều đã ứng dụng CNTT vào trong các hoạt động tác nghiệp, đã có một số đơn vị triển khai 3 phần mềm dùng chung cơ bản và một số phần mềm ứng dụng trong quản lý, điều hành. Bước đầu đã hình thành các cơ sở dữ liệu ở một số ngành nhằm tiến đến hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh. Xây dựng và đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử của tỉnh, cung cấp các thông tin tra cứu, các dịch vụ trao đổi thư tín, các tin tức tổng hợp về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh phục vụ hoạt động điều hành của các cơ quan và nhu cầu khai thác thông tin của người dân và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số CSDL còn đang trong thời gian chạy thử nghiệm và do hạn chế về khả năng sử dụng của các cán bộ tham gia hệ thống nên chưa phát huy được nhiều tác dụng như mong muốn.
Một số sở, ban, ngành, văn phòng UBND thành phố và huyện, thị đã kết nối mạng LAN, mạng WAN, kết nối Internet và CPNet, và có Website riêng.
* Ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công cộng:
Hiện nay, với hạ tầng truyền thông không ngừng được phát triển, các dịch vụ ngân hàng, tài chính, dịch vụ bưu chính, viễn thông không ngừng được nâng cao để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khai thác, cập nhật ngày càng tăng của xã hội. Ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành tại các đơn vị cũng đạt được kết quả khả quan. Hiện tại CSDL được xây dựng và việc khai thác đạt hiệu quả qua các chương trình phần mềm: Kế toán, quản lý nhân sự, quản lý thuê bao, tính cước, quản lý công văn, quản lý nợ, …
* Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, đào tạo:
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có:
Đại học 1
Cao đẳng 2
Trung học chuyên nghiệp 1
Trung học phổ thông 25
Trung học cơ sở 143
Tiểu học 153
Tổng cộng: 333
Theo số liệu khảo sát, trong số các cơ sở giáo dục và đào tạo có 3.020 máy tính PC, 650 máy tính xách tay được trang bị từ nguồn vốn của ngành; 2.615 máy PC, 60 máy xách tay do giáo viên tự trang bị. Đạt 100% các trường THPT trên toàn tỉnh, 100% các trường THCS và trường tiểu học ở thành phố Ninh Bình và thị xã Tam Điệp đã được trang bị máy tính. Nhiều cơ sở đã kết nối Internet, sử dụng CNTT trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập.
Ngoài ra, các ứng dụng văn phòng như Microsoft Office, một số đơn vị trong ngành đã có ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn như: Quản lý thông tin nhà trường EMIS, quản lý cán bộ công chức PMIS, quản lý đánh giá công chức PMP, quản lý kế toán HCSN, quản lý thời khoá biểu, quản lý thi, chấm thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT tại các trường phổ thông trong tỉnh còn hạn chế.
* Ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế:
Hiện trạng việc ứng dụng CNTT trong quản lý tại các bệnh viện, các trung tâm, trạm y tế rất hạn chế nhất là tuyến huyện, xã. Đa số ứng dụng CNTT tại các bệnh viện là khai thác công việc văn phòng, thống kê, báo cáo, một số bệnh viện ứng dụng CNTT quản lý bệnh viện nhưng chỉ mới thực hiện được từng phần riêng lẻ như: Quản lý nhân sự, viện phí, quản lý kho dược, bệnh nhân ra vào viện. Các phần mềm quản lý khai thác cơ sở dữ liệu chỉ thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, còn bệnh viện Y học Cổ truyền và các Trung tâm, cơ sở y tế khác thì do hạ tầng mạng chưa được phát triển nên CNTT chưa được khai thác hiệu quả. Hạ tầng kết nối mạng Internet được đầu tư nhưng chủ yếu để thực hiện công tác báo cáo theo định kỳ về Sở Y tế.
* Ứng dụng CNTT trong quản lý doanh nghiệp và các ngành kinh tế khác:
Tình hình ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp ở Ninh Bình đang ở những mức độ khác nhau. Gần 100% các doanh nghiệp của tỉnh đã được trang bị máy tính, bước đầu phục vụ công tác văn thư và kế toán, có một số doanh nghiệp đã sử dụng máy tính để phục vụ công tác quản lý và điều hành sản xuất như Công ty Xi măng Hệ Dưỡng, Công ty Bê tông thép Ninh Bình, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung, …
Một số đơn vị đã thiết lập mạng nội bộ và xây dựng những kho dữ liệu điện tử để quản lý hoạt động sản xuất. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đã có bộ phận chuyên trách cho lĩnh vực CNTT đảm nhiệm chức năng quản lý, kinh doanh, hỗ trợ vận hành, và
đảm bảo tính ổn định của hệ thống phục vụ công tác của đơn vị mình. Một số các doanh nghiệp đã có Website riêng như Công ty Viễn thông Ninh Bình, Công ty máy tính Hoàng Minh, Công ty Tân Lập Phong, Xí nghiệp Chiếu cói Đổi Mới, Khách sạn Thuỳ Anh, Khách sạn Hương Trà, Khu du lịch Tam Cốc Bích Động, … Mặc dù đã có một số doanh nghiệp tham gia tích cực hoạt động TMĐT, nhưng mức độ ứng dụng Internet để giao dịch của các doanh nghiệp nói chung còn thấp. Nguyên nhân cũng chủ yếu do cơ sở hạ tầng, nhận thức của chủ doanh nghiệp và môi trường phát triển CNTT, Internet chưa cao. Vì vậy, CNTT chưa trở thành động lực để phát triển doanh nghiệp.
* Ứng dụng công nghệ thông tin trong cộng đồng xã hội:
Ninh Bình là một tỉnh nghèo, dân số nông thôn chiếm tỷ lệ cao, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn. Do đó số các hộ gia đình sử dụng công nghệ thông tin trong đời sống hiện nay còn rất ít. Khả năng đầu tư trang bị máy tính phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, học tập của các hộ gia đình rất khó khăn.