Đi sâu hơn nữa vào lĩnh vực phê bình, Xuân Diệu quan niệm rằng mỗi tập thơ là “một cơ thể, một sinh vật”, “một tác giả”, “một con người”, do đó trong phê bình “khen hay chê chưa quan trọng bằng cảm thông và thấu hiểu” [10, 142].Nói “khen hay chê chưa quan trọng bằng” có nghĩa là Xuân Diệu khẳng định cần thiết phải có khen chê trong phê bình văn học. Khen chê là chuyện thường tình của bất cứ độc giả nào khi tiếp xúc với tác phẩm văn học, nhưng nhà phê bình khi tiến hành công việc phân tích lí giải, đánh giá một tác phẩm, thì việc nhận xét khen chê của họ sẽ có ảnh hưởng đến cả người viết và người đọc. Bởi: “Chê thơ mà không đúng thì rất có hại, làm nản người viết. Nhưng khen thơ mà không đúng, thì cũng rất có hại, vì khuyến khích sự viết dở, và có một cái gì như là quảng cáo cho hàng không tốt , ngoài sự làm sai lạc khiếu thẩm mỹ của công chúng, còn phạm vào sự chân thật, sự thật thà” [7,207]. Ông cho rằng viết kém viết dở là điều không đáng vui, nhưng cũng là chuyện bình thường của sáng tác, còn việc đem những bài thơ viết kém, viết dở “đặt lên bục, dội đèn pha
vào và khen là hay, thì vấn đề đã khác thường rồi, đã bắt đầu nặng lên rồi”.Việc làm đó cũng giống như sự lẫn lộn mơ hồ giữa vàng thật với vàng giả, hậu quả thật ghê gớm: nó sẽ thủ tiêu văn học, bởi cuối cùng không biết thế nào là văn học nữa. Vì vậy Xuân Diệu nhấn mạnh:
“Đức tính trước tiên của một lời phẩm bình là sự chính xác, sự xác đáng” [7,205].“Tất cả vấn đề của sự đánh giá là phải xác đáng. Chê phũ phàng, chê vùi dập là không nên đối với một nền văn học mới còn trẻ tuổi; mặt khác, nói khuyết điểm mà đúng huyệt và chí tình còn làm cho tác giả có bản lĩnh khoái và cảm động hơn là một lời khen quá thặng lên…” [7,268]. “Những người sáng tác vẫn thường khao khát một sự điểm trúng huyệt; có khi chê mà rất tri âm, nghe lại khoái, như gãi đúng hộ chỗ ngứa ở sau lưng”. [10,129]. Chỉ có khen chê một cách xác đáng, phê bình mới thực sự đóng vai trò hướng dẫn dư luận bạn đọc và thúc đẩy sáng tác.Cái hay, cái khó của phê bình văn học có khi chính là ở chỗ này. Và cũng ở đây sẽ thể hiện trình độ, tài năng, bản lĩnh và cả đạo đức của Nhà phê bình. Nhà văn Nguyễn Tuân cũng đã từng phát biểu về vấn đề này:
“Phê bình thật là khó. Theo tôi nghĩ có khi còn khó hơn cả sáng tác, vì chính bản thân cái cái công tác ấy, nó rất có tính sáng tạo, và nó cần phải được như thế. làm đúng làm hay, nó có giá trị cả hai mặt : trước là đánh lui và đánh chết cái hư hỏng, cái ác; và mặt khác, nó đưa cái tốt lên, nó làm yên tâm và gây hào hứng cho những thiện chí, và nói theo tự vị kinh tế, thì nó đẩy mạnh lực lượng sản xuất, mức sản xuất và chất lượng sản phẩm”.[42,286].
