Vẻ đẹp tâm hồn Bác trong tập thơ Nhật ký trong tù

Một phần của tài liệu Sự nghiệp phê bình thơ của Xuân Diệu (Trang 80 - 83)

Viết về thơ Bác tưởng như dễ mà rất dễ mà khó, bởi viết về một con người vô cùng kính yêu của dân tộc, thơ của Người rất đỗi quen thuộc với mọi người. Đã có nhiều nhà phê bình nhiên cứu thơ Bác, đặc biệt là tập thơ Nhật ký trong tù. Xuân Diệu đã dành một tình cảm đặc

biệt đối với thơ Bác Hồ, ông đã từng kể lại sau ngày Bác mất: “Từ ngày 25/ 09/ 1969/ đến ngày 04/ 07/ 1970, bản thân tôi đã bình 107 cuộc trước công chúng về thơ Hồ chủ tịch” “Tôi ôm thơ Bác vào lòng như một hành trang diệu kỳ vô ảnh…Trời ơi! Tôi nhớ thương Bác mà tôi đi, đồng bào các nơi nhớ thương Bác mà gọi bảo tôi đến phục vụ, tôi đi để tôi gặp Bác ở trên đất nước, ở trong tâm hồn tôi, ở trong mắt của đồng bào”. Xuân Diệu có nhiều bài viết đặc sắc về thơ Người:

Yêu thơ Bác 1966, Những cảm nghĩ khi đọc thơ Bác 1967, Đọc lại thơ

Nhật ký trong tù 1983…Nếu như Hoài Thanh tìm thấy trong tập thơ

khí thế lẫm liệt của người cộng sản, Đặng Thai Mai nhấn mạnh ý nghĩa thời đại của tập thơ, Chế Lan Viên khai thác ở tập thơ cái tầm vóc lịch sử, thì Xuân Diệu chủ yếu đi tìm vẻ đẹp tâm hồn của Bác trong tập thơ,ông khẳng định cái hay, cái giá trị của tập thơ chính là ở vẻ đẹp tâm hồn ấy “Tập thơ Nhật ký trong tù đứng vô song trong văn học nước ta, vì nó là những tiếng tâm hồn của Hồ Chủ Tịch”[ 6, 287 ]

Xuân Diệu nhận xét không phải ai đọc thơ Bác cũng dễ dàng cảm nhận được cái hay “nếu chưa nâng tâm trí mình lên đúng mức, thì chưa thấy hết cái tinh tuý ở bên trong thơ”, đó là cái khó khi viết về tập thơ. Nếu bạn đọc thơ cứ quen tìm theo thị hiếu thông thường “thích lời thơ phải hoa mỹ như cô gái đeo nhiều nữ trang. thích vị thơ

phải chua, cay, ngọt, béo, đập mạnh vào lưỡi, thì người ấy sẽ thấy thơ này bình thường quá”. Theo Xuân Diệu muốn hiểu được thơ Hồ Chí Minh cần phải có một cách tiếp cận đặc biệt “phải ở trong cái không khí cao, sáng của trí tuệ này, phải nối liền mạch với trái tim rất nhân đạo này, thì mới nhận được hết cái chất thơ quý này”, phải đọc theo lối “đối diện đàm tâm” thì mới cảm nhận được cái vị “đạm nhược thuỷ” (thanh đạm như nước) của tập thơ. [6, 287]. Với cách tiếp cận ấy ông phát hiện Nhật ký trong tù sử dụng “bút pháp phóng viên”, ngòi bút ghi nhanh và sắc, đồng thời “tâm trí tác giả lại luôn luôn xúc cảm”, và đằng sau cái xúc cảm lại thường “Che dấu sau một nụ cười”, có lẽ vì vậy “trào phúng là áo mặc, trữ tình là thực chất” của tập thơ. Chất trữ tình ấy chính là “tình người ở trong nhà cách mạng, nhà tư tưởng, nhà chiến lược, chiến thuật Hồ Chí Minh” [6, 292- 293]. Chứng kiến người bạn tù đắp chăn bằng giấy Hồ Chủ Tịch viết hai câu thơ trần trụi mà xót xa:

Sách xưa sách cũ bồi thêm ấm

Chăn giấy còn hơn chẳng có chăn.

