6. Bố cục của luận văn
2.2. TỔ CHỨC DẠY HỌC THAO TÁC LẬP LUẬN SO SÁNH
2.2.1. Mục tiêu bài học thao tác lập luận so sánh
- Về tri thức:
+ Học sinh nắm được bản chất, mục đích của thao tác lập luận so sánh trong văn nghị luận nhằm làm sáng tỏ, vững chắc hơn lập luận của mình. + Học sinh nắm được yêu cầu của thao tác lập luận so sánh:
• Đối tượng đưa ra so sánh phải có mối liên quan với nhau về một mặt, một phương diện nào đó.
• Khi so sánh cần phải đặt các đối tượng vào chung một bình diện, đánh giá trên cùng một tiêu chí thì mới thấy được sự giống nhau và khác nhau giữa chúng.
• Kết luận rút ra từ sự so sánh phải chân thực, giúp cho việc nhận thức sự vật, hiện tượng được chính xác, sâu sắc hơn.
- Về kĩ năng: Học sinh biết vận dụng thao tác lập luận so sánh khi viết một đoạn văn, bài văn nghị luận.
2.2.2. Quy trình tổ chức dạy học lí thuyết thao tác lập luận so sánh
Thao tác lập luận so sánh là một nội dung hoàn toàn mới. Nội dung này cũng chưa được trình bày cụ thể trong các tài liệu, trong các giáo trình về Làm văn. Trong sách giáo khoa, nội dung này được trình bày theo định hướng gợi mở. Vì vậy, việc tổ chức dạy bài lí thuyết cho nội dung này đòi hỏi người dạy phải tổ chức theo một quy trình khoa học hợp lí để học sinh có thể nắm được tri thức một cách cụ thể. Để làm được điều đó, theo chúng tôi, việc dạy thao tác này phải đảm bảo những yêu cầu sau:
- Giáo viên phải trình bày một cách cụ thể thao tác lập luận so sánh. - Bên cạnh việc hình thành khái niệm cho học sinh, giáo viên phải chỉ rõ vai trò, mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận so sánh trong quá trình tạo lập văn bản. Cụ thể là giáo viên phải chỉ ra được đặc điểm cơ bản của thao tác lập luận so sánh trong ngữ liệu. Nêu rõ mối quan hệ giữa thao tác lập luận so sánh với các thao tác lập luận khác trong quá trình triển khai nội dung nghị luận.
- Khi dạy về thao tác lập luận so sánh, người dạy phải chỉ rõ cách thức thực hiện thao tác này để học sinh có cơ sở vận dụng vào thực hành.
- Thao tác này là thao tác của tư duy lôgic, vì vậy việc thực hiện nó phải tuân theo những yêu cầu hoặc theo trình tự của quá trình tư duy. Điều này đòi hỏi người dạy phải trình bày nội dung hợp lí, lôgic, đảm bảo tính khoa học.
- Để thực hiện dạy thao tác lập luận so sánh hay bất kì một thao tác nào khác, thì yêu cầu trước nhất phải bám sát vào ngữ liệu cụ thể được đưa ra trong SGK. Từ việc xem xét, nghiên cứu các ngữ liệu ta tìm ra được đặc điểm cơ bản của thao tác lập luận so sánh. Từ đó hình thành khái niệm về thao tác lập luận so sánh cho học sinh. Đồng thời cũng thông qua việc tìm hiểu ngữ liệu, ta có thể chỉ ra được tác dụng của thao tác lập luận so sánh, cách thức
tiến hành, cách thức trình bày thao tác này trong quá trình triển khai nội dung nghị luận.
Khi tổ chức dạy học thao tác lập luận so sánh, giáo viên nên tổ chức dạy học theo trình tự sau:
- Cung cấp ngữ liệu có trong sách giáo khoa, nói khác đi là yêu cầu học sinh đọc và chuẩn bị ngữ liệu đã được sách giáo khoa cung cấp.
- Hướng dẫn học sinh phân tích ngữ liệu thứ nhất trong mục I và bám sát vào những câu hỏi gợi ý. Từ việc phân tích ngữ liệu, các em sẽ rút ra được khái niệm về thao tác lập luận so sánh, rút ra được kết luận thứ nhất trong phần “ghi nhớ”. Học sinh sẽ nắm được mục đích, đặc điểm nội dung, hình thức, cấu trúc và các mối quan hệ bên trong, bên ngoài của đối tượng. Đây chính là cơ sở để chúng ta chỉ ra được những đặc điểm cơ bản của thao tác lập luận so sánh.
