Như đã nêu trong mục 1.3.1 Khung lý thuyết, các chiến lược và kết quả/thành quả về sinh kế không chỉ phụ thuộc vào tiếp cận với vốn sinh kế (đã phân tích sâu ở mục 2.1.2 Tiếp cận vốn sinh kế của nhóm đối tượng trong vùng Dự án) hay bị bối cảnh của tính dễ tổn thương chi phối (phần 2.2.3) mà nó còn là sản phẩm chuyển hóa của các cơ cấu/cấu trúc (strucuture); các thể chế và quy trình. Cơ cấu tổ chức, thể chế/quá trình được coi là những nhân tố mang tính quản lý, quản trị có tác dụng quan trọng trong giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố bối cảnh gây tổn thương đến nhóm đối tượng thông qua việc tăng cường tiếp cận các nguồn vốn sinh nhằm cải thiện tình trạng kinh tế và tăng khả năng ứng phó, phòng vệ trước các diễn biến bất lợi từ môi trường. Việc thay đổi bối cảnh dễ tổn thương có thể được thực hiện thông qua những thay đổi trong chính sách vĩ mô (ví dụ tái cơ cấu kinh tế, thay đổi cơ cấu cây trồng, di dân v.v.) và/hoặc tăng khả năng tự phòng vệ của người dân thông qua hỗ trợ nhóm đối tượng tăng cường tài sản/các loại vốn (theo nghĩa rộng) của mình, ví dụ tăng nguồn vốn tài chính. Như vậy thì tính đáp ứng [đến nhu cầu của người dân] của cơ cấu quản lý, các thể chế, các chương trình, quy trình phải được nâng cao. Dự án GNKVTN được coi là tổng hợp các hành động, tức là các chiến lược sinh kế, nhằm đạt đến kết quả sinh kế, nên cơ cấu tổ chức, các thể chế, quy trình sẽ được phân tích gắn với quá trình triển khai Dự án. Do đó, phần này sẽ phân tích các cơ cấu tổ chức có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện Dự án có thành công hay không (phần 2.2.1) cũng như phân tích về các thể chế, chính sách quy trình và mức độ tác động đến sự tham gia và hưởng lợi của đối tượng dễ bị tổn thương (phần 2.2.2), cuối cùng nhưng không kém quan trọng là một số thiết chế văn hóa, tôn giáo có ảnh hưởng quan trọng đến thực hiện Dự án (phần 2.2.3).