Do việc quan niệm cốt truyện trong cả các bài hát trữ tình dân gian hoàn toàn mang tính quy ước nên sự hoàn chỉnh của cốt truyện cũng chỉ là khái niệm mang tính tương đối. Đó chỉ là kết quả của việc so sánh cấp độ này, đặt cấp độ này trong mối tương quan với các cấp độ biểu hiện còn lại của yếu tố tự sự trong dân ca Tày.
Qua việc so sánh, có thể rút ra một nhận xét, cấp độ có cốt truyện hoàn chỉnh là biểu hiện rõ nét nhất của yếu tố tự sự trong dân ca. Cấp độ này thường được biểu hiện ra bằng những bài ca có dung lượng, quy mô lớn, số lượng nhiều. Đó là những bài ca đi vào mô tả trường diện của cuộc sống với nhiều chi tiết sinh động, sự kiện phong phú… nhưng thống nhất trong một kết cấu tương đối chặt chẽ. Nhiều khi những bài đó đã đạt đến mức gần như một câu chuyện có tình tiết hoàn chỉnh được diễn đạt dưới dạng thơ ca.
Dù chỉ chiếm một số lượng khá khiêm tốn nhưng với độ đậm nét nhất của hình thức biểu hiện, dễ nhận ra dạng thức này trong một bài ca cụ thể. Bài
lượn “mười hai tháng” là một trong những bài ca thể hiện tương đối xuất sắc nghệ thuật tự sự ở cấp độ đầu tiên này.
Toàn bài gồm mười ba đoạn, đã kể lại một cách tường tận công việc của nhà nông. Qua lời kể của một nhân vật dường như khách quan, đứng ngoài câu chuyện, các chi tiết sự việc cứ lần lượt hiện lên theo dòng mạch thời gian.
Bài lượn được bắt đầu từ tháng một và chất tự sự được khởi nguồn từ hành động:
Tháng giêng mùng một đốt hương liền Đốt đèn hai ngọn lên chầu tiên
Đốt đèn hai ngọn lên chầu bụt
Diễn biến của câu chuyện là diễn biến của sự việc trong suốt mười hai tháng. Gắn với tháng hai là:
Tháng hai xuân tới trăm hoa nở Liệu mà xuất giá chị em ơi
Tháng ba lại mở đầu bằng công việc phát rẫy bông dưới chân núi: Tháng ba phát rẫy bông chân núi.
Cũng trong tháng này, với cái nắng dịu dịu của tiết mùa xuân: Trai ở thư phòng, thư ngại viết
Gái mắt lim dim ở góc nhà …………... Trai ở học đường thư ngại viết Gái ở phòng hương tính ngại đàn
Bước sang tháng tư, công việc lúc này trở nên bận rộn hơn bởi : Tháng tư đám mạ mọc xanh xanh
Dồn dập mùa công thêm hát đình Dồn dập mùa công thêm hát hội
Cấu tứ của bài ca tiếp tục được xây dựng theo trình tự của thời gian và công việc trong năm. Theo dòng mạch đó, nhân vật trữ tình đã liệt kê và kể lại một cách chi tiết tỉ mỉ công việc và kinh nghiệm làm ruộng suốt từ tháng năm cho đến tháng mười. Cái nền tự sự đã đem đến logic chặt chẽ cho toàn bài. Bài ca vì thế mà giống một bản tường trình dài tổng kết kinh nghiệm làm việc hữu hiệu và quen thuộc của nhà nông:
Tháng sáu làm cỏ bận trăm dường Cúi mặt làm cỏ đầu đượm sương.
Là những thành quả lao động đang lớn lên từng ngày như một sự bù đắp xứng đáng công sức người chăm bón:
- Tháng tám ngoài đồng bông trắng lúa - Tháng chín ca mùa lúa chín vàng - Tháng mười là mùa ta gặt hái Cho chàng cái hái, cái đòn dây Chàng đi gặt, cho chàng đòn, hái Chàng xem liệu gặt hái ra tay
- Tháng một ngoài đồng những rạ rơm Cắt én một đôi đi dạo mường
Cắt én một đôi đi dạoxứ Lúa gặt vào bồ bỏ rơm vàng
Trải dài suốt mười hai khổ thơ là công việc của mười hai tháng trong năm, cho đến khổ mười ba, bài ca đã kết lại trong nỗi nhớ bạn tình da diết, trong cái xoay vần của tạo hoá và gợi mở những niềm lạc quan tươi sáng.
