Nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU MẠNG RIÊNG ẢO VÀ ỨNG DỤNG CHO KHỐI CƠ QUAN HCSN TỈNH NINH BÌNH (Trang 33 - 34)

HIỆN TRẠNG MẠNG LƯỚI CNTT TẠI KHỐI CƠ QUAN HCSN TỈNH NINH BÌNH

4.1.2.Nguồn nhân lực công nghệ thông tin

Cùng với sự phát triển hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông, nguồn nhân lực CNTT của tỉnh cũng có sự chuyển biến tích cực. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT cũng được quan tâm.

Nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, tổ chức kinh doanh đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên so với nhu cầu của tỉnh và nhất là trong việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính nhà nước thì nguồn nhân lực CNTT của tỉnh vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đến nay mới có khoảng 172 người có trình độ cao đẳng và đại học về CNTT, chiếm tỉ lệ 0,86%; 4.047 người có trình độ từ A đến trung cấp, chiếm tỉ lệ khoảng 20,29%.

Hiện nay và trong thời gian tới nhu cầu ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính nhà nước, trong quản lý doanh nghiệp, nhất là trong các cơ quan hành chính Nhà nước,

các cơ quan Đảng đòi hỏi phải nhanh, chính xác, tính sẵn sàng cao, an toàn thông tin với số lượng nhân lực CNTT cần phải được tăng lên rất nhiều, trong đó chú trọng chất lượng kèm theo cả việc chú tâm xây dựng đội ngũ kế thừa.

Các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực CNTT thuộc ngành giáo dục trong tỉnh được đầu tư xây dựng và mở rộng. Trong đó, từ năm 2002 Trường Đại học Hoa Lư của tỉnh đã thành lập khoa Tin học đào tạo giáo viên tin học. Năm 2007, tại các cơ sở đào tạo phi chính quy có 900 học viên tốt nghiệp (chủ yếu là tin học căn bản và tin học văn phòng). Ngoài ra các cơ sở đào tạo khác như các Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề cũng tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT.

Công tác bồi dưỡng, đào tạo cho các cán bộ theo đề án thành phần trong hai Đề án 47 (tiếp theo là dự án 06) và Đề án 112 đã được triển khai:

- Tính đến 8/2008, đề án 47 và dự án 06 đã mở được 30 lớp tập huấn CNTT; đào tạo được 756 lượt người (khoảng trên 300 người). Về cán bộ chuyên trách làm CNTT: Tại Văn phòng Tỉnh uỷ đã có Phòng Công nghệ thông tin - Cơ yếu gồm 6 đ/c trong đó có 3 đ/c chuyên trách CNTT; 8/8 các huyện, thành, thị uỷ đã có cán bộ chuyên trách CNTT có trình độ từ cao đẳng trở lên. Đến 8/2008, trên tổng số 540 cán bộ trong các cơ quan Đảng có 11 người đạt trình độ đại học/cao đẳng CNTT chiếm 2%; có 256 người đạt chứng chỉ A,B/ trình độ kỹ thuật viên/ trung cấp, chiếm 47,4%.

- Đề án 112 đã cử 105 lượt cán bộ quản trị mạng, quản trị hệ thống thông tin của các Sở, Ngành đi dự các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn. Có trên 80% số cán bộ công chức trong các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước từ cấp huyện trở lên biết sử dụng máy tính, mạng máy tính, khai thác thông tin trên Internet. 18/37 đơn vị có biên chế cán bộ tin học chuyên trách.

Trong ngành giáo dục: Tính đến 8/2008, đội ngũ giáo viên tin học tại Ninh Bình có 112 người có trình độ đại học/cao đẳng (chiếm 0,79%), 1.753 người có trình độ A, B, trung cấp CNTT (chiếm 12,42%). Với thực trạng này, việc dạy và học tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh còn chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành đề ra. Việc đầu tư trang thiết bị dạy môn tin học, bồi dưỡng giáo viên tin học trở lên cấp bách.

Trong ngành y tế: Hầu hết các bệnh viện đều có người biết và sử dụng được máy tính ở các cấp độ khác nhau, hiện trong ngành có khoảng 1.390 nhân viên làm công tác quản lý và điều trị. Trong đó, số trình độ từ cao đẳng đến đại học là 9 người (chiếm 0,65%), số có trình độ A, B đến trung cấp CNTT là 420 người (chiếm 30,21%).

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU MẠNG RIÊNG ẢO VÀ ỨNG DỤNG CHO KHỐI CƠ QUAN HCSN TỈNH NINH BÌNH (Trang 33 - 34)