Từ lâu, Nguyễn Khải đã được chú ý bởi cái độc đáo của cá tính sáng tạo. Nhà văn sớm định hình cho mình một phong cách riêng và ngày càng tỏ ra có bản lĩnh nghệ thuật. Ở Nguyễn Khải, người ta thấy nổi bật lên cái nhìn hiện thực tỉnh táo. Ngay từ những năm rất trẻ của nghề cầm bút, Nguyễn Khải đã có một quan niệm rõ ràng về thiên chức của văn học. Ông cho rằng: "Tác phẩm văn học là một mảnh của đời sống chung, phải tham gia tích cực vào
cuộc đấu tranh cho sự nghiệp chung". Cũng từ đó, Nguyễn Khải có một niềm
tin mãnh liệt lấy văn học làm vũ khí chiến đấu và đem hết sức mình góp phần tích cực vào việc xây dựng cuộc sống.
Lấy mảnh đất hiện thực làm đối tượng phản ánh, ngòi bút của Nguyễn Khải luôn cố gắng đi vào mọi ngõ ngách của đời sống để tìm ra cái chân lý, cái sự thật ở bề sâu cuộc sống. Với con mắt sắc sảo của mình, nhà văn phát hiện rất nhanh các vấn đề của hiện thực cuộc sống ở những nơi tưởng như êm đềm, phẳng lặng thậm chí có vẻ tốt đẹp nữa. Chính vì thế, hiện thực trong truyện ngắn Nguyễn Khải luôn là một hiện thực "có vấn đề", mà nếu không có cái nhìn hiện thực tỉnh táo và một thái độ nghiên cứu, phân tích thì khó mà có thể phát hiện ra được. Nguyễn Khải viết liên tục, mà hầu như trong tác phẩm nào nhà văn cũng đặt ra được vấn đề có ý nghĩa thiết thực đối với con người và cuộc sống đương thời.
Ở truyện ngắn trước thời kỳ đổi mới, Nguyễn Khải luôn nhìn cuộc sống ở thế bổ đôi, phân cực: tốt - xấu, hay - dở, sáng - tối, tích cực- tiêu cực. Cái nhìn hiện thực nghiêm ngặt, tỉnh táo đã giúp cho nhà văn phát hiện và nắm bắt rất nhanh các vấn đề đời sống. Tuy nhiên, đặc điểm này vừa là thế mạnh nhưng cũng lại là hạn chế trong cái nhìn nghệ thuật của nhà văn. Đọc truyện ngắn Nguyễn Khải, nhiều lúc chúng ta có cảm tưởng, nhà văn xây dựng tác phẩm không phải trên cơ sở hình tượng nghệ thuật mà là trên cơ sở vấn đề. Nhà văn luôn cố gắng tìm cho ra vấn đề có ý nghĩa chi phối đến con người và cuộc sống, rồi ông lo giải quyết bằng được vấn đề mà mình đặt ra chứ ít quan tâm đến việc phải làm sao bằng những hình tượng sống, bằng những con người có thịt có da, có cuộc đời riêng gắn với những cuộc đời chung của xã hội, dựng lên các bức tranh nghệ thuật sinh động mà từ những bức tranh đó toát ra được những điều anh muốn nói. Nhà văn đến với con người và cuộc sống trước tiên bằng lý trí, bằng sự phân tích mổ xẻ để tìm ra cội nguồn và những lý do tồn tại của nó chứ chưa phải hoàn toàn bằng sự yêu ghét của trái tim. Cho nên nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Khải thời kỳ đầu ít nhiều còn phiến diện, một chiều và hiện thực cuộc sống chỉ được khai thác dưới một
góc cạnh, một vấn đề nào đó chứ chưa phải là một cuộc sống nguyên vẹn, bề bộn nhiều mặt với cả truyền thống và lịch sử, cả phong tục tập quán lẫn sắc thái địa phương, với sự vận động của nhiều nhân vật, nhiều thế hệ, gia đình qua nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đúng như sau này ông từng thú nhận rất thành thật: "Cuộc sống chỉ còn lại là những mục đích mà mất đi những quá trình. Từ cái mục đích cao cả ấy mà tạo ra những mẫu người, tạo ra những tình tiết, tạo ra nhịp điệu cho tác phẩm. Sự sống đã bị chỉ huy, đã bị quy định nên không còn là sự sống nữa. Nó lạnh lẽo, tẻ nhạt, mất đi mọi bất ngờ, mọi
quyến rũ. Nó là cái bã của cuộc sống. Và mọi thứ bã đều giống nhau..."