Một năm mười hai tháng xoay vần Nhớ bạn lòng mơ ngày gặp mặt Nhớ bàn lòng mong biết mặt thân Năm tháng trôi đi vẫn còn xuân
Có thể nói bài lượn đã thể hiện được rõ nét sắc tinh tế sắc điệu của ngòi bút tự sự dưới hình thức bài ca năm tháng. Tả theo thời gian, nói thẳng sự việc, bài lượn đã ghi chép toàn diện cuộc sống khẩn trương gian khổ của người nông dân Tày trong suốt một năm qua. Bài lượn kể nhiều sự kiện, bao quát thời gian dài, không gian rộng mà vẫn có dòng mạch, chương pháp. Cố nhiên ở đây tuy chưa cấu thành câu chuyện có tình tiết sinh động, hoàn chỉnh như yêu cầu của một tác phẩm tự sự chính thống, nhưng trong cảnh ong bay bướm lượn, màu cỏ xanh cây mướt, tiếng chim hót trùng kêu…được kết hợp nhuần nhuyễn khéo léo đan dệt với hoạt động nông trang. Toàn bài thơ điểm
xuyết cảnh mùa vụ, phối hợp với tả việc, từ đó làm cho bài thơ có kết cấu chặt
chẽ hồn nhiên vừa không hề có cảm giác rối loạn, thể hiện đẩy đủ phong phú cảnh lao động của người nông dân nơi đây.
Song song tồn tại với yếu tố tự sự là những dòng thơ tràn đầy cảm xúc trữ tình. Đó là những phiến đoạn nói về tâm trạng nỗi lòng của nhân vật trữ tình đan xen trong những chi tiết kể lể công việc đồng áng của nhà nông. Nội dung của các câu thơ đó có thể là nỗi buồn thương da diết vì cảnh cô đơn lẻ bạn:
Bên bạn có đôi làm được chóng Độc thân lẻ thiếu ruộng bỏ không. Là nỗi khắc khoải, ngẩn ngơ của sự chia lìa xa cách:
Nhớ bạn xa nhau ngày ngày buồn Giá được ở gần nhau, bạn nhỉ Là nỗi nhớ triền miên không sao dứt được:
Nhớ nhung nhân ngãi mỗi ngày buồn
Chính nhờ những dòng thơ này mà bài ca có âm hưởng trữ tình đằm thắm thiết tha. Người nghe, người đọc chợt nhận ra các dòng mạch cảm xúc
vẫn là âm hưởng chủ đạo trong những bài ca dạng này. Và như thế trên cái nền tự sự, bài ca vẫn đứng vững ở ranh giới loại hình trữ tình.
Những bài ca về chủ đề nông sự là nơi thể hiện sắc nét nghệ thuật tự sự, thay cho lời kể, ở đây công việc nhà nông được hợp thành một bộ phận của nội dung thơ ca. Những bài ca này hoặc kể về việc lo tìm giống má, làm vườn, đánh cá, buôn trâu hay dệt vải, ươm tơ... đều đã phản ánh được sinh động bức tranh sinh hoạt của người Tày.
Hợp thành tiểu loại này, ngoài những bài ca thuộc về chủ đề nông sự như bài lượn mười hai tháng trên còn phải kể đến những bài lượn séc.
Lượn séc có nghĩa là lượn theo sách. Những bài lượn này có hai kiểu. Kiểu thứ nhất là lượn tự sự lịch sử. Đây là những bài lượn diễn ca lịch sử một cách chính thức theo sách chứ không thêm bớt. Những bài lượn này mặc dù được trình bày trong các cuộc lượn nhưng lại mang chất tự sự đậm đà hơn tính trữ tình. Mặt khác, những bài lượn này khi cất lên không nhất thiết phải bộc lộ cảm xúc yêu thương, trạng thái tình cảm. Mục đích của chúng có khi chỉ dừng lại ở việc thi thố tài năng giữa các chàng trai cô gái có dịp gặp nhau. Cho nên chúng tôi không chú ý phân tích rõ bài lượn tự sự lịch sử trong phạm vi nghiên cứu của đề tài này.
Kiểu thứ hai là những bài lượn tóm tắt cốt truyện hoặc chỉ tóm lấy một vài chi tiết của cốt truyện, rồi thông qua những chi tiết đó, bài lượn có thể bộ lộ trực tiếp hay gián tiếp gửi gắm vào trong đó những cảm xúc yêu thương. Những bài lượn này tuy mang đậm dấu ấn của loại hình tự sự nhưng mục đích cuối cùng vẫn là để bộc lộ cảm xúc trữ tình. Cho nên chúng tôi xếp chúng vào những bài lượn tự sự - trữ tình và đặt chúng ở dạng thức biểu hiện cao nhất của yếu tố tự sự trong loại hình trữ tình dân gian - dạng thức những bài ca có cốt truyện hoàn chỉnh. Dạng thức này khá phổ biến trong những bài lượn tóm
tắt một cốt truyện cổ. Bài lượn Lương Sơn Bá – Trúc Anh Đài là một ví dụ cụ thể.