- Sau khi đã hình thành được khái niệm, ta tiếp tục cho học sinh so sánh, tìm hiểu sâu hơn ngữ liệu để thấy được tác dụng của thao tác lập luận so sánh trong văn nghị luận.
- Tiếp đó, giáo viên yêu cầu học sinh đọc lại ngữ liệu ở mục I và đọc ngữ liệu thứ nhất ở mục II để tìm ra cách thực hiện thao tác lập luận so sánh. Giáo viên phải hướng dẫn học sinh phân tích xem người viết đã sử dụng lí lẽ và dẫn chứng như thế nào để làm sáng tỏ luận điểm. Từ đó rút ra được kết luận thứ hai trong mục ghi nhớ. Thông qua đó, học sinh nắm được cách thực hiện thao tác lập luận so sánh. Đồng thời hiểu được mối quan hệ chặt chẽ giữa thao tác so sánh với một số thao tác khác như phân tích, bác bỏ, bình luận.
- Cuối cùng, cho học sinh luyện tập thông qua những bài tập trong SGK để củng cố thêm cho các em về cách thực hiện thao tác lập luận so sánh trong văn nghị luận và bước đầu áp dụng thao tác này vào việc thực hành viết một đoạn văn, bài văn nghị luận.
Như vậy, để tổ chức dạy học thao tác lập luận so sánh, chúng ta có thể thực hiện theo quy trình trên. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức dạy học, người giáo viên có thể linh hoạt miễn làm sao có thể đảm bảo được yêu cầu của việc dạy nội dung này. Trên đây, chúng tôi chỉ đưa ra một phương án chung để dạy học thao tác này, còn tuỳ thuộc vào từng đối tượng khác nhau để chúng ta có quy trình dạy khác nhau, không nên dạy học một cách gò bó, khiên cưỡng, sẽ không tạo được hứng thú cho học sinh, không phát huy được tính tích cực học tập của các em.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thời gian dạy học có hạn, chỉ có 45 phút cho một tiết dạy, giáo viên vừa phải cung cấp ngữ liệu, vừa phải hình thành kĩ năng so sánh, lại vừa phải tổ chức cho học sinh luyện tập. Với ngần ấy công việc, khó có thể đảm bảo lượng thời gian quy định. Chúng tôi thiết nghĩ, giáo viên nên tận dụng tối đa các ngữ liệu có trong SGK, bằng SGK hoặc bằng bảng phụ, hoặc bằng máy chiếu để tiết kiệm thời gian và để học sinh tiện theo dõi. Khi dạy đến cách so sánh, hướng dẫn học sinh hình thành cách so sánh một cách khái quát nhất theo các bước, cuối cùng giáo viên dùng bảng phụ hoặc máy chiếu đưa ra sơ đồ, học sinh có thể nhìn vào đó làm bài tập mà không ảnh hưởng đến thời gian của giờ học.
Khi thực hiện theo quy trình trên học, để dạy học tích hợp giáo viên cần chú ý tích hợp ở những thời điểm thích hợp. Vì ngữ liệu trong SGK đã rất tiêu biểu về thao tác lập luận so sánh nên thời gian để giáo viên tích hợp kiến thức khác là hạn chế. Theo chúng tôi, cần chọn thời điểm tích hợp như sau:
Phần cung cấp ngữ liệu để “hình thành khái niệm thao tác lập luận so sánh”, từ đó học sinh phân biệt được ngữ liệu nào thuộc so sánh lôgic, so sánh tu từ hay thao tác lập luận so sánh. Kiến thức cần tích hợp trong phần này là:
- Kiến thức mở rộng( kiến thức cuộc sống): so sánh trong cuộc sống hàng ngày thấy sự hơn kém, giống nhau.
- Kiến thức phần Văn học: văn học dân gian (ca dao có những câu so sánh rất hình tượng “ thân em như…”), văn học viết (thơ mới - một số câu thơ của Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử…).
- Tích hợp với bài thao tác lập luận phân tích trong khi vận dụng phân tích ngữ liệu.
Phần luyện tập vận dụng, ngoài bài tập trong SGK, giáo viên có thể tham khảo kiến thức tích hợp trong SBT (sách bài tập) hay cho học sinh viết một đoạn văn ngắn sử dụng thao tác lập luận so sánh làm sáng tỏ luận điểm cho sẵn. Như vậy, học sinh sẽ vận dụng tốt lí thuyết vào thực hành.
