Điển tích, điển cố thể hiện nỗi đau bi kịch của Nguyễn Trãi.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật sử dụng điển tích, điển cố trong ức trai thi tập của nguyễn trãi (Trang 56 - 67)

Nghệ thuật sử dụng điển tích, điển cố trong ức trai thi tập của nguyễn trãi.

2.2.3. Điển tích, điển cố thể hiện nỗi đau bi kịch của Nguyễn Trãi.

Có thể thấy điển tích, điển cố thể hiện tâm hồn nghệ sĩ ít ỏi bao nhiêu thì điển tích, điển cố phản ánh nỗi đau bi kịch của Nguyễn Trãi lại phong phú bấy nhiêu. Dường như bi kịch xảy đến với ông thường xuyên trong cuộc đời nên thơ ông giai đoạn nào cũng nhuốm màu bi kịch. Trong tổng số

156 điển tích, điển cố vận dụng trong ức Trai thi tập có tới 59 điển tích,

điển cố nói về bi kịch cuộc đời, chiếm 37,82%. Ngay cả những bài thơ thể hiện tâm hồn nghệ sĩ, nói về cảnh đẹp thiên nhiên cũng phần nào chất chứa nỗi niềm của một kẻ cô trung.

Bi kịch trong tâm hồn Nguyễn Trãi có nguyên nhân bắt nguồn từ mâu thuẫn trong con người luôn có tấm lòng lo cho nước, cho dân:

Bui có một niềm chăng nỡ trễ, Đạo làm con liễn đạo làm tôi.

(Ngôn chí I)

nhưng Nguyễn Trãi không thể làm tròn hai chữ trung và hiếu vì nhiều lí do khác nhau.

Bi kịch cuộc đời thể hiện trong ức Trai thi tập chính là tấm gương phản ánh bi kịch cuộc đời Nguyễn Trãi. Trong đời Nguyễn Trãi cảnh thuận thì ít, cảnh nghịch thì nhiều. Sáu mươi hai năm tuổi đời của bậc khai quốc công thần là một chuỗi dài bi kịch. Trong cuộc đời Nguyễn Trãi chỉ khoảng thời gian ngắn từ lúc ông giúp Lê Lợi dẹp giặc ngoại xâm và bước đầu xây dựng đất nước là loé sáng. Còn những khoảng thời gian khác toàn là buồn, buồn triền miên. Trước khi tham gia khởi nghĩa với Lê Lợi là nỗi buồn của con người có chí lớn nhưng bị giam hãm không thể vùng vẫy cho thoả chí ấy, còn sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa chống Minh, nhất là ở khoảng thời gian cuối đời, Nguyễn Trãi xung đột gay gắt với bọn quyền thần bất tài nhưng xảo quyệt, gian nịnh. Điều dáng buồn hơn nữa, đấng chí tôn Nguyễn Trãi thờ, trong chiến trận chủ tôi sát cánh, trong cuộc sống đời thường khi đã ngồi trên ngôi cao lại đa nghi hết chim bẻ ná. Còn ông vua sau này cũng là người dễ dao động bị bọn gian thần che mắt. Những điều ngang trái, khắc nghiệt ấy của hoàn cảnh đã ngăn cản bước đường vi chính của con người ôm giấc mộng vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn, thậm chí còn gây nguy hại đến cả tính mệnh cụ và gia đình, dòng họ.

Sau khi đỗ Thái học sinh, làm quan với triều Hồ được vài năm triều Hồ mất, đất nước loạn lạc, bản thân Nguyễn Trãi cũng lênh đênh trôi dạt như cánh bèo nổi: Vạn tử tàn khu nhẫu nhất sinh (Muôn chết nay còn một sống tàn). Nhìn vào gia đình, bà con, anh em họ hàng, quê hương bản quán không còn ai. Cha và em bị bắt đưa sang Trung Quốc, quê hương xa vời, tiết thanh minh đến lòng Nguyễn Trãi day dứt:

Thập niên thân cựu tận tiêu ma. (Thanh minh) Dịch thơ:

Mả mồ nghìn dặm khôn thăm viếng; Thân cựu mười năm thảy rụng rơi.