Bài lượn được phỏng theo truyện cổ dân gian cùng tên của Trung Quốc. Trai gái Tày yêu thích câu chuyện tình thuỷ chung mà bi thảm này nên đã đem lên sân khấu nhà sàn, dùng tiếng hát lời ca mà cất lên thành câu chuyện. Bài ca vì thế có cái mạch lạc rõ nét của yếu tố tự sự lại có cái da diết của những cảm xúc trữ tình. Nội dung của câu chuyện này có thể tóm tắt như sau: Anh Đài là một cô gái thông minh, ham học có chí lớn. Để thoả mãn khát vọng, nàng đã cải trang thành một phong lưu công tử sắm sửa hành lý, lên đường đi du học. Trên đường đi nàng gặp Sơn Bá, một nho sinh cũng đang trên đường đi học. Hai người kết nghĩa anh em, hai người cùng học một trường, cùng ăn chung một mâm, ngủ cùng một chiếc giường mà Sơn Bá không hề biết Anh Đài là nữ nhi cải trang. Một hôm Anh Đài bắt được thư cha gọi về nhà. Sơn Bá tiễn Anh Đài đi mấy chục dặm đường trở về, bắt được thư Anh Đài nói thật mình là con gái, lúc này chàng mới biết sự thật. Khi Sơn Bá trở về nhà, Anh Đài đã bị bố mẹ ép gả cho anh chàng họ Mã, lễ cưới sắp sửa tiến hành. Quá đau khổ Sơn Bá đã chết, Anh Đài để tang khóc lóc thảm thiết. Đám cưới Anh Đài được tổ chức long trọng. Khi kiệu cưới đi qua mộ Sơn Bá, Anh Đài xuống kiệu kêu khóc, mộ tự nhiên mở ra, Anh Đài chui vào. Linh hồn hai người hoá thành bươm bướm để đời đời kiếp kiếp bay lượn trên hoa thơm cỏ lạ, hưởng mãi tình yêu trong trắng.
Toàn bộ cốt truyện đó đã được cô đọng lại trong tám mươi câu thơ. Một dung lượng không phải là ngắn so với phạm vi một bài lượn nhưng lại chưa đủ dài để trở thành một truyện thơ cùng tên. Nhưng trong từng đấy câu cũng có đủ cả cốt truyện, nhân vật, những chi tiết sinh động, những phiến đoạn miêu tả… Tất cả đã liên hệ với nhau một cách thống nhất tạo thành một bài ca có dáng dấp một câu chuyện hoàn chỉnh.
Mạch tự sự được bắt đầu bằng việc giới thiệu, sự xuất hiện của hai nhân vật chính: Lương Sơn Bá và Trúc Anh Đài.
Sơn Bá đời xưa con nhà văn Neo đơn đi học chỉ một mình Một mình đi học đi qua bản Rồi gặp Anh Đài kết bạn thân Anh Đài ngày ấy thật khôn Phận gái đóng giả thành trai tân Kết cùng Sơn Bá làm bạn hữu Rủ nhau đi học học trường quan.
Bằng ngôn ngữ súc tích và cô đọng, bốn khổ đã làm đầy đủ các mục của phần mở đầu. Từ việc giới thiệu tên nhân vật, gia cảnh của từng người đến hoàn cảnh hai người gặp gỡ đều gói gọn trong số lượng câu chữ ngắn ngủi ấy.
Sau mở đầu như vậy, truyện bắt đầu đi vào tóm tắt diễn biến câu chuyện. Cách kể ở đây theo từng đoạn. Mỗi đoạn là một chi tiết chắt lọc đã được thơ hoá. Chín đoạn thơ đã kể lại tuần tự từ lúc Sơn Bá – Anh Đài học cùng trường cho đến lúc Đài bị gả bán.
Ở đây ngoài việc kể và tả, bài ca bắt đầu xuất hiện những đối thoại. Đó là lời dặn dò của Anh Đài:
Anh hỡi ở lại chăm học giỏi Em về thăm cha mẹ mấy ngày Và lời nhắn nhủ của Sơn Bá:
Anh về còn học học thi bù Thi thư phải học học cho hết Thi đỗ trạng nguyên đệ nhất tài
Lời thoại tuy dung lượng ngắn, số lượng ít nhưng cũng đủ phả vào trong đó cái hơi thở sinh động của tự sự. Bài lượn vì thế bớt đi cái nặng nề của tính chất kể và tả.
