Loại hình tự sự

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng. (Trang 25 - 27)

Phân văn học theo phương thức phương tiện thẩm mĩ ở cấp độ loại hình, thuật ngữ tự sự và trữ tình từ lâu đã được các nhà kinh điển mỹ học và lý luận văn học trên thế giới đề xuất nghiên cứu trong sự phân biệt và tương quan ước lệ. Tuy nhiên, theo sự tiến hoá của văn hoá, xã hội và lịch sử, những tư liệu bao quát chúng ngày càng phong phú, đa dạng, sự chuyển hoá thâm nhập lẫn nhau của chúng trong thực tiễn sáng tác cũng gây không ít khó khăn cho người nghiên cứu trong việc xác định thể loại. Trong khi nêu lên những ranh giới cụ thể giữa chúng cũng như những đặc tính và những biến thể phong phú, lịch sử phân định loại hình tự sự và trữ tình đã có những ý kiến khác nhau.

Một trong những người đầu tiên nhắc đến khái niệm tự sự trong sự phân biệt hai loại hình còn lại, phài kể đến la Arixtot. Theo Arixtot, văn học có ba phương thức mô phỏng hiện thực. Đó là kể về một sự kiện như về một cái gì tách biệt với mình như Homere vẫn làm, hoặc là người mô phỏng tự nói về mình không thay đổi ngôi xưng, hoặc là trình bày tất cả những nhân vật được mô tả trong hành động. Tên gọi của ba phương thức trên lần lượt là tự sự, trữ tình và kịch. Như vậy, ở dạng ban đầu, tự sự chỉ được coi là một phương thức mô phỏng hiện thực.

Cho đến sau này, trong quá trình phân biệt loại văn học, các nhà nghiên cứu mới dựa vào ba phương thức trên mà khái quát hoá, phân loại thành ba loại hình văn học. Lúc này, tự sự mới xuất hiện với tư cách là một loại hình. Trong cách phân loại đó, theo Bielinxki, khái niệm tự sự được dùng để chỉ toàn bộ những tác phẩm biểu hiện đời sống thông qua miêu tả sự kiện. Đặc

trưng nổi bật nhất và cũng là quan trọng nhất của loại hình tự sự là tính khách quan. Cũng theo Bielinxki, trong mối quan hệ với những loại hình còn lại, nếu tác phẩm trữ tình ưa nói tới cái chủ quan, tác phẩm kịch là “sự dung hợp của các yếu tố đối lập của tính khách quan tự sự và tính chủ quan trữ tình” thì đối tượng mà tự sự hướng tới là tính khách quan của thế giới.

T.H.Miller, nhà giải cấu trúc Mỹ lại cho rằng “Tự sự là cách để ta đưa cái sự việc vào một trật tự và từ trật tự ấy mà chúng có được ý nghĩa, tự sự là cách tạo nghĩa cho sự kiện biến cố”.

Như vậy, mỗi nhà nghiên cứu, dưới các góc độ khác nhau, sẽ có các quan điểm khác nhau về tự sự.

Song dù nhấn mạnh đặc trưng nào, tiêu chí loại hình vẫn có một cái lõi chung nhất. Về khái niệm tự sự chúng tôi thống nhất quan điểm của các nhà biên soạn "Từ điển thuật ngữ văn học" : " Nếu tác phẩm trữ tình phản ánh hiện thực trong cảm nhận chủ quan về nó thì tác phẩm tự sự lại tái hiện đời sống trong toàn bộ tính khách quan của nó. Tác phẩm tự sự phản ánh hiện thực qua bức tranh mở rộng của đời sống, trong không gian, thời gian, qua các sự kiện biến cố xảy ra trong cuộc đời con người. Trong tác phẩm tự sự nhà văn cũng thể hiện tư tưởng và tình cảm của mình. Nhưng ở đây tư tưởng và tình cảm của nhân vật thâm nhập sâu sắc vào sự kiện và hành động bên ngoài của con người tới mức giữa chúng dường như không có sự phân biệt nào cả ". [328, 11]

Vấn đề cơ bản của phương thức tự sự là "nhà văn kể lại, tả lại từ những gì bên ngoài mình, khiến cho người đọc có cảm giác rằng hiện thực phản ánh trong tác phẩm tự sự là một thế giới tạo hình xác định đang tự phát triển, tồn tại ngoài nhà văn, không phụ thuộc vào tình cảm, ý muốn của nhà văn". [328, 11]. Do thể hiện sự thực đời sống qua các sự kiện biến cố và hành vi con

người nên tác phẩm tự sự trở thành một câu chuyện về ai đó hay về một cái gì đó.

Như vậy, ở tác phẩm tự sự, kể chuyện (hay trần thuật) là yếu tố trung tâm tổ chức ra thế giới nghệ thuật. Đồng thời với nó, cốt truyện, nhân vật là những yếu tố hạt nhân, được triển khai nhờ một hệ thống các yếu tố chi tiết, sự kiện, ngoại hình, tính cách nhân vật, ngoại cảnh... kể cả hệ thống hư cấu liên tưởng.

Từ đặc trưng trên, có thể thấy, tự sự có một khả năng bao quát rộng lớn, phản ánh sâu sắc hiện thực cuộc sống và ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống thể loại văn học.

Bước sang thế kỉ XX, vấn đề lý thuyết tự sự ngày càng được quan tâm, phổ biến. Tự sự đã bước ra khỏi ranh giới của thể loại văn học để trở thành một bộ phận nghiên cứu độc lập, có tính liên ngành và có vị trí ngày càng quan trọng trong ngành khoa học văn học và các khoa học nhân văn. Tự sự học hiện đại đã trở thành một bộ môn khoa học, hiểu theo nghĩa rộng là "nghiên cứu cấu trúc của bản tự sự và các vấn đề liên quan hoặc nói cách khác là nghiên cứu đặc điểm nghệ thuật trần thuật của bản tự sự nhằm tìm một cách đọc" [11, 28].

Cùng với sự xâm nhập giữa các thể loại trong văn học, tự sự không chỉ có mặt trong truyện ngắn, tiểu thuyết, ngụ ngôn... như một phương thức tạo nghĩa và truyền thông tin, tự sự còn có mặt trong thơ, thơ trữ tình, ca dao, dân ca... những thể loại tưởng chừng ở phía bên kia ranh giới của tự sự. Trong những loại hình trữ tình này, tự sự tham gia một cách rất tích cực có vị trí đặc biệt và có vai trò tương đối quan trọng. Việc tìm hiểu về lý thuyết tự sự trên đây sẽ là những cơ sở lý thuyết vững chắc cho việc xem xét sự xâm nhập của yếu tố tự sự vào trong dân ca Tày - một loại hình trữ tình dân gian tiêu biểu.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Vũ Trọng Phụng. (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)