Bao nhiêu đau đớn đẩy dồn nhưng Nguyễn Trãi vẫn không hề nao núng, ông vẫn đau đáu nhớ lời cha dặn nơi cửa ải Nam Quan xưa: phải rửa nhục cho nước, trả thù cho cha mới là đại hiếu. Cũng vì lời dạy giữ lòng trung hiếu ấy nên khi chưa tìm được minh chủ, ông bỏ ngoài tai mọi lời dụ dỗ, mua chuộc của kẻ thù:

Bất lai tự nghĩ đồng Vương Thức,

Tỵ loạn chung đương học Quản Ninh.

(Ký cữu Dịch trai Trần công) (Không đến những tưởng giống như Vương Thức, Tránh nạn rốt cuộc nên học Quản Ninh.)

Vương Thức là người Trung Quốc đời Hán, làm thầy dạy Xương ấp Vương. Xương ấp Vương nối ngôi, vì hoang dâm nên bị phế, vua sai sứ giả đến hỏi sao thầy học không biết can, Vương Thức trả lời rằng dạy mấy trăm bài Kinh Thi đó là can rồi nên được khỏi tội, sau được dùng làm bác sĩ, bị Giang Công làm nhục đã cáo bệnh xin miễn quan về nhà. Còn Quản Ninh cũng là người Trung Quốc, đời Hậu Hán, tránh loạn Hoàng Cân sang Liêu Đông, người đi theo rất đông, ở thành ấp, đem Thi Thư dạy học, triều đình gọi không về. ở đây, Nguyễn Trãi ví mình như Quản Ninh, Vương Thức không ra làm quan, vì lúc ấy mà ra làm quan là làm tay sai cho giặc. Nguyễn Trãi giữ mình để tìm minh chủ.

Khi tham gia khởi nghĩa, Nguyễn Trãi ví mình như cánh chim bằng biển bắc vượt chín vạn dặm liền. Khi thành công, trở về triều đình ông vẫn nhiệt tình đem chí tiên ưu, hậu lạc của mình ra giúp đời:

Bình sinh độc bão tiên ưu niệm, Toạ ủng hàn khâm dạ bất miên.

(Hải khẩu dạ bạc hữu cảm) Nghĩa là:

Riêng ta mang một nỗi niềm tiên ưu mãi, Chăn lạnh khoanh ngồi thức sáng đêm.

Thế nhưng trong thời bình, Nguyễn Trãi bị nghi ngờ, muốn dốc lòng giúp vua mà cũng hết đất thi thố tài năng, bị đẩy vào hoàn cảnh éo le về không được, ở không xong. Chứng kiến cảnh bon chen nơi cửa quan mà Nguyễn Trãi không khỏi rùng mình ghê tởm:

Nhãn trung phù thế tổng phù vân; Oa dốc kinh khan nhật Tấn Tần.

(Mạn thành I) (Xem ra cuộc thế thảy mây bèo; Tần Tấn sừng sên chuyện chán phèo.)

Luận ngữ có câu: Bất nghĩa như phú thả quý, u ngã nhi phù vân, nghĩa là làm việc bất nghĩa được giàu sang đối với ta chẳng khác gì đám mây trôi nổi trên đời. Văn học cổ dùng phù vân, phù thế với nghĩa coi thường mọi sự giàu có, sang trọng ở cõi đời, Nguyễn Trãi cũng dùng với nghĩa ấy. Còn Tấn Tần là điển về hai nước thời Xuân Thu ở Trung Quốc thường đánh nhau luôn, ví như hai nước Man và Xúc ở hai sừng con ốc sên nói trong Sách Trang Tử. Bản thân coi sự giàu sang là đám mây nổi không có nghĩa gì, nên khi chứng kiến cảnh tranh giành, xâu xé lẫn nhau của các thế lực trong triều, Nguyễn Trãi không khỏi cảm thấy ghê tởm.

