Lối phê bình giàu tính trực cảm

Một phần của tài liệu Sự nghiệp phê bình thơ của Xuân Diệu (Trang 127 - 133)

Phê bình văn học là một sự tự ý thức, là sự nhận thức cả trong lý thuyết và tình cảm về mối quan hệ giữa văn học và chính trị, văn học và dân tộc, văn học và hiện thực, văn học và những vấn đề cơ bản của một nền văn nghệ. Nhà phê bình phải cắt nghĩa, lý giải các hiện tượng văn học, bàn đến những vấn đề về bản chất, quy luật của hoạt động sáng tạo, hoạt động tiếp nhận văn học… Có nghĩa là nhà phê bình phải nói bằng lý luận. Lý luận sẽ làm cho phê bình trở nên khô khan, không dễ đi vào lòng người. ý thức được điều này, Xuân Diệu muốn làm dịu mát đi chất khô khan của những khái niệm lý luận bằng một lối phê bình giàu tính trực cảm.Trực cảm là lối phê bình có từ lâu đời, trong truyền thống bình thơ Trung Quốc. Các học giả và các thi sỹ Việt Nam cũng rất quen với hình thức phê bình này. Vào những năm đầu thế kỷ

XX nhiều phương pháp phê bình mới xuất hiện và ít nhiều ảnh hưởng tới Việt Nam, như phê bình theo ngôn ngữ học, phê bình theo lối phân tâm học, phê bình ấn tượng…Nhưng còn mới mẻ vì thế chưa thịnh hành.

Phê bình trực cảm là lối phê bình chủ quan, dùng năng lực trực quan mà tri giác, tưởng tượng, nhận biết để khám phá vẻ đẹp về ý nghĩa của thơ, mà không dùng một công cụ khoa học nào khác như: mô hình, con số thống kê, phân tích trừu tượng. Trực cảm là con đường tự nhiên đến với thơ. Chính lối phê bình này dấu ấn chủ quan của người viết, cá tính, giọng điệu của nhà phê bình thể hiện một cách rõ nét nhất đầy đủ nhất. Trong cuốn Lý luận phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX, Trần Đình Sử nhận xét: “ Phương pháp phê bình của

Xuân Diệu thiên về chủ quan, trực cảm”[15, 748]. Bản thân Xuân Diệu cũng quan niệm, con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất, đến với người đọc là con đường đi thẳng từ trái tim đến trái tim; đôi khi có được cái linh cảm, cái trực giác mách bảo người ta sẽ bất ngờ chú ý đến những yếu tố không lường trước được và cũng không thể cãi nhau lý lẽ được, vì chẳng có lý lẽ gì cả mà chỉ có xúc cảm. Phê bình trực cảm là lối phê bình xuất phát từ trực giác, từ những cảm nhận chủ quan. Khi nói bình giảng của Xuân Diệu giàu tính trực cảm, chúng tôi đã tìm thấy ở ông có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan trực giác và lý thuyết khoa học, giữa trực giác nghệ thuật và tư duy lý luận.

Biểu hiện chính của lối phê bình trực cảm là nhà phê bình phải phát huy khả năng tưởng tượng để khám phá vẻ đẹp của tác phẩm. Đọc văn phê bình của Xuân Diệu ta nhận thấy ông là một nhà phê bình có trí tưởng tượng kỳ diệu và cực kỳ phong phú, với khả năng ấy Xuân Diệu đã gọi dậy từ những dòng chữ lặng câm thế giới nghệ thuật của tác phẩm và đằng sau đó là chân dung tinh thần của nhà văn. Đúng như Trần Đình Sử nhận xét: “Xuân Diệu khôngchỉ phân tích, phê bình,

thưởng thức, mà thật sự góp phần sáng tạo lại các tác phẩm bằng trí tuệ uyên bác và sức tưởng tượng phong phú của mình”[ 31]

Nguyễn Trãi có một câu thơ rất hay: Mai rụng hoa đeo bóng cách song, Xuân Diệu đã giảng bằng cách tưởng tượng để giải nghĩa

câu chữ: “Xưa nay chưa ai thấy Mai rụng hoa đeo và viết ra trong thơ; những cánh trắng hoa mai lả tả rụng từ cành trên và vương đeo ở cành dưới, trông thấy qua song; có thể hiểu là hoa mai đến lúc rụng lại tạo ra một vẻ đẹp mới và không chịu rơi rụng xuống đất” [ 11, 75 ]. Hai câu thơ theo Xuân Diệu là điển hình cho sự thành công đặc biệt với “cách viết bẻ gãy” của Nguyễn Trãi:

Tuổi cao, tóc bạc, cái râu bạc; Nhà ngặt, đèn xanh, con mắt xanh.