Vốn đã từng tham gia ban chung khảo nhiều cuộc thi thơ, từng là chủ tịch nhiều năm Hội đồng thơ của Hội nhà văn Việt Nam, Xuân Diệu càng thấm trải cái khó khăn của việc lựa chon đáng giá. Trong hơn nửa thế kỷ, vừa là nhà thơ hàng đầu, vừa là “nhà Luật pháp” đầy uy tín của nền thơ Việt Nam hiện đại, Xuân Diệu rất quan tâm đến
việc khen chê kịp thời để động viên phong trào sáng tác và khẳng định những thành tựu mới của từng tác giả, tác phẩm. Đôi khi ý kiến của Xuân Diệu chưa hẳn đã thoả đáng, nhưng nhìn chung phần lớn đều được công chúng chờ đón, tin cậy. Ở những mức độ khác nhau, mỗi lời góp ý chân thành của Xuân Diệu, cả người đọc và người được phê bình đều lắng nghe và tiếp nhận.
Tuy nhiên để phê bình văn học thực sự trở thành người bạn đường của văn học, Xuân Diệu rất coi trọng niềm cảm thông và thấu hiểu giữa nhà phê bình và nhà sáng tác.Thấu hiểu ở đây được Xuân Diệu giải thích rõ là thấu hiểu tư tưởng lập trường đã đành, còn thấu hiểu phương pháp cấu tứ, tạo hình, bút pháp, thói quen, cá tính, lối “kiến trúc”, “dạ đẻ thơ” của một nhà thơ… nói như Hoài Thanh: “Ta đừng nói to, đừng bước nặng, hãy lắng hồn ta lại để đón lấy hồn người…chớ làm kinh động chút hồn thơ đang nương mình trong bụi cỏ lời thơ…”. Sở dĩ như vậy, bởi vì theo ông, “một niềm vui lớn mà văn học đưa đến cho tâm trí con người là sự hiểu biết, sự cảm thấu, Nếu được cảm thấu người ta sẽ sống lên gấp hai, gấp ba lần, nghĩa là khám phá thấy loài người ở trong một bản thân mình” [11,463]. Nhà phê bình thật sự bao giờ cũng giúp cho người đọc qua mỗi nhà văn, mỗi tác phẩm sẽ có được cuộc sống như vậy, chứ không phải lên lớp chủ quan bằng chủ quan của mình. Xuân Diệu quan niệm “nhiệm vụ chính của nhà bình luận, nhà phê bình không phải là lên lớp, mà giúp cho bạn yêu thơ hiểu một thời đại, một nền thơ, một nhà thơ” [11,124]. Xuất phát từ quan niệm ấy, khi tìm về văn học quá khứ dân tộc, ông luôn ý thức phải nói sao cho thấu lý đạt tình. ông tra cứu, suy ngẫm từng từ, từng câu, ông đặt bài thơ vào hoàn cảnh sáng tác, hoàn cảnh sống của từng tác giả để lắng nghe cho thấu hiểu nỗi niềm của người xưa và đưa tâm tư ấy về gần với con người hiện tại. Năm 1957, sau khi chúng ta vừa tìm lại được Quốc âm thi tập, theo nhà phê bình Hoài
Thanh, thì Xuân Diệu là người đầu tiên viết bài bình thơ Nôm Nguyễn Trãi với một nỗi niềm cảm thông sâu sắc: “Các bạn ơi! Hơn năm thế kỷ rồi thơ Nguyễn Trãi không bao giờ ngủ trong thơ Việt Nam, vời vợi cái lo âu điển hình của Nguyễn Trãi….Tóc bạc trên đầu, hoà lẫn với đêm khuya không ngủ, thơ Nguyễn Trãi thao thức một nỗi niềm gì…Người thi sỹ trước năm trăm năm, đốt tâm hồn cháy vòi vọi ở giữa trời đất…Khắc khoải như con quốc suốt một đời, cho dẫu chết rồi, lòng ưu ái của ông vẫn cứ cháy ran trên trang thơ, trong lịch sử” [33,34]. Xuân Diệu đã bộc bạch: “Năm 1957, khi Quốc âm thi tập vừa được phát hiện lại, trở về với đời sống, với chúng ta, tôi đã vui sướng vô hạn. Và bản thân tôi đã hào hứng đem ngay thơ Nguyễn Trãi vào quần chúng, giới thiệu những bài, những câu hay nhất” [11,78]. Hai mươi hai năm sau