Bản thân Nguyễn Trãi cũng có lúc bị cuốn theo vòng xoáy của cuộc đua tranh ấy, có lần đã bị bắt và tống giam. Trong Than oán ông tỏ lòng băn khoăn:

Ngục trung độc bối không tao nhục; Kim khuyết hà do đạt thốn tiên.

(Trong lao lưng giấy cam mang nhục; Cửa khuyết nhờ đâu đạt một lời.)

Lấy điển từ Hán Thư (Chu Bột liệt truyện): Chu Bột là công thần của Hán Cao Tổ, lại trừ được bọn họ Lữ đang mưu cướp ngôi, lập Hiếu Văn Đế khôi phục nhà Hán, được cử làm Hừu Thừa tướng, sau về phong quốc làm Giáng hầu, bị vu là muốn làm phản nên bị hạ ngục. Bị ngục, lại bị làm nhục, Bột lấy nghìn vàng đút cho ngục lại, được ngục lại lập mưu kế giúp. Lúc thẩm vấn ngục lại viết chữ ở lưng tờ giấy án để khi cầm giấy đọc thì Bột ở trước thấy được, chữ viết ở lưng giấy sui Bột lấy công chúa là vợ của con trưởng Bột làm chứng. Nhờ thế mà Bột được khỏi tội. Qua điển cố này, Nguyễn Trãi đã nói lên nỗi oan ức của mình và mong được gột rửa. Chu Bột đã có ngục lại giúp, còn Nguyễn Trãi, ai sẽ giúp đây? Lòng tuy đau xót, uất hận nhưng biết làm sao khi bản thân trung trinh, ngay thẳng sống giữa một bầy gian thần tặc tử xu nịnh chỉ quen luồn cúi, dưới sự cai trị của một ông vua đa nghi?

Nguyễn Trãi đã có lúc phải than rằng cuộc đời cũng chỉ như một giấc mộng kê vàng:

Kim đỉnh đơn thành nhân dĩ khứ;

Hoàng lương mộng giác sự nan tầm. (Đề Ngọc Thanh quán) (Đỉnh vàng nấu thuốc xong người tiên đi mất; Kê vàng giấc mộng tỉnh thì việc cũng khó tìm.)

Cuộc đời chỉ như giấc mộng kê vàng nên ông mong được lên núi tu tiên, luyện đan, sống vui vẻ với chim kêu vượn hót, với am nhỏ suối reo.

Thậm chí, bi quan hơn nữa có lúc cuộc đời, đời người chỉ còn là cái thừa của giấc mộng kê vàng: Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư (Ngẫu hành - Ngẫu nhiên làm). Theo sách Chẩm trung kí đời Đường ghi rằng: có Lư Sinh đến trú ngụ ở thành Hàm Đan, gặp đạo sĩ là Lữ ông. Lư Sinh than vãn về cảnh khốn cùng của mình, Lữ ông bèn lấy trong túi ra một cái gối bảo: Gối đầu lên đây, con sẽ được vinh hiển như ý con muốn. Khi đó người chủ trọ đang nấu một nồi cháo kê. Lư Sinh gối đầu lên chiếc gối mà ngủ, mộng thấy mình lấy được vợ đẹp, thi đỗ tiến sĩ, làm quan to, đánh phá được quân giặc, làm tể tướng mười năm, sinh con đông con cháu và sống đến 80 tuổi. Chợt tỉnh mộng, thấy nồi cháo kê nấu vẫn chưa chín. Lư Sinh ngạc nhiên nói: Có lẽ mình nằm mộng chăng? Lữ ông cười nói: Việc đời thì cũng như mộng vậy thôi. Điển này cho thấy sự vinh hoa phú quý ở đời cũng chỉ như một giấc mộng. Điều đó bộc lộ thái độ chán chường đối với cuộc đời. Tất cả chỉ trôi qua chóng vánh như một giấc mộng thôi, vậy mà người ta đua chen, kèn cựa ngấm ngầm hại nhau chỉ vì những vinh hoa phù phiếm ấy. Lòng Nguyễn Trãi không khỏi day dứt khi nghĩ đến cuộc đời, đến sự bon chen xung quanh mình.