(Nghềvăn cũng lắm công phu).
Trong văn học thời kỳ đổi mới, có rất nhiều nhà văn viết về cuộc sống từ thời điểm hiện tại, từ "ngày hôm nay", nhưng cách nhìn thì lại khác nhau. Nếu Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến tranh đã lấy ngày hôm qua làm một điểm tựa để nhìn lại quá khứ, xem xét lại quá khứ thì Nguyễn Khải lại tắm mình trong cái ngày hôm nay để nhìn về chính nó. Sự khác biệt giữa họ mà ta có thể nhìn thấy là: "Tiểu thuyết của Bảo Ninh là "tiếng gọi" (Kunđêra) của kí
ức, của thời quá khứ còn đa phần sáng tác của Nguyễn Khải là "tiếng gọi"
của thời hiện tại, hay nói một cách khác đi chính là cái ngày hôm nay đang
cất lời" [27,tr.45]. Và ngay cả khi tắm mình trong không khí của ngày hôm
nay thì cái nhìn của Nguyễn Khải cũng không giống với cái nhìn của Ma Văn Kháng. Ở Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú... Ma Văn Kháng đối diện với cuộc sống hiện tại từ một "ô cửa" như gia đình, ngôi trường, khu chung cư... trong mối quan tâm về giá trị chân chính của cuộc sống con người. "Ông tái hiện thế giới ngày hôm nay trong sự khủng hoảng
sâu sắc của những giá trị đạo đức, nhân cách truyền thống" [27,tr.46]. Còn
Nguyễn Khải lại quan tâm đến những vấn đề tư tưởng của con người thời đại: "Ông tập trung tái hiện sự va đập của các luồng tư duy, tư tưởng của con
người trên một lát cắt hiện đại... Chính thông qua cái "mô măng" ấy, Nguyễn
Khải đã cho người đọc nhìn thấy sự chuyển động của cái ngày hôm nay"
[27,tr.46].
Có thể thấy, Nguyễn Khải thường chọn cho mình mảng đề tài mang tính chất thời sự nóng bỏng. Những vấn đề đặt ra trong tác phẩm luôn là những vấn đề của cuộc sống hôm nay. "Nhà văn có một cái nhìn nhạy bén, thấu suốt vào một số những mặt chủ yếu, những vấn đề khá phức tạp của cuộc sống" [8,tr.53]. Chính bởi cái nhìn nhạy bén đó, mà ông đã phát hiện ra nhiều điều mới mẻ, nhìn đâu cũng thấy người lạ, chuyện lạ. "Vẫn là đất nước mình mà thêm một bước đi là một bước lạ. Vẫn là con người Việt Nam mà mình gặp thêm một người lại tưởng như buộc mình phải hiểu lại chút ít về con
người" (Hai ông già ở Đồng Tháp Mười). Khéo léo năng động và nhạy bén,
ông bám sát từng bước đi của đời sống, tìm kiếm khám phá lý giải các vấn đề của đời sống từ chính "cái hôm nay ngổn ngang, bề bộn". Hiện thực nhiều vẻ đã trở thành "mảnh đất phì nhiêu" cho ngòi bút ưa kiếm tìm mâu thuẫn và xung đột của Nguyễn Khải thả sức tung hoành.
Khảo sát số phận con người trong những biến thiên của thời thế là cảm hứng của nhiều cây bút thời đổi mới và đã có những tác phẩm gây được dư luận sôi nổi trong đời sống văn học: Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu);
Kẻ sát nhân lương thiện (Lại Văn Long); Phố, Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai);
Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh); Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp)... Nguyễn Khải bằng những chiêm nghiệm riêng đã góp vào nền văn học Việt Nam thời đổi mới những trang viết giàu sức ám ảnh về mối quan hệ giữa con người và thời thế.
