. Những bài ca kể chuyện xen lẫn cảm xúc trữ tình: 63 bài chiếm 13,6%
3.2.2 Tạo cho cảm hứng trữ tình có thêm nghĩa lý để triển khai.
Khách vào bản là sự việc quan trọng trong đời sống cả bản. Người Tày vốn hồn hậu chân thành và đặc biệt có lòng mến khách nên mõi khi có người vào bản, cả bản sẽ đến thăm hỏi trò chuyện thân mật. Để cho không khí vui tươi, để cho câu chuyện tế nhị, duyên dáng họ dùng những tiếng hát lời ca để ướm hỏi, chào mừng nhau. Chủ chào khách ướm hỏi khách bằng những hình ảnh bóng bảy thanh cao “hôm nay thấy đôi nhạn cánh thắm đi qua”… “đôi ưng cánh đỏ đi vào…”, “thấy sao rơi xuống bản”, “thấy trăng ngả xuống mường”…
Để mời khách ở lại cùng nhau cất lên tiếng hát lời ca làm vui bản vui mường, họ thường tạo ra một duyên cớ, một lời dẫn để cảm xúc trữ tình, để mong ước, nguyện vọng dựa vào đó mà trực tiếp giãi bày. Lúc này tự sự xuất hiện như một yêu cầu cần thiết của con người và cuộc sống. Tự sự xuất hiện đã làm cho trữ tình có chỗ dựa vững chắc, có thêm nghĩa lý để triển khai. Chẳng hạn:
Chiều nay em hái là dâu
Thấy đôi phượng trẻ rủ nhau bay về Biết đâu phượng đỗ hay đi
Mơ hồ em thấy nỗi gì phân vân Cơm chiều chắc chửa được ăn
Em xin lượn vẫn băn khoăn ưng chiều Nếu ưng xin lượng đánh liều.
Năm câu đầu hoàn toàn là lời kể của nhân vật trữ tình. Trong lời kể dù rằng ngắn gọn đó, ta vẫn thấy có bóng dáng của một câu chuyện. Có không gian: chiều nay, có nhân vật : tự xưng “em”, có hoạt động: “hái lá dâu” và có cả hình ảnh đầy ý nghĩa ẩn dụ “đôi phượng trẻ”, lại có cả chút gì mơ hồ, phân vân trong tình cảm của nhân vật trữ tình…
Nếu dừng lại ở đây, bài ca dường như vẫn thiêu thiếu một cái gì đó. Song không chỉ có vậy, cái trạng thái lo lửng của bài ca hoàn toàn được lấp đầy bằng hai câu cuối:
Em xin lượn vẫn băng khoăn ưng chiều Nếu ưng xin lượn đánh liều
Năm câu đầu hoàn toàn là “sự”, hai câu cuối, khi cái mạch tự sự hoàn toàn khép lại thì tâm sự trữ tình mới trực tiếp mở ra. Đúng là trọng tâm của bài ca chỉ dồn vào hai câu. Không có năm câu đầu người đọc vẫn hiểu được cái tâm sự ước vọng của nhân vật trữ tình. Song giả sử không có “sự” ở năm câu đầu e rằng lời mời luợn cất lên có phần đường đột, bất ngờ, thiếu hẳn cái tế nhị, duyên dáng mà người con gái kín đáo gửi gắm trong đó.
Trong bài ca trên tình cảm đã được bộc lộ và phát triên trên cơ sở nhiều sự việc cụ thể. Trữ tình được nảy sinh trên cơ sở của tự sự. “Sự ” xuất hiện đã tạo ra một duyên cố, một chỗ dựa vững chắc để “tình” bắt vào mà bộc lộ, giãi bày. Sử dụng hình thức tự sự làm nền, mặt trữ tình đã nói được sâu sắc, tế nhị những suy nghĩ tình cảm của mình.
Như vậy, có thể nói ở một khía cạnh nào đó “sự” và “tình” là hai yếu tố đối lập nhau, song khi xuất hiện trong một bài ca, “sự” đã tạo được mối quan hệ gần gũi với “tình”. “sự” đã trở thành điểm tựa vững chắc cho “tình” xuất hiện. Bài ca sau đây là một ví dụ:
Anh bước chân đến đầu bản chiều tà Tay áo vãy mặt tròi không lại
Mặt trời đã vội vã về tây Thân anh cách xứ hỏi han
Ơn chủ có lòng thương thân thiết Cho chúng tôi nghỉ trọ được không.