Cuộc đời chỉ như giấc mộng kê vàng mà số phận con người cũng chỉ như búi cỏ bồng trôi nổi: Thiên địa vô cùng thán chuyển bồng (Trời đất vô cùng thán chuyển bồng). Nguyễn Trãi có lúc như trách cứ bản thân:

Ta dư cửu bị nho quan ngộ; Bản thị canh nhàn điếu tịch nhân.

(Đề Canh ẩn đường của Từ Trọng Phủ) (Thân ta bị cái mũ nhà nho đánh lừa đã lâu;

Vốn ta là người cày (trong) thanh nhàn, câu (trong) hiu quạnh.)

Trong câu thơ này, Nguyễn Trãi đã vận dụng điển nói về Đỗ Phủ, một người đời Đường, nổi tiếng nhưng khổ suốt đời. Trong bài thơ Phụng tặng Vi tả thừa Đỗ Phủ có câu: Nho quan đa ngộ thân, nghĩa là: Mũ nhà nho lầm mình nhiều. Nguyễn Trãi khẳng định mình là một người vốn thích ẩn dật nhưng suốt đời lại phải đội cái mũ nhà nho không thay đổi được. Câu thơ như chua xót, tiếc than cho bản thân mình.

Thất bại, chán nản trong chốn quan trường, Nguyễn Trãi nghĩ đến cha già, lòng ông sắt lại:

Tử phần thương nhớ khôn khuây được; Trung hiếu xưa nay há khác nhau. Nguyên phiên âm là:

Gia sơn thục bất hoài tang tử;

Trung hiếu hà tằng hữu cổ câm (kim).

(Đề Hà hiệu uý Bạch vân tư thân)

Cây tử tức cây thị và cây phần cũng gọi là cây du, người ta thường lấy để ví với quê nhà nơi cha mẹ ở. Thơ Tiểu biền- Kinh Thi có câu: Tang dữ tử tất cung kinh chi (Kia cây dâu với cây tử tất phải cung kính), ý nói dâu và tử là những cây do tay cha mẹ trồng ở quanh nhà, người làm con phải biết quí trọng nó. Đúng như qui luật tâm lí chung của con người, thất bại mất mát trên bước đường công danh lại đưa ta trở về với quê hương, cha mẹ mong nhận được những lời an ủi. Nguyễn Trãi hướng về cha như mong muốn nhận được một lời động viên cổ vũ, một lời khuyên nhủ dặn dò. Nguyễn Trãi nhớ đến cha lúc này còn là nỗi lòng canh cánh lời dạy của cha năm xưa: sự nghiệp phò vua giúp nước. Nhưng sự nghiệp mà Nguyễn

Trãi canh cánh trong lòng ấy liệu có còn cơ hội để thực hiện không khi trong triều đình ông chẳng còn đất để dụng võ nữa?

Có những lúc chán nản thật sự, ông muốn học theo Tô Đông Pha hay Lý Bạch đi tu tiên, ngao du khắp chốn không chú ý gì đến sự đời nữa. Có lúc ông đã về vui giữa chốn núi rừng, suối mát ở Côn Sơn, coi cuộc sống của Đổng Trác, Nguyên Tái, Bá Di, Thúc Tề…, coi sự có và không cũng chẳng bằng cuộc sống an nhàn của bản thân. Nhưng đó không phải là cuộc sống thực của Nguyễn Trãi. Tô Đông Pha nói:

Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn

(Đời người biết chữ lại nhiều lo lắng hoạn nạn)

Cuộc đời Nguyễn Trãi lại càng đúng bởi ông suốt đời chỉ canh cánh mối lo cho lương dân, cho xã tắc. Tuy đã cáo quan về quê rồi, Nguyễn Trãi đâu có thanh nhàn thực sự, ông vẫn đau đáu nhớ đến nước như Trọng Ni thiếu vua ba tháng đã thấy lòng không yên. Càng không được trọng dụng như trước nữa ông lại càng lo lắng cho đất nước:

Mỗi thán bách niên đồng quá khách;

Hà tằng nhất phạn nhẫn vong quân.