Để phát huy tính tích cực của học sinh trong dạy học lí thuyết thao tác lập luận so sánh cần sử dụng các phương pháp dạy học:
- Dạy học gợi mở, nêu vấn đề: trong suốt quá trình dạy học, giáo viên có thể dùng những câu hỏi chứa đựng nội dung tích hợp, phát huy tính tích cực của học sinh. Ví dụ: Trong chương trình THCS các em đã được học về so sánh, trong cuộc sống, văn học nghệ thuật chúng ta cũng thường hay dùng cách so sánh ví von để nhận biết, so sánh sự vật, hiện tượng. Em hãy lấy ví dụ về những cách nói so sánh mà em biết? Hoặc phần bài tập giáo viên giao về nhà cần chứa nội dung tích hợp kiến thức của phần đọc văn với phần Làm văn (tốt nhất là nên tìm kiến thức trong phần đọc văn trong chương trình THCS hoặc THPT để các em dễ liên hệ).
- Phương pháp quy nạp: căn cứ vào việc nhận xét các ngữ liệu để có những nguyên tắc chung. Giáo viên yêu cầu học sinh đọc kĩ và trả lời, sau đó hướng dẫn thành những kiến thức chung.
- Dạy học hợp tác nhóm nhỏ: trong phần thảo luận về mục II: mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận so sánh, mục III: luyện tập vận dụng. Giáo viên chia thành mỗi tổ thành một nhóm. Học sinh thảo luận tìm luận điểm đưa ra để bàn bạc, tìm mục đích so sánh và yêu cầu của thao tác lập luận so
sánh.Từ đó học sinh rút ra các bước thực hiện thao tác lập luận so sánh và ứng dụng vào làm bài tập.
2.2.3. Tổ chức dạy học thực hành “luyện tập thao tác lập luận so sánh”
2.2.3.1. Vai trò của bài tập thực hành
Trong quá trình dạy học Làm văn, nếu chúng ta chỉ chú trọng cung cấp lí thuyết thì học sinh sẽ không có cơ sở để vận dụng những tri thức đã học vào việc tạo lập văn bản cụ thể. Điều này dẫn đến tình trạng học sinh sẽ không có sự độc lập sáng tạo ra những văn bản có giá trị. Khi đó, việc dạy làm văn sẽ không đạt được những mục tiêu đề ra. Chính vì vậy, dạy Làm văn không thể tách rời lí thuyết với thực hành. Học lí thuyết để biết cách tạo lập văn bản, học thực hành để củng cố, khắc sâu thêm lí thuyết. Không những thế, thông qua thực hành, học sinh sẽ được rèn luyện các năng lực nói, viết trong giao tiếp và qua đó học sinh có điều kiện thể hiện năng lực tạo lập văn bản- những sản phẩm giao tiếp có giá trị.
Giờ luyện tập là giờ không thể thiếu trong quá trình dạy học Làm văn. Đó là giờ mà học sinh phải tự làm việc dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Ở đây, học sinh tự làm ra sản phẩm và giáo viên là người kiểm tra, uốn nắn để cho ra những sản phẩm tròn trịa, theo đúng yêu cầu. Vậy đây là giờ dạy đòi hỏi giáo viên phải rất tỉ mỉ, cặn kẽ và phải có phương pháp phù hợp. Theo chúng tôi, để có một giờ luyện tập tốt thì giáo viên phải cho học sinh ôn lại những kiến thức đã học trước đó, rồi đưa ra hệ thống bài tập từ thấp đến cao và hướng dẫn học sinh cách giải từng bài tập đó. Sau khi học sinh dẫ làm xong bài tập, giáo viên có một động tác nữa là kiểm tra bài tập của các em, uốn nắn kịp thời những sai sót. Từ đó học sinh biết cách vận dụng tốt thao tác lập luận so sánh vào quá trình tạo lập văn bản và cả những tình huống khác trong cuộc sống.
2.2.3.2. Hệ thống các bài tập thực hành
Khi tổ chức dạy thực hành Làm văn, một yếu tố không thể thiếu được là hệ thống bài tập. Có thể nói, bài tập chính là công cụ, là phương tiện để giáo viên thực hiện những ý đồ rèn luyện các kĩ năng cho học sinh. Trong thực hành Làm văn, hệ thống bài tập còn là cơ sở, là những tài liệu thiết thực giúp học sinh trong quá trình tạo lập các văn bản khác. Vì vậy, thực hành phải được thực hiện ngay sau giờ học lí thuyết, trước giờ viết bài.