Xem xét toàn bộ bài ca, có thể thấy rõ đây là lời của chàng trai muốn dừng lại bản để hát tiếp. Thật ra cái cốt lõi của vấn đề chỉ nằm trong hai câu cuối:
Ơn chủ có lòng thương thân thiết Cho chúng tôi nghỉ trọ được không.
Nhưng nếu nói thật nói thẳng ngay ý tứ này thì e hơi khó. Bởi dẫu sao cùng là lời nhờ vả, mong muốn. Người Tày vốn ưa sự tế nhị và kín đáo. Nên chàng trai phải lựa cách nói sao cho “thông dòng, bén giọt” mới mong chiếm được cảm tình của chủ nhà. Và chàng đã lựa chọn bằng cách đưa ra những lý do rất thuyết phục:
Anh bước chân đến đầu bản chiều tà Tay áo vãy mặt tròi không lại
Mặt trời đã vội vã về tây Thân anh cách xứ hỏi han.
Ngay cái mở đầu đã có ba yếu tố: thời gian, không gian và sự việc. Thời gian : “chiều tà”, không gian: đầu bản, hoạt động: bước chân.
Hai câu tiếp theo càng xoáy đi xoáy lại vào thời gian lúc chiều tà. Hình ảnh mắt trời được lặp đi lặp lại như một sự ngụ ý đầy kín đáo thiết tha.
Tay áo vẫy mặt trời không lại Mặt trời đã vội vã về tây.
Ý tứ đi từ xa xôi đến gần, đến câu thứ ba, cái hàm ý càng lộ ra trong hình ảnh đầy sức gợi “thân anh xa xứ”. Đến đây dường như các lý do đưa ra đã đầy đủ chặt chẽ. Nên chàng trai đã kết thúc lời kể lể để chuyển sang các tâm tình đầy ước vọng, thành ý và thiết tha:
Ơn chủ có lòng thương thân thiết Cho chúng tôi nghỉ trọ một đêm
Như vậy tất cả sự việc được kể ở bốn câu đầu đều chỉ nhằm dẫn dắt đến cái mục đích gói gọn trong hai câu cuối. Cái “sự ” kể trên cũng chỉ làm thắt chặt cái “tình” ở dưới. Cho nên dù chỉ xuất hiện trong bốn câu đầu nhưng vai trò của yếu tố tự sự là không thể phủ nhận. Dù chỉ là một điểm tựa song không có điểm tựa ấy cảm xúc trữ tình khó tìm được lý do để bắt đầu xuất hiện, bộc lộ.
Từ đó có thể thấy trong các lời ca kể chuyện tuy cũng có “sự” nhưng nổi lên bình diện thứ nhất của việc kể và tả lại là “tình”, là nỗi niềm của nhân vật. Ở đây câu chuyện được kể không cần mang đầy đủ cái vẻ ngoài vốn có của nó như trong thực tại. Điều đáng lưu ý hơn cả là cảm xúc tâm lý của nhân vật trữ tình phản ứng lại trước những biểu hiện, những vẻ bề ngoài của sự việc. Câu chuyện được kể trong dân ca là câu chuyện tâm tình, là nỗi niềm được kể lể hơn là một cảnh ngộ được thuật lại. “Sự” xuất hiện không phải để xác định khách thể mà để tạo ra duyên cớ vững chắc cho “tình” được thổ lộ, giãi bầy.
Tóm lại, với vai trò kể sự tả tình, yếu tố tự sự xuất hiện không chỉ giúp nhân vật trữ tình kín đáo bầy tỏ tình cảm mà ở một số bài ca yếu tố này còn tạo ra cái nền duyên dáng, cái cớ vững chắc để nhân vật trữ tình có thể dựa vào đó mà trực tiếp giãi bày tình cảm. Sự xuất hiện của yếu tố tự sự đã khiến cho cảm hứng trữ tình có thêm nghĩa lý để triển khai, xuất hiện một cách dễ dàng mà vẫn sâu sắc. “Tự sự giống như cái mắc để treo bức tranh, như đôi bờ
đất để dòng sông chảy, mà nếu như không có cái mắc đó thì bức tranh không thể treo lên, không có bờ đất thì nước chẳng thể chảy theo một dòng nhất định.” [55, 28]