6. Cấu trúc luận văn
1.1.4. Đặc điểm về ngôn ngữ, chữ viết
Tiếng Mông là tiếng nói của khoảng 80 vạn người Mông ở nước ta. Mông (HMôngz) là tên gọi có nghĩa là “người”. So với một số dân tộc ít người khác sống trên cùng một địa bàn thì người Mông sống tương đối tập trung. Đây là một điều kiện thuận lợi để tiếng Mông có thể phổ biến và phát triển.
Tiếng Mông thuộc họ Nam Á, ngữ hệ Mèo - Dao. Ở Việt Nam, nhóm Mèo - Dao gồm có các ngôn ngữ: Mông, Dao, Pà Thẻn.
Người Mông có 5 ngành, tương ứng là 5 phương ngữ. Đó là các tiếng Mông Đỏ (Mông trắng), Mông Lềnh (Mông hoa), Mông Si (Mông đỏ), Mông Đu (Mông đen) và Mông Sua (Mông xanh). Tiếng Mông là ngôn ngữ thuộc loại hình đơn âm tiết có cấu trúc âm tiết gồm: Âm đầu, vần và thanh điệu. Tiếng Mông có 58 phụ âm, 25 vần; âm chính gồm có 11 nguyên âm đơn và 5 nguyên âm đôi. So với tiếng Việt, tiếng Mông hạn chế về âm cuối, chỉ có bán nguyên âm I, u và phụ âm nh, ng giữ vai trò âm cuối (tiếng Mông đỏ không có). Tiếng Mông có đến 8 thanh điệu [3]. Về cơ bản, tiếng Mông là một ngôn ngữ thống nhất. Sự thống nhất của tiếng Mông thể hiện rõ nhất ở ngữ pháp. Giữa các ngành Mông không có sự phân biệt về đặc trưng cấu tạo từ, về phương thức ngữ pháp, về trật tự các thành phần câu… Vốn từ cơ bản của các ngôn ngữ Mông cũng không có sự khác biệt lớn. Theo điều tra ngôn ngữ học 1955 - 1957 (của Nguyễn Văn Chỉnh), chỉ có tiếng Mông Xanh là khác biệt
lớn nhất về vốn từ cơ bản với 21,3%, còn các ngành Mông khác chỉ khác biệt khoảng 4% đến 7 %.
Hệ thống phụ âm, thanh điệu giữa các ngành Mông cũng một số khác biệt, hệ thống âm vị có thêm bớt một vài trường hợp, song nhìn chung, cơ cấu phụ âm và thanh điệu của các ngành Mông là thống nhất và người Mông các vùng có thể giao tiếp với nhau một cách bình thường.
Người Mông luôn khao khát có chữ viết, điều này thể hiện ở những trang giấy bản thờ cúng tổ tiên, thánh thần và đốt đi cho người chết. Những tờ giấy bản được đục lỗ theo hình dọc, giống như các dòng chữ nho, người Mông cho đó là chữ của dân tộc mình từ xa xưa đã bị lấy cắp và mất đi vì một lí do nào đó. Giấy bản đục lỗ được dùng trong mọi lễ hội, tang ma, hôn nhân. Lời khấn thỉnh cầu của thầy cúng cùng người sống được ẩn vào trong giấy bản và được đốt đi để theo về cõi âm.
Tiếng Mông là một ngôn ngữ vốn không có chữ viết. Năm 1961, phương án chữ Mông được Chính phủ Việt Nam phê chuẩn (theo Nghị định 206/CP ngày 27/11/1961 về việc phê chuẩn phương án chữ Thái, Tày, Nùng, Mèo), đưa vào sử dụng thống nhất trong cả nước. Chữ Mông ở Việt Nam là bộ chữ được dựa trên hệ thống kí tự Latin theo nguyên lý ghi âm, trên cơ sở ngữ âm của ngành Mông Lềnh ở Sa Pa - Lào Cai, có bổ sung thêm một số âm vị của các ngành Mông khác. Những năm 70, phong trào học chữ Mông phát triển khá mạnh ở hầu hết các tỉnh miềm núi phía Bắc, nơi có đông đồng bào Mông sinh sống. Đến nay, do nhiều nguyên nhân, tình hình học chữ Mông đã không còn phát triển.
Tuy nhiên, chữ Mông còn có một số khiếm khuyết gây khó khăn cho người sử dụng. Trước hết, hệ thống chữ Mông có quá nhiều kí hiệu ghi các biến thể khác nhau của một âm vị; có kí hiệu ghi một số âm chỉ có ở từ vay mượn, chỉ tồn tại ở một số vùng hoặc chỉ có một số người phát âm được, còn
đa số người Mông lại không hề biết đến. Một khiếm khuyết khác làm cho nhiều người Mông băn khoăn là vẻ cách biệt quá xa giữa chữ Mông với chữ Quốc ngữ, biểu hiện ở chỗ chữ Mông sử dụng chữ cái để ghi thanh điệu, việc này khiến cho người sử dụng có những nhầm lẫn trong việc phân biệt chữ cái ghi phụ âm với chữ cái ghi thanh điệu... Bởi có những bất hợp lý như vậy, một số nhà nghiên cứu cách đây vài chục năm đã có những đề nghị cải tiến chữ Mông, nhưng cho đến nay, công việc này vẫn chưa được tiến hành [3].
Hiện nay, chữ viết của người Mông trên các nước đã thống nhất cùng một loại. Đó là bộ chữ được xây dựng theo kiểu chữ Latin, do một nhà văn người Mông nhập cư ở Mỹ sáng lập ra từ những năm 70. Do sự phát triển bùng nổ của thông tin đã tràn lan vào đời sống xã hội trong các cộng đồng Mông ở các nước, sự thống nhất về chữ viết đã làm cho người Mông trên khắp thế giới cùng thống nhất được một tiếng nói đó là tiếng Mông Đơ (Mông Trắng). Bởi người Mông ở các nước có nền văn hoá phát triển như Thái Lan, Mỹ, Pháp, Úc, Lào... đều là người Mông Trắng [18].
Có thể nói rằng, ngôn ngữ Mông không chỉ chiếm một vị thế đặc biệt trong đời sống của đồng bào Mông mà còn góp phần quan trong trong việc phát triển đời sống văn hoá xã hội ở các khu vực miền núi Việt Bắc, Tây Bắc. Ngôn ngữ Mông là công cụ để những trí thức Mông bước đầu biểu hiện đời sống tâm hồn của người Mông qua những sáng tác thơ văn bằng tiếng dân tộc. Nhờ đó mà ngay từ những năm 60, thơ hiện đại dân tộc Mông đã có mầm mống của sự hình thành và phát triển. Những sáng tác đầu tiên bằng tiếng dân tộc đã là động lực để những tác giả người Mông thêm yêu mến tự hào về quê hương của mình, là chiếc cầu nối để những tác giả người Mông bước nhanh tới đời sống văn học, vững vàng hơn trong những sáng tác bằng tiếng phổ thông sau này.