Lần đầu tiên giới thiệu thơ Nôm Nguyễn Trãi, vì muốn cho hai câu thơ trên đọc êm tai, Xuân Diệu đã chữa thành Tuổi già, tóc bạc, chòm râu bạc. Ngay sau đó Xuân Diệu đã gặp Ức Trai trong mộng và

nghe người chỉ giáo:

“Này đồng chí Xuân Diệu ai cho đồng chí chữa thơ tôi? Tôi già bao giờ, mà đồng chí bảo là tôi già. Đồng chí là một người cộng sản, mà đồng chí chấp nhận sự già của tâm trí à? Tôi nhiều tuổi, thì tuổi tôi nó chất lên, nó cao, chứ tuổi tôi không già…”…ôi nếu Nguyễn Trãi Tuổi già, tóc bạc, chòm râu bạc”, thì Nguyễn Trãi vừa khòm lưng bước, vừa vuốt râu một cách bùi ngùi an phận…Nguyễn Trãi không công nhận tuổi mình già mà chỉ cao thôi, và đáng lẽ câu thơ muốn đúng bằng trắc, phải là “ chòm râu bạc”, thì Nguyễn Trãi đáng tiếng bằng êm ả xuôi lơ, lại đặt tiếng trắc: cái râu bạc, tức là vừa vuốt râu, vừa hất hàm quắc mắt và lắc đầu: à nhà ngươi cứng đầu à, cái đầu ngang bướng chống lại chúng tao, chúng tao đưa ra chặt, và chặt đầu cả ba họ!- Ôi, văn chương gắn liền với tính mạng, cái râu bạc của

một, can trường ngạo nghễ đến mức bọn gian thần phải quyết liệt phủ định! Sao lại đem một chòm râu bạc tội nghiệp, thảm hại, mà thay vào” [11, 78-79 ].

Trong trường hợp này, trí tưởng tượng bay bổng của Xuân Diệu đã giúp người đọc cảm nhận được hết ý nghĩa sâu sắc của từ ngữ dùng trong câu thơ trên. Câu thơ Nước chảy âu khôn xiết bóng non, theo sự

đánh giá của Xuân Diệu đây là câu thơ “vào loại hay nhất của Nguyễn Trãi và của tiếng Việt Nam”, ông đã giảng câu thơ trên thật tỉ mỉ :

“Núi in bóng xuống lòng sông, nước sông đã chảy, thì nó đẩy cho trôi đi tất cả, đẩy rác rưởi, đẩy bọt bèo. đâỷ những cành củi nhỏ đẩy những súc gỗ to, đẩy cả thuyền lớn nếu thuyền không được neo buộc. Nó đẩy cả bóng núi in xuống dòng sông nữa, cho trôi phăng đi, nhưng nước đẩy được chút nào thì bóng núi lại in xuống lòng sông ngay tức khắc”, đây là hình tượng hùng vĩ cương liên của núi, in bóng xuống lòng sông một li một tấc không chịu xê dịch [8, 76]. Vậy là từ một hình tượng thơ vốn rất trừu tượng không dễ gì hiểu hết được, với trí tưởng tượng của mình, Xuân Diệu đã giảng giải một cách cụ thể, khiến câu thơ trở nên đơn giản và dễ hiểu đối với người đọc. Cảm nhận mấy câu thơ của Tản Đà

Lạnh lẽo hơi thu chiếc lá bay Gió đưa người cũ lại về đây.

Xuân Diệu thả hồn mình vào mạch liên tưởng so sánh:

“Gió nhẹ, lá nhẹ, mà người cũng nhẹ, bởi tấm tình hoài man mác buâng khuâng;

Bốn phương mây nước, người đôi ngả Hai chữ tương tư, một gánh sầu.

Nội tâm của nhà thơ rất đầy, vì vậy mà hai câu thất ngôn trên đây, những chữ dùng thoạt nhìn như sáo mòn, mà khi bốn mảnh ghép vào nhau, tâm tình của tác giả xuyên suốt, cho nên đọc vẫn gợi cảm;

đó không phải là thơ Tú Xương, thơ Nguyễn Khuyến, hoặc là Thơ mới.Về sau này, Thơ mới 1932- 1945 thì phải cao độ, xoắy thắt, run

lên bần bật; đây là thơ Tản Đà chứ không ai khác, những hoa quả đầu mùa của chủ nghĩa lãng mạn, lâng lâng mà đậm, có thể nói hồn thì nhẹ mà tim thì nặng” [ 8,769 ].

Thật khó phân biệt đâu là bình đâu là giảng, Xuân Diệu đã thả hồn mình đắm say hoà quyện với xúc cảm man mác lâng lâng của thi sĩ Tản Đà.

