Khi nhà thơ đã hoà tâm hồn vào thực tại, khi người cầm bút đã sáng tác với tất cả niềm say mê của con tim, khi bài thơ đã ra đời đã kết tinh những sự sống quyện xe ấy thì nhất định nó sẽ mang vẻ đẹp của chủ thể sáng tạo. Cũng như nhiều nhà thơ khác, Xuân Diệu rất coi trọng cá tính sáng tạo trong lao động nghệ thuật. Nhiều lần ông khẳng định “tác phẩm nghệ thuật là một sản phẩm rất cá thể hoá, không thể họp những đầu, mình, tay, chân đẹp ở nhiều nơi để thành một con người đẹp được” và “hơn tất cả mọi ngành nghệ thuật nào, thơ phải
thật cá thể và cụ thể”. Xuân Dịêụ lấy từ sự vật hiển nhiên trong đời sống, không có hai người nào cá tính giống nhau dù là anh em sinh đôi, mặt mũi giống nhau, cùng chung một sự nuôi dưỡng giáo dục, đến câu chuyện người nghệ sỹ múa bậc thầy U- na- lô- va biết chú trọng cá tính học trò, để khẳng định: thơ phải rất sống, thơ phải cá thể hoá.[7, 40- 41].
Cá tính là gì ? Xuân Diệu cho rằng:“cá tính đây không phải là những khúc khuỷnh của tính nết cá nhân…ỏ đây ta muốn nói cá tính của sự sáng tạo thơ nó nằm trong quy luật biện chứng của đời sống, là cái chung phải thể hiện qua những cái riêng, riêng càng sâu thì chung càng phong phú” [7, 40]. Đó là sự in dấu của tâm hồn trí tuệ vào thơ, sự in dấu đó càng sâu sắc, càng cá thể,càng độc đáo càng hay. [7, 36]. Xuân Diệu gọi cá tính là “hương sắc tâm hồn riêng” của từng tác giả, ông ví cá tính của các nhà thơ như hương sắc riêng của từng loài hoa: “Ít nhất tâm hồn của các nhà thơ cũng phải được như sự giàu có của giới tự nhiên: trăm hoa, trăm hình,trăm sắc, trăm hương… không được như vậy thì thơ buồn lắm! Thật ra hương sắc tâm hồn các nhà thơ còn phải cá thể hoá gấp muôn ngàn lần các thứ hoa, chứ sao lại bằng với các thứ hoa !”[7, 40]
Theo Xuân Diệu cá tính có được là do chính tài năng sáng tạo, điệu cảm xúc tâm hồn của nhà thơ đã đóng được một con dấu riêng vào đời sống chung.“Những nghệ sỹ có tài đem điệu cảm xúc của mình hoà kết vào chất liệu của vấn đề đẻ ra những tác phẩm cụ thể hoá, có mang tên người làm không trộn lẫn được”.“Chính tài năng và những tìm tòi của tác giả, chính tâm hồn tác giả đóng được một con dấu riêng vào những sự vật chung” [5, 217-218].Tuy nhiên Xuân Diệu cũng lưu ý người làm thơ cá thể hoá không phải là cá nhân chủ nghĩa,nó không nên là cái lo đầu tiên của người nghệ sỹ, mà cái lo trước hết là cái lo “có bột mới gột nên hồ”, có chất sống, để rồi từ đó
mới in dấu hương sắc tâm hồn riêng của mình vào đó. Người đọc thơ và người làm thơ không đi tìm một thứ cá tính, một thứ độc đáo giả tạo, vay mượn, cố tình, lố bịch!, người yêu thơ đòi hỏi hương sắc tâm hồn riêng của tác giả phải là hữu xạ tự nhiên hương, là một sự chân thành chân thực [7, 41- 42]. Cá tính là một đặc điểm tiêu biểu của một nghệ sỹ chân chính, nói như Tuốcghênhiep
“cái quan trọng là tiếng nói của mình, là cái giọng riêng biệt của chính mình, không thể tìm thấy trong cổ họng của bất cứ người nào khác”…Chính cái giọng điệu riêng biệt, bút pháp độc đáo ấy khiến cho người ta nhớ thơ yêu thơ “thơ phải rất sống, thơ phải cá thể hoá, thơ không có cái nhọn sắc cá thể hoá của sự sống thì người ta chẳng yêu thơ” [7, 40]. “Chính cái cá tính, cái tâm hồn, cái điệu cảm xúc của những nhà thi sỹ vào trong thơ và làm cho câu thơ hàng vạn người đã dùng trong hàng nghìn năm bỗng chốc mới và trẻ ra” [5,138]. Xuân Diệu chứng minh điều đó bằng việc so sánh cách sử dụng thể thơ lục bát, một thể thơ truyền thống quen thuộc: “Những câu lục bát chẳng hạn, của những thi sĩ có tài có giống nhau chút nào đâu ? ngay lục bát của ca dao đã trăm hình ngàn vẻ rồi”. Lục bát của bà Đoàn Thị Điểm than thở hiền lành, lục bát trong Cung oán ngâm thì gò gẫm khô khan,
Nguyễn Du trong Truyện Kiều có hàng trăm điệu lục bát. Lục bát của
Huy Cận không giống chút gì với các nhà thơ cổ điển nọ, lục bát của Nguyễn Bính cũng không nhầm lẫn được với ai, đến câu lục bát của anh vệ quốc lại là một điệu mới hẳn”.Và ông nhận xét: “Những câu thơ dở giống nhau trong cái vô vị nhạt nhẽo mà thôi; những thi sỹ không làm nổi một điệu lục bát của mình phân biệt với điệu lục bát của những người xung quanh, thì cũng chưa phải là thi sĩ”
“nếu những điệu thơ đều đặn cứ giống nhau, có khác gì bảo những mặt người đều có tai có mắt có miệng như nhau, và nhìn rất chán”. [5,138].
Là nhà thơ đại biểu đầy đủ nhất cho cái tôi cá nhân, cá thể được thức tỉnh trong phong trào Thơ mới 1932- 1945, nói như Hoài Thanh đó là một cái tôi “thiết tha rạo rực băn khuăn”, Xuân Diệu định nghĩa “phong cách Thơ Mới tức là cảm xúc đầy rẫy, đồng thời với việc cá
thể hoá” [5,591]. Ông đánh giá tập thơ Từ ấy của Tố Hữu độc đáo, có cá tính sâu sắc là bởi “không nói chung chung như thơ của rất nhiều chiến sỹ khác, mà nói xuyên qua trường hợp cá thể của mình, của “tôi”. Cái tôi bao trùm hàng trăm ngàn chiến sĩ cộng sản chứ không cá nhân cô đơn; nhưng đồng thời nó là “ tôi” cảm xúc rất sâu, rất sắc, nhà thơ cách mạng tự biểu hiện mình, tâm hồn nhà thơ cách mạng tự ca hát” [5, 593].
Sự quan tâm đến yêu cầu cá thể hoá trong văn học nói chung và trong thơ ca nói riêng cũng chính là sự quan tâm đến chiều sâu vẻ đẹp nhân bản và tính hiện đại của văn học. Quan niệm của Xuân Diệu về cá tính trong thơ xuất phát từ những khách quan trong thực tiễn sáng tác và những yêu cầu của bạn đọc, nó mang tính khoa học đúng đắn.