(Mạn hứng I)

(Thường than trăm năm cõi đời như khách qua đường; Chư bao giờ từng một bữa ăn mà không nhớ đến vua.)

Đỗ Phủ chưa bao giờ từng quên vua trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Nguyễn Trãi cũng vậy. Cho nên khi được vua Lê Thánh Tông vời ra làm quan, Nguyễn Trãi đã vui mừng nhập thế như con ngựa già còn ham rong ruổi, để đến mắc nạn, rơi vào bi kịch bị tru di tam tộc.

Như vậy, cuộc đời Nguyễn Trãi êm đềm rất ít, sóng gió rất nhiều. Thế nên bi kịch trong lòng ông cũng bộc lộ rất nhiều cung bậc. Từ nỗi buồn của người băn khoăn chờ thời đến lòng day dứt của kẻ cô trung luôn lo cho

dân, cho nước đến nỗi đau đớn của người phải chứng kiến cảnh triều đình chia bè, chia phái… Tất cả những điều đó được bộc lộ sâu sắc qua việc vận dụng các điển tích, điển cố của Nguyễn Trãi.

Kết luận

1. Sử dụng điển cố là một trong những biện pháp nghệ thuật đặc thù trong sáng tác văn chương, là kho tàng ngôn ngữ được tích luỹ từ trí tuệ, văn hoá lịch sử, lao động của loài người. Điển cố, với một hình thức cô đọng, ngắn gọn nhưng hàm chứa một nội dung ý nghĩa sâu xa được rút ra từ các câu chuyện lịch sử, truyền thuyết, thần thoại hay các lời văn, lời thơ của người đời trước. Điểm nổi bật của điển cố là khi đọc câu thơ, câu văn có sử dụng điển cố người đọc có thể liên tưởng ngay đến hình ảnh, nội dung, cốt truyện, các nhân vật, tên sách… và rút ra bài học ý nghĩa của nó, sau đó kết hợp với hoàn cảnh sử dụng của câu thơ, câu văn để hiểu toàn bộ ý nghĩa của người viết muốn thể hiện qua câu thơ, câu văn ấy.

2. Với 156 lượt điển tích, điển cố sử dụng trong ức Trai thi tập, Nguyễn Trãi đã thể hiện một vốn hiểu biết phong phú, một vốn sống dồi dào và chứng tỏ một tài năng uyên bác. Nguyễn Trãi qua tác phẩm của mình đã có đóng góp quan trọng cho lĩnh vực hoàn thiện ngôn ngữ thi ca, đặc biệt là văn học chữ Hán Việt Nam ở thời kì này.

3. Tuy nhiên trong khuôn khổ hạn hẹp của một khoá luận tốt nghiệp, do hạn chế về kiến thức cũng như kinh nghiệm nghiên cứu khoa học của bản thân nên vấn đề chưa được đi sâu khai thác trọn vẹn, các số liệu thống kê mới chỉ là bước đầu, cách phân loại cũng vậy, chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Chúng tôi mong muốn nhận được sự đóng góp ý kiến bổ sung của các thầy cô giáo và những người yêu thích thơ văn Nguyễn Trãi, yêu thích ức Trai thi tập để đề tài này được hoàn thiện, phát huy được tính tích cực của nó trong nghiên cứu và giảng dạy văn chương.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật sử dụng điển tích, điển cố trong ức trai thi tập của nguyễn trãi (Trang 56 - 67)