Nhà phê bình, đồng thời cũng là nhà thơ tình nổi tiếng này đã hồi hộp dõi theo mối tình Kim - Kiều, nào là đoạn Kim – Kiều gặp nhau, Kim – Kiều tương tư, Xuân Diệu đã hình dung ra bảy bước mối lái Kim – Kiều trong 283 câu thơ, từ lúc họ gặp nhau đến lúc họ thổ lộ với nhau lời yêu đầu tiên,đúng là tầng tầng, lớp lớp, hồi hộp đợi chờ, có tới có lui, có khấp khởi phập phồng đầy ắp tâm trạng [11, 177 - 181 ]. Cũng chỉ có Xuân Diệu mới có thể hình dung được dáng đi của anh chàng si tình Kim Trọng “ Cứ từng hai bước một anh: Xăm xăm- dè nẻo- Lam Kiều- lần sang, chăm chăm chúi chúi đi tìm lại cái bóng

ảnh mộng mơ, nếu có đụng trán vào cây anh cũng không biết” [ 11, 165 ]

Một yêu cầu mà các nhà phê bình nghiên cứu luôn khao khát vươn tới đó là sáng tạo lại các tác phẩm theo những bình diện mới, góc độ mới, đem đến cho bạn đọc những cách tiếp cận mới mẻ thú vị. Với trí tuệ uyên bác và trí tưởng tượng diệu kỳ của mình, Xuân Diệu không chỉ phê bình thưởng thức tác phẩm một cách thông thường ,mà ông đã góp phần sáng tạo lại các tác phẩm ấy. Chúng ta hãy lắng nghe đoạn văn Xuân Diệu sáng tạo lại thơ Xuân Hương bằng cách cảm hiểu của mình:

“Xuân Hương bực bội có một nhu cầu cần xé, cần phá, xé phá xã hội chưa được, thì Xuân Hương làm cho cảnh nhọn lên, xiên ngang

mặt đất rêu từng đám, đâm toạc chân mây đá mấy hòn; Xuân Hương

muốn một cái gì như thụi, như đánh, lắt lẻo cành thông cơn gió thốc, chứ không còn là gió thổi…Cái chân của Xuân Hương cũng muốn làm cho rách thêm cái động Hương Tích, người quen cõi phật chen chân xọc; con mắt của Xuân Hương như giương chống lên, có thể bóc trần

tất cả: kẻ lạ bầu tiên ghé mắt dòm; cái tay của Xuân Hương không

đụng vào cảnh vật một cách nông cạn; mà lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp, lách khe nước rỉ mó lam nham; đối với tai của Xuân Hương, các tiếng

động chẳng lướt qua mà nó sống lên, có khối trong không khí, gió đập cành cây khua lắc cắc- sóng dồn mặt nước vỗ long bong…Xuân

Hương nhìn sắc màu, thì những sắc màu đó phải kêu lên, phải xé ra, phải cao độ, phải là cửa son đỏ loét tùm hum nóc, hòn đá xanh rì lún phún rêu”. [ 11, 474 ].

Bằng khả năng thẩm thơ của mình, Xuân Diệu đã chủ động hoà vào người thơ, tác phẩm thơ của người xưa, như cùng “đồng sáng tạo”, cách sáng tạo đó giúp người đọc tiếp xúc, suy nghĩ, đánh giá tác phẩm một cách nguyên sơ như dạng vẻ ban đầu của nó.

Với lối phê bình trực cảm, Xuân Diệu luôn đề cao năng lực cảm thụ lấy tình yêu say sưa đầy rẫy của mình, lấy trí tưởng tượng phong phú, lấy mắt xanh tri âm tri kỷ, cái gu tinh nhạy để khám phá được nhiều phương diện tinh tế của thơ, chinh phục được chân trời sáng tạo của các nhà thơ.Từ trái tim mình, Xuân Diệu đã đem đến trái tim bạn đọc cái đẹp, cái diệu kỳ của những áng thơ hay.Tuy nhiên cũng cần phải thấy rằng phê bình trực cảm tự bản thân nó cũng có giới hạn, nếu chỉ trực cảm người ta sẽ khó lòng đi sâu vào bản chất qui luật. Có lẽ chính bởi vậy bên cạnh lối phê bình giàu tính trực cảm, Xuân Diệu cũng cảm nhận thơ có lý luận,ông dựa vào văn bản nghĩa chữ, vận dụng nhiều phương pháp phân tích so sánh, đối chiếu công phu mang

tính khoa học cao, khiến cho sự cảm thụ trực cảm chủ quan, nhưng không tuỳ tiện, mà vẫn sắc sảo vững vàng.

Một phần của tài liệu Sự nghiệp phê bình thơ của Xuân Diệu (Trang 127 - 133)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)