Những ưu điểm của công tác tổ chức quản lý kinh doanh và tổ chức công tác kế toán tốt như trên chính là tiền đề để công tác kế toán tập hợp chi phí và tính giá thành sản phẩm tại Công ty được thực hiện tốt. Sau một thời gian thực tập tại Công ty Cổ phần CNTT An Đồng, dựa vào những hiểu biết, nhận thức của bản thân và những tìm hiểu về Công ty em nhận thấy công tác kế toán tập hợp chi phí và tính giá thành sản phẩm ở Công ty đã có nhiều điểm tích cực nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý sản xuất kinh doanh trong điều kiện hiện nay.
Để đáp ứng yêu cầu quản lý, công tác hạch toán kế toán nói chung và công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm nói riêng ở Công ty đã được quan tâm chú trọng ở mức độ cao. Công tác kế toán tập hợp chi phí và tính giá thành là công tác kế toán quan trọng trong Công ty nên được giao cho kế toán viên có trình độ cao và có kinh nghiệm nhất trong phòng kế toán. Các cán bộ kế toán cùng phòng kỹ thuật và các phòng ban khác trong Công ty luôn kết hợp chặt chẽ, cố gắng tìm giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian thi công. Từ đó, Công ty đã đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và có được uy tín trên thị trường đóng và sửa chữa tàu thuỷ. Công ty ngày càng ký kết được nhiều hợp đồng kinh tế với các bạn hàng gần xa. Điều đó chứng tỏ sự nhạy bén trong quản lý và sự cố gắng
của toàn thể cán bộ công nhân viên trong Công ty đã trở thành đòn bẩy tích cực đi lên của Công ty.
Về đối tượng và phương pháp hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm: Trong công tác tập hợp chi phí sản xuất, việc xác định đối tượng tập hợp chi phí sản xuất là từng đơn đặt hàng của Công ty là hợp lý và khoa học. Việc này giúp cho quá trình tập hợp chi phí sản xuất, theo dõi tình hình chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung được cụ thể, chi tiết cho từng đối tượng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý. Việc tập hợp chi phí sản xuất theo đối tượng hạch toán đã xác định được thực hiện bằng cả hai phương pháp là tập hợp trực tiếp và tập hợp gián tiếp đã tạo điều kiện cho Công ty thực hiện tập hợp chi phí sản xuất nhanh chóng, linh hoạt. Phương pháp tập hợp trực tiếp áp dụng chủ yếu với chi phí nguyên vật liệu trực tiếp và chi phí nhân công trực tiếp. Với hai loại chi phí này thì chi phí phát sinh cho đơn hàng nào hay con tàu nào thì tập hợp riêng cho đơn hàng đó, con tàu đó. Phương pháp tập hợp gián tiếp áp dụng đối với chi phí sản xuất chung. Chi phí sản xuất chung tập hợp chung rồi phân bổ cho các đơn hàng theo tiêu thức phân bổ là tiền lương công nhân sản xuất thực tế của từng đơn hàng trong tháng.
Ngoài ra, việc tập hợp chi phí sản xuất phải theo các đơn đặt hàng làm đơn giản hoá các bảng biểu, xác định đối tượng tính giá thành là từng đơn hàng hoàn thành giúp cho việc tính giá thành đơn giản. Mặt khác, kế toán đã căn cứ vào đặc điểm đặc điểm tổ chức sản xuất kinh doanh và quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm của Công ty mà xác định phương pháp tính giá thành cho nên đã chọn phương pháp tính giá thành theo đơn đặt hàng. Đây là một sự vận dụng hợp lý lý thuyết và chế độ vào thực tiễn của đội ngũ kế toán trong doanh nghiệp mình.
Về kỳ tính giá thành: Kỳ tính giá thành sản phẩm của Công ty là cuối tháng cho từng đơn hàng hoàn thành là chưa hợp lý. Công ty tổ chức sản xuất theo từng Hợp đồng kinh tế với khách hàng tức là từng đơn hàng cho nên sản phẩm có thời hạn hoàn thành quy định trước. Hơn nữa, mỗi đơn hàng thường là một con tàu đã được hạch toán và tập hợp chi phí riêng nên chúng ta có thể tính giá thành sản phẩm bất cứ khi nào đơn hàng hoàn thành chứ không nhất thiết phải đợi đến cuối tháng. Như vậy, việc tính giá thành sẽ được cập nhật hơn phù hợp với yêu cầu quản lý chi phí giá thành trong sản xuất.
Về khoản mục chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp trong Công ty được tập hợp đầy đủ, chi tiết cho các loại nguyên vật liệu chính, nguyên vật liệu phụ, phụ tùng ....Các chứng từ mua nguyên vật liệu, nhận nguyên vật liệu từ chủ đầu tư, nhập kho, xuất kho nguyên vật liệu đều được luân chuyển đúng quy định và được tập hợp ở phòng kế toán phục vụ cho công tác hạch toán của kế toán vật tư. Công ty chỉ sử dụng một kho duy nhất để bảo quản nguyên vật liệu nên chi phí bảo quản được tiết kiệm và viêc quản lý vật tư trong kho dễ dàng hơn. Kho bãi trong Công ty được thủ kho quản lý chặt chẽ, ngăn nắp tiện lợi cho việc bốc xếp hay nhập xuất vật tư ra vào kho. Điều này cũng giúp kế toán vật tư thuận tiện hơn trong việc kiểm kê và đối chiếu số liệu với thủ kho về vật tư theo định kỳ hàng tháng.
Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu về Công ty em thấy khi các bộ phận sản xuất bàn giao phế liệu thu hồi (các đầu ống, tôn, sắt, thép quá nhỏ không tận dụng được cho sản xuất) vào kho thì bộ phận kế toán cũng như bộ phận kho không có chứng từ gì, chỉ đến khi số phế liệu được bán thì bộ phận kho thông báo lên phòng kế toán. Kế toán vật tư lúc này mới ghi nhận số tiền do bán phế liệu làm tăng thu nhập khác.
Nợ TK 111 Có TK 711
Việc thiếu chứng từ này là biểu hiện của quản lý không chặt chẽ. Điều này có thể dẫn tới việc thủ kho gian lận trong việc bán phế liệu thu hồi làm thu nhập riêng cho mình. Ngoài ra, phế liệu thu hồi không được ghi nhận sẽ làm tăng chi phí nguyên vật liệu cho các tàu, dẫn đến làm tăng giá thành sản phẩm. Đó là điều mà không một nhà quản lý nào mong muốn trong điều kiện thị trường cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay.
Về khoản mục chi phí nhân công trực tiếp: Chi phí nhân công trực tiếp của Công ty được hạch toán rõ ràng cho từng tàu theo chi phí dự toán của từng công trình. Các khoản tiền BHXH, BHYT, KPCĐ mà Công ty trích lập đều theo đúng chế độ quy định và bảo vệ quyền lợi cho cán bộ công nhân viên trong Công ty. Các chứng từ tiền lương được cán bộ trực tiếp quản lý trong từng phân xưởng theo dõi thực tế đồng thời kết hợp theo dõi với tiến độ thi công trong hợp đồng. Như vậy việc theo dõi chi phí nhân công là rất hợp lý, khoa học.
Về khoản mục chi phí sản xuất chung: Khoản mục chi phí sản xuất chung trong Công ty bao gồm nhiều yếu tố chi phí nhỏ. Việc theo dõi chi tiết các khoản chi phí điện, nước, điện thoại ... là rất quan trọng trong quản lý chi phí. Theo dõi chi tiết những khoản này Công ty sẽ kiểm soát được các hoạt động sử dụng chi phí sản xuất chung, tránh việc sử dụng không đúng mục đích tài sản của Công ty hay sử dụng lãng phí điện, nước... Ngoài ra, một khoản mục quan trọng hơn trong khoản mục chi phí sản xuất chung đó là chi phí khấu hao TSCĐ. Đây là khoản chi phí chủ yếu trong chi phí sản xuất chung và việc theo dõi chi tiết để theo dõi tình hình sử dụng TSCĐ trong Công ty là cần thiết và không thể thiếu được. Tuy nhiên, Công ty lại chỉ theo dõi tổng hợp các yếu tố chi phí trong chi phí sản xuất chung mà chưa có tài khoản chi tiết để theo dõi từng yếu tố. Điều này có thể làm cho công tác quản lý các chi phí sản xuất chung kém hiệu quả, công nhân trong xưởng sản xuất
có thể không thực hiện tiết kiệm với những chi phí mang tính chất phân bổ này. Mỗi phân xưởng tiêu tồn thêm một chút chi phí có thể làm chi phí sản xuất chung trong toàn Công ty tăng lên rất nhiều. Như vậy, việc theo dõi các yếu tố chi phí sản xuất chung chi tiết hơn là rất cần thiết và Công ty nên thực hiện. Ngoài ra, hệ thống sổ theo dõi chi phí sản xuất chung còn chưa đồng bộ vì Công ty sử dụng hình thức Chứng từ - Ghi sổ nhưng ở đây lại áp dụng cả Nhật ký chứng từ số 1 để theo dõi nghiệp vụ phát sinh liên quan đến chi phí sản xuất chung bằng tiền mặt.
Về hệ thống sổ sách kế toán liên quan đến tính giá thành sản phẩm:
Hệ thống sổ sách kế toán liên quan đến tính giá thành sản phẩm của Công ty thiết kế còn đơn giản, kế toán chưa mở từng bảng tính giá thành riêng cho từng đơn hàng. Vì vậy nên đơn đặt hàng sẽ được theo dõi rất phức tạp do mỗi đơn hàng sản xuất liên quan đến nhiều tháng. Bảng tính giá thành cho các đơn hàng như Công ty thiết kế hiện nay sẽ gây khó khăn cho theo dõi chi phí sản xuẩt kinh doanh dở dang đầu tháng.
2.2. Hoàn thiện Kế toán CPSX và tính giá thành sản phẩm tại Công ty Cổ phần CNTT An Đồng