Bài lượn cứ diễn biến theo cái mạch truyện truyền thống, cho đến cái mâu thuẫn giữa tình yêu thuỷ chung với quyết định ép gả của cha mẹ thì dừng lại. Đến đây câu chuyện rẽ sang một hướng khác theo cái tư duy sáng tạo của người Tày. Sơn Bá trong suy nghĩ của người hát lên khúc ca này không phải là một chàng trai bi luỵ, đau khổ đến nỗi phải ôm mối hận mà giã biệt cuộc đời. Chủ động hơn, chàng quyết tâm học hành để có thể đường hoàng xin cưới Anh Đài:
Sơn Bá nhắn lại với Anh Đài Anh về còn học học thi tài Thi thư phải học, học cho hết Thi đỗ trạng nguyên đệ nhất tài
Sơn Bá đi, Anh Đài ở lại bị cha mẹ ép duyên gả bán. Đau khổ và tuyệt vọng, nàng tìm đến cái chết. Mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm trong các hành động:
Năm canh sầu não đi ra đường Anh Đài nhớ bạn lòng buồn thương Mới giả vào rừng để chờ đợi
Khăn đào vắt cổ vấn thân nàng.
Bỏ lại hết những chi tiết về lễ cưới, gạt ra ngoài sự việc Anh Đài chui vào mộ, đôi uyên ương hoá thành bươm bướm, câu chuyện kết thúc bất ngờ trong những dòng trữ tình ngoại đề da diết một nỗi buồn thương:
Anh Đài thời xưa thuộc giống hoa Sinh về dương thế chẳng thành gia Sinh xuống dương gian tâm lạc số
Thành chim khảm khắc vọng rừng xa.
Ở đó không chỉ có một trường đoạn miêu tả tỉ mỉ như trong truyện cổ tích, cũng không có những đoạn biến thiên có hậu như trong truyện thơ Sanpec_Anh Tài. Nó chốt tại trong cái biến ảo. Một cái kết mang đậm hơi thở, đặc trưng của những bài lượn. Có lẽ vì thế mà đây chỉ là tiền thân, là bước đi chập chững, là những thử nghiệm ban đầu của truyện thơ.
Câu chuyện kết thúc không có cảnh đôi uyên ương hồ điệp mà mãi bên nhau. Chỉ có cảnh Anh Đài biến thành chim khảm khắc cô đơn lẻ bạn. Khảm khắc là một giống chim kêu đêm hè, được dung để ví với người yêu sầu thảm vì xa nhau mà than thở. Phải chăng khi hư tạo ra kết thúc này, người hát muốn kín đáo bày tỏ những xúc cảm nỗi lòng của mình với bạn tình?
Nhìn lại toàn bộ, có thể kết luận rằng bài lượn theo dòng tự sự là chính nhưng những bài ca dạng này vẫn được xếp vào loại những bài ca tự sự - trữ tình bởi lẽ chen vào giữa thanh âm tự sự vẫn là những dòng cảm xúc trữ tình sôi nổi. Đó là những phản ứng, những sắc thái tình cảm khác nhau mà người hát kín đáo gửi gắm qua việc miêu tả tâm trạng nhân vật:
Sơn Bá đến nơi liền lên nhà
Nhưng chẳng thấy bạn lòng xót xa và:
Năm canh sầu não đi ra đường Anh Đài nhớ bạn lòng buồn thương
Mặt khác ngay trong việc lựa chọn, hay việc thay đổi chi tiết để kể lại cũng đã gián tiếp bộc lộ tình cảm. Đó là còn chưa đề cập tới sắc thái tình cảm trực tiếp của người diễn xướng. Bài ca vì thế vừa có các mạch tự sự sắc nét vừa có tính trữ tình sâu lắng.
Nói một cách khách quan, so với những truyện thơ cùng lấy cốt truyện từ những câu chuyện cổ, thì nghệ thuật tự sự trong những bài ca dạng này
chưa thật thành thục, nhưng bù lại nó lại có cái trong sáng giản dị có xen kẽ được dòng mạch trữ tình tràn đầy cảm xúc yêu thương.
Dân ca là nghệ thuật trữ tình và nếu một sáng tác văn học nghệ thuật không sáng tác theo phương thức trữ tình, không mang tính trữ tình thì không phải là dân ca. Khác với truyện thơ, anh hùng ca, thần thoại ca... lấy kể chuyện về số phận một hay nhiều nhân vật làm mục đích, dân ca lấy tỏ bày tâm tình tác giả, lấy phô diễn nhiều tâm tư tình cảm làm mục đích. Do vậy việc xuất hiện yếu tố tự sự dưới hình thức một cốt truyện hoàn chỉnh như trên không thể là điều phổ biến trong dân ca Tày. Theo thống kê của chúng tôi, chỉ có 19 bài trong tổng số 463 bài có sự xuất hiện của yếu tố tự sự. Một con số