Sử dụng linh hoạt trong việc dẫn điển.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật sử dụng điển tích, điển cố trong ức trai thi tập của nguyễn trãi (Trang 38 - 41)

Nghệ thuật sử dụng điển tích, điển cố trong ức trai thi tập của nguyễn trãi.

2.1.2.2. Sử dụng linh hoạt trong việc dẫn điển.

Bên cạnh sự linh hoạt về tần suất sử dụng, các điển tích, điển cố còn được sử dụng linh hoạt trong cách dẫn điển. Cùng một điển cố nhưng cách tác giả dẫn ra khác nhau đã nói lên tính chất linh hoạt của nó và phù hợp với hoàn cảnh cũng như mục đích sử dụng của bản thân.

Chẳng hạn câu nói: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ) của Phạm Trọng Yêm- một danh sĩ đời Tống ở Trung Quốc được Nguyễn Trãi dẫn ra 3 lần, nhưng khi thì nói là Tiên ưu:

Bình sinh độc bão tiên ưu chí; Tạ ủng hàn khâm dạ bất miên.

(Hải khẩu dạ bạc hữu cảm) Nghĩa là:

Bình sinh một mình ôm cái chí lo trước thiên hạ; Ngồi ôm chăn lạnh không ngủ suốt đêm.

(Đêm đậu thuyền ở cửa biển) Hoặc:

Nuỵ ốc thê thân kham độ lão; Thương sinh tại niệm độc tiên ưu.

(Mạn hứng II) tức:

Nhà nhỏ nương mình có thể qua được tuổi già; Vì dân đen thường để dạ, một mình ta lo trước.

(Hứng chơi II) Cũng có khi tác giả dùng Hậu lạc:

Hậu lạc tưởng tri chung hữu ý;

(Thứ vận Trần thượng thư đề Nguyễn bố chánh thảo đường)

Vui sau tưởng cũng biết rút cuộc là có ý; Hãy đem sự nghiệp trọn đời mà xem.

(Hoạ vần Trần thượng thư đề thảo đường của Nguyễn bố chánh)

ưu là nói đến sự ưu ái, nỗi lo lắng, còn lạc là nói đến sự hưởng thụ.

Tiên ưu – nỗi lo lắng, ưu ái trước tiên, hiện hữu trước tất cả. Còn hậu lạc

chỉ sự hưởng thụ bao giờ cũng đi sau. Điều này thể hiện Nguyễn Trãi là con người hành động, không bao giờ thoả mãn với những gì mình làm được. Có lẽ suốt đời ông, chưa khi nào hoàn toàn mãn nguyện với những điều đã làm cho đất nước.

Hay điển cố nói về giấc mộng dưới gốc cây hoè của Thuần Vu Phần: Theo Dị văn lục, Thuần Vu Phần nằm ngủ dưới gốc cây hoè, mộng thấy mình bay lên không trung, vào một nơi có đề chữ Đại Hoè An quốc, được quốc vương nơi ấy cho làm chức quận thú đất Nam Kha. Tỉnh dậy, thấy mình nằm dưới gốc cây hoè, dưới cành phía nam; bên cạnh chỗ nằm chỉ có một con kiến chúa. Lúc bấy giờ mới hiểu rằng Hoè An quốc là một cây hoè, đất Nam Kha là cành cây phía nam, quốc vương là con kiến chúa. Với điển cố này khi thì Nguyễn Trãi dẫn là giấc Nam Kha:

Táp tải hư danh an dụng xứ; Hồi đầu vạn sự phó Nam Kha.

(Ký cữu Dịch trai Trần công) Ba chục năm hư danh có dùng làm gì?

Quay đầu muôn việc cũ đều phó cho giấc Nam Kha.

Giấc Nam Kha chỉ sự trôi chảy của sự việc những sự việc đã qua muôn việc cũ mà Nguyễn Trãi nói đến có lẽ là tất cả những gì ông đã cố

gắng làm cho đất nước cho nhân dân. Nhưng nay, những việc ấy đã trở nên vô nghĩa như giấc Nam Kha.

Và ngay trong bài thơ này, Nguyễn Trãi lại có lúc dẫn là Hoè quốc mộng:

Vãng cự không thành Hoè quốc mộng; Biệt hoài thuỳ tả Vị Dương tình.

(Việc cũ xưa đã thành giấc mộng Hoè quốc; Nhớ xa nhau ai tả được mối tình Vị Dương.)

ở đây, khi dẫn Hoè quốc mộng, Nguyễn Trãi thể hiện tâm trạng tuyệt vọng đến độ coi mọi thứ trở nên vô nghĩa. Tất cả chỉ là ảo ảnh. Điều đó thể hiện nỗi buồn của vị công thần khai quốc phải bất lực khi đứng trước cảnh đời ngang trái.

Như vậy, cùng một điển nhưng khi dẫn bằng các tên gọi khác nhau lại thể hiện những cung bậc khác nhau trong tình cảm, tâm trạng của tác giả.

Bên cạnh việc dẫn cùng một điển nhưng với cách gọi tên khác nhau như trên, Nguyễn Trãi còn rất linh hoạt trong cách trích dẫn các điển tích, điển cố. Cùng một điển tích, điển cố có lúc tác giả dùng để nói về đề tài này, có khi lại phản ánh đề tài khác. Cùng là điển Càn khôn xuất phát từ hai quẻ trong Kinh Dịch. Càn tượng trưng cho đức tính kiên cường; trời, vua, cha, chồng, con trai là tượng của quẻ càn. Khôn tượng trưng cho đức tính nhu thuận; đất, bầy tôi, mẹ, vợ, con gái là tượng của quẻ khôn. Văn học cổ thường dùng càn khôn để chỉ trời đất, vũ trụ. ở đây, Nguyễn Trãi dùng càn khôn để bày tỏ tình yêu thiên nhiên:

Thiên lãi ngữ thu kinh thảo mộc; Ngọc thằng đê bán chuyển càn khôn.

nghĩa là:

Tiếng sáo trời báo tin thu khiến cây cỏ kinh động;

Sao Ngọc thằng xuống thấp ở Ngân Hà, càn khôn chuyển vần. Nhưng ở bài khác, Nguyễn Trãi lại vận dụng điển cố này để nói lên tâm sự buồn của người anh hùng sau chiến trận bị lãng quên:

Chỉnh đốn càn khôn tòng thử liễu; Thế gian na cánh sổ anh hùng. Tức:

(Chỉnh đốn càn khôn từ đó là xong;

Thế gian lại có đếm xỉa gì bực anh hùng nữa.)

Đề kiếm- Đề gươm

Tóm lại, qua khảo sát có thể thấy việc sử dụng điển tích, điển cố của Nguyễn Trãi rất đa dạng, phong phú và linh hoạt. Đa dạng về số lượng, đề tài; phong phú, linh hoạt về tần suất sử dụng và cách dẫn điển. Tất cả những đa dạng, linh hoạt đó tạo nên sự độc đáo của riêng tác giả gọi là hiệu quả nghệ thuật sử dụng điển tích, điển cố trong ức Trai thi tập của Nguyễn Trãi.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật sử dụng điển tích, điển cố trong ức trai thi tập của nguyễn trãi (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(68 trang)