Thông thường để tổ chức nội dung thực hành, giáo viên cần căn cứ từ những vấn đề lí thuyết để làm cơ sở định hướng cho hoạt động thực hành được triển khai thông qua hệ thống bài tập cụ thể. Theo chúng tôi, để tổ chức rèn luyện kĩ năng làm văn nghị luận cho học sinh về thao tác lập luận so sánh, nên sử dụng một số kiểu bài tập sau:
- Bài tập nhận diện thao tác lập luận so sánh.
- Bài tập đánh giá các giá trị của việc sử dụng thao tác lập luận so sánh. - Bài tập thực hiện thao tác lập luận so sánh.
- Bài tập chữa lỗi thao tác lập luận so sánh.
- Bài tập luyện tập kết hợp thao tác lập luận phân tích và thao tác lập luận so sánh.
a. Quy trình tổ chức cho học sinh thực hiện bài tập nhận diện thao tác lập luận so sánh
Đối với loại bài tập này, mục đích chính là giúp học sinh có thể nhận diện được thao tác lập luận so sánh trong văn bản, đồng thời nắm được cách thức tiến hành thao tác đó trong văn bản nhằm mục đích làm sáng tỏ luận điểm nào đó. Đây là loại bài tập có yêu cầu ở mức độ thấp, nó mang tính khởi động, khơi gợi khả năng ghi nhớ kiến thức cơ bản về thao tác lập luận so sánh. Học sinh sẽ được cung cấp một số ngữ liệu và yêu cầu học sinh nhận diện thao tác và những biểu hiện của thao tác này. Loại bài tập này không chỉ
giúp giáo viên và học sinh củng cố tri thức về thao tác lập luận so sánh mà còn giúp giáo viên có điều kiện trình bày sâu hơn những vấn đề về tri thức, đồng thời giúp học sinh thấy rõ tác dụng của thao tác lập luận so sánh trong việc triển khai văn bản nghị luận cũng như các vấn đề trong cuộc sống.
Kiểu bài tập này thường gồm hai phần: cung cấp ngữ liệu và phần trình bày yêu cầu. Ngữ liệu có thể là một đoạn văn nghị luận hoặc cũng có thể là cả một văn bản nghị luận. Sau phần trình bày ngữ liệu là phần nêu yêu cầu bài tập. Phần yêu cầu thường được thể hiện bằng cách diễn đạt như: xác định đoạn văn sử dụng thao tác nào? Xác định bước thực hiện nội dung bài văn( đoạn văn)? Ví dụ cho đoạn văn sau: “Thơ Thế Lữ rất giàu chất hoạ. Màu sắc trong thơ ông thường rõ ràng, có thể gọi tên ra được:
Ánh hồng tía rắc ngọc châu trên lá
Trời trong xanh, chân trời đỏ hây hây. (…) Trời cao xanh ngắt. Ô kìa!
Hai con hạc trắng bay về bồng lai
Nhưng trên những bức tranh của Xuân Diệu thì hình ảnh, đường nét rất khó định danh. Có một cái gì đó không rõ đường viền, là một thứ màu sắc, ánh sáng đang chuyển, đang ở dạng biến thái rất khó nắm bắt:
Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu Lả lả cành hoang nắng trở chiều
Nhưng chính cái hay, cái tài của Xuân Diệu là ở đó, đúng như lời bình của thi nhân Việt Nam: “Cảnh như muốn theo lời thơ mà tan ra. Nó chỉ mất một tí rõ ràng để được thêm rất nhiều thơ mộng”. Thơ Xuân Diệu tinh vi là
vậy đấy. Vận dụng kinh nghiệm của trường phái thơ tượng trưng pháp, đặc biệt là của Baudelaire, Xuân Diệu muốn ghi lại bằng ngôn ngữ thơ ca những biến thái tinh vi của tạo vật và người”[28, tr.318].
Em hãy xác định đoạn văn trên sử dụng thao tác lập luận nào? Nêu các bước thực hiện so sánh trong đoạn văn?
Để thực hiện kiểu bài tập này, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh thực hiện theo những bước sau:
- Cho học sinh đọc kĩ nội dung ngữ liệu.