viết lại, ông nhận thấy khi đó mình vẫn chưa thật thấu hiểu, chưa biết nghe cho thủng “tiếng sấm”, cho nên không tránh khỏi lối viết sơ lược, nhiều khi tuỳ tiện. Lần thứ hai viết, Xuân Diệu đã thấy mình chín hơn: “Tôi đi theo Nguyễn Trãi, và để thơ Quốc Âm của cụ quần tôi cho tới mê mệt; tôi xin theo tác giả chứ không bắt tác giả theo tôi; tôi tìm hiểu, tìm hiểu, và tìm hiểu Ức Trai…Tôi cố gắng giữ mình đừng có tuỳ tiện gọt bớt Nguyễn Trãi để cho vào cái khung, cái khuôn mà tôi chuẩn bị sẵn theo ý tôi muốn” [11,124]. Để thấu hiểu nhà thơ Nguyễn Trãi, Xuân Diệu “phải lặn xuống cho thật sâu trong sự sống, trong tâm trí, trong sáng tạo của tác giả”[11,124]
Khi Đọc một số ca dao kháng chiến của bộ đội, Xuân Diệu đã viết:
“Tôi viết đây, chưa phải như một người phê bình văn học, cân nhắc đánh giá, mà như một người yêu mến, cảm thông- Thực ra, không phải tôi đọc, mà ở đây, tôi sống một số ca dao kháng chiến của bộ đội”[10, 173].
Sở dĩ, “khen hay chê chưa quan trọng bằng cảm thông và thấu hiểu” vì theo Xuân Diệu, phê bình thơ còn thuộc về phạm trù thẩm mỹ, cái “gout”, phạm trù khiếu thưởng thức. mỗi người phê bình có cái “ gout” riêng của mình. Người thi sĩ làm thơ với tư tưởng và tình cảm và với cả những tế bào riêng của họ. Do đó nếu không cùng nhau thấu hiểu ở một quan niệm chung, nhận thức chung, nếu không thông cảm với nhau về một chất lượng chung thì biết cãi nhau thế nào cho hết lẽ.[7, 214]
Có một thời, giữa nhà sáng tác và giới phê bình là một cái hố ngăn cách, giữa họ không có được sự “cảm thông và thấu hiểu” bởi có một số nhà phê bình chỉ dựa vào lý thuyết máy móc, giáo điều, và thực chất là không hiểu được quá trình sáng tạo nghệ thuật. Nhà phê bình thì lên mặt “dạy đời”, nhà sáng tác thì coi nhà phê bình là những “bà dì ghẻ cay nghiệt, lắm điều”.Nhà phê bình có nhiệm vụ phát hiện mặt mạnh, mặt yếu, cái được, cái chưa được, kịp thời khẳng định, biểu dương những khuynh hướng tư tưởng tiến bộ, đồng thời phê phán uốn nắn những tư tưởng lệch lạc, góp phần định hướng cho sự phát triển của một nền văn học. Đồng thời phê bình còn góp phần tạo nên công chúng độc giả cho văn học. Nhà phê bình chân chính phải là một nhà phê bình trong niềm cảm thông và khát vọng thấu hiểu, có như vậy phê bình mới thực sự là người bạn đồng hành của sáng tác, mới xứng đáng là bà đỡ cho những công trình mang nặng đẻ đau của người nghệ sỹ. Chế Lan Viên đã từng nói: “Chớ thấy mặt trời mọc lên rực rỡ ở đằng đông mà quên rằng nó đã thao thức trong suốt đêm qua ở phía bên kia chân trời”. Nỗi thao thức ấy cần một tình bạn Bá Nha - Chung Tử Kỳ, vì lẽ đó Xuân Diệu vẫn thường yêu cầu các nhà thơ, nhà văn, không được “cầu an”, nhà phê bình, người nghiên cứu cũng không thể cầu an để cùng vươn tới sự đồng điệu tâm hồn, niềm “tri kỷ” thiêng liêng trong sáng tạo nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật. Muốn thực
hiện được khát vọng cảm thông và thấu hiểu, ngoài lập trường, vốn sống, vốn kiến thức, nhà phê bình thơ còn phải am hiểu đặc điểm của sự sáng tác thơ, và cần hơn nữa là phải có con mắt xanh, biết thẩm