“Một vài câu thơ giản dị như thế, mà sâu thăm thẳm một lòng nhân đạo, rắt mực yêu thương trân trọng con người” [6, 291]. Bằng lời bình giản dị mà chân thành xúc động, Xuân Diệu đã lấy những bài thơ

Một người tù cờ bạc vừa chết, Cháu bé trong nhà lao Tân Dương, Người bạn tù thổi sáo, Nửa đêm, Thanh minh…để chứng minh,giúp cho người đọc một lần nữa thấm thía tấm lòng yêu thương trân trọng con người của Bác, nó làm “xáo trộn mọi tâm hồn” người đọc. Xuân Diệu đánh giá “đó chính là cái chất lớn của thơ Nhật ký trong tù”,

Đọc Nhật ký trong tù trong một niềm Yêu thơ Bác vô hạn Xuân Diệu có những phát hiện rất thú vị “tâm trí đã ở trong cái không khí thơ Hồ Chủ Tịch, tâm hồn đã thở được cái hương đạo đức của Bác, lĩnh hội được cái chất người cộng sản của Bác, thì sẽ không phải là

đọc từ thơ, rồi tìm thấy Bác, mà sẽ tới được gần Bác và thấy từ Bác mà toả ra thơ. Lúc đó mỗi lời sẽ thấm thía vô hạn. vì lời nào cũng mang tính chất tâm hồn của Bác. Khi đó những lời thơ thanh đạm nhất cũng phảng phất thơm như hương lúa đồng quê” [6, 297]

Ngày đi, bạn tiễn đến bên sông,

Hẹn bạn về khi lúa đỏ đồng; Nay gặt đã xong cày đã khắp, Quê người tôi vẫn chốn lao lung.

Xuân Diệu còn tìm thấy vẻ đẹp tâm hồn của Bác- một tâm hồn nghệ sỹ lớn tài hoa phong nhã- trong những câu thơ viết về thiên nhiên. Ông nhận xét: “Nhật ký trong tù có rất nhiều câu thơ mang một lòng yêu sông núi cảnh vật rất thấm thía, tao nhã” [6, 623]. “Cũng nhiều người nói về tình yêu thiên nhiên trong thơ Bác, nhưng Xuân Diệu đã có một cách hiểu thấu rất sâu xa, đã nghe bằng tình cảm tinh tế của mình: Bác là người tài hoa phong nhã, Bác là một nghệ sỹ lớn khi tiếp xúc với thiên nhiên” [17, 102]

Theo Xuân Diệu“bút pháp tự nhiên, hồn nhiên, như là rất dễ viết ra” là bút pháp chủ yếu mà Bác sử dụng trong Nhật ký trong tù, ông lý giải “cái đơn giản tự nhiên này là kết quả của một sự nắm rắt vững ngôn ngữ, hiểu rất sâu chất thơ, hiểu cách tác động thâm thuý nhất vào tâm hồn người: tác động bằng sự chân thật” [6, 298]. Quả đúng v ậy thơ Bác giản dị mà thâm thuý sâu xa, “có những câu thơ có thể coi là quá giản dị, nhưng tại sao tôi đọc đi đọc lại, vẫn cứ thấy một cái gì trong đó mà mình chưa rút hết được” [6, 298]. Xuân Diệu lấy ví dụ bài Cảnh chiều tối:

Hương hoa bay thấu vào trong ngục, Kể với tù nhân nỗi bất bình.

Xuân Diệu rất quý những câu thơ như thế này, nó không phải là gợi cảnh nữa mà “gợi được cái khí sống trong trời đất” [6, 298- 299]. Bình bài Vào nhà lao huyện Tĩnh Tây, Xuân Diệu liên hệ với bài thơ Độc Toạ Kính Đình sơn của Lý Bạch, “bài thơ của Lý Bạch hai mươi chữ, lưa thưa bốn câu mấy nét, mà sao vựơt được hơn một nghìn hai trăm năm để đến với ta ngày nay…Như thế là trong bài thơ có một chất gì đó mà mọi người cảm thấy trong mười hai thế kỷ; cho hay những bài thơ ưu việt có cái chất ngoài lời, có cái chất “như-là-chẳng- có-gì” mà có-thật-nhiều” [6, 301]. Cái chất “như-là-chẳng-có-gì” mà có-thật-nhiều ấy Xuân Diệu cũng tìm thấy trong hai câu thơ của Bác: Mây mưa mây tạnh bay đi hết;

Còn lại trong tù khách tự do.

“Cũng ung dung mấy thứ cũng bay đi hết, duy còn lại người tự do ở trong tù! Cái khí vị của bài thơ thật là kỳ thú; có lẽ trong tù chúng nó đã giam nhầm núi Kính Đình sơn hay núi Tản Viên! Càng nghĩ càng yêu quý bài thơ, càng kính sợ con người tự do ấy! Nghĩ sâu thì thấy như thế, nhưng vẻ ngoài bài thơ thì nhẹ nhàng như không” [6, 301]. Đây chính là ví dụ nhắc lại cho người đọc một khái niệm điển hình về “sự đơn giản của thơ hay”.

Một phần của tài liệu Sự nghiệp phê bình thơ của Xuân Diệu (Trang 80 - 83)