Soi chiếu con người dưới nhiều góc độ khác nhau, Nguyễn Khải muốn nêu bật lên triết lý về vai trò của thời thế để từ đó mở thêm một tầng sâu cho cảm hứng nhân văn. Đứng từ điểm nhìn hiện tại nhà nhà nhìn về quá khứ
bằng cái nhìn hiện thực tỉnh táo để chiêm nghiệm những hay - dở, đúng - sai, được - mất của một thời đã qua, từ "cái thời lãng mạn" đến "cái thời gió bụi". Khảo sát truyện ngắn của Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới, chúng tôi thấy nhà văn đề cập nhiều đến vấn đề thời thế, đến tâm trạng của con người trước sự đổi thay đến chóng mặt của thời thế. Có thể dẫn ra rất nhiều ví dụ cho thấy Nguyễn Khải nhiều trăn trở, băn khoăn và lo âu trước những đổi thay của thời thế:
- Một xã vùng biển và một anh nhà văn của thành phố lần đầu tới đó, hai
bên xa lạ nhau hoàn toàn mà thân phận sao lại giống nhau đến thế. Bởi cả
hai đều do thời thế tạo nên. Thời thế đổi thay, cả hai đều lâm vào vận bĩ,
chưa biết sẽ thoát ra bằng cách nào (Anh hùng bĩ vận).
- Mới biết thời thế đã đổi thay, một đời người là ngắn ngủi. Đã ngắn lại
còn những mơ mộng hão huyền, những tham vọng vớ vẩn, những việc làm vô ích và buồn cười nên lại càng ngắn. Lúc khôn ra, tỉnh ra, hiểu ra thì già mất rồi...(Cái thời lãng mạn).
- Khốn nỗi cái tuổi trẻ hôm nay với tuổi trẻ của bọn tôi lại khác nhau
quá nhiều vì thời thế đã thay đổi (Anh hùng bĩ vận).
Nguyễn Khải luôn nhìn thời thế trong sự vận động: thời trước - thời sau, thời xưa - thời nay, thời đã qua - thời đang tới:
- Trong cuộc đổi thay số phận của nhiều cá nhân sẽ rất bi thảm, nhưn g
số phận của cộng đồng thời sau bao giờ cũng hơn thời trước... cười lên để
tiễn biệt một thời đang qua và đón chào một thời vừa tới cho dẫu cái thời
đang tớiấy không phải là thời của mình (Anh hùng bĩ vận).
- Tôi là người anh hùng của một thời đã qua, bọn họ cũng là những anh
hùng của thời bây giờ, hai thời rất khác nhau, có gặp cũng khó nói chuyện
- Nhưng cái thời mình khác, cái thời họ khác, nghĩ ngợi và hành động
không còn giống nhau, tưởng tượng về nhau cũng khó, nên rất lạ (Cái thời
lãng mạn).
- Phải đến lúc đó anh mới thấy hết cái ranh giới phân chia giữa tuổi trẻ
với tuổi già, giữa cái thời sống cho mình, cho xã hội với bao nhiêu là mộng
mơ giả thật với cái thời chỉ còn biết sống cho con cái, một lũ con, ngoài ra
không còn hy vọng nào khác, niềm vui nào khác (Cái thời lãng mạn).
Giữa hai thời là một khoảng cách khó san lấp bởi "hai thời rất khác nhau", thậm chí trái ngược nhau. Mỗi thời đều có cái hay, cái dở của nó. Cái dở của thời xưa - đó là một thời "chỉ buồn thôi. No ăn mà buồn. Không phải lo nghĩ mà lại buồn. Ngày ngày đều giống nhau, một đời người như ngắn đi rất nhiều vì không có những bất ngờ, những may rủi, không có những thăng trầm" [16,tr.14]. Nhưng cái hay của thời xưa ấy là tình nghĩa, tình ngườ i, "cái
nền nếp, cái trật tự" của con người. Còn thời nay- "thời gió bụi" đó là cái thời
" vội làm giàu, vội làm sang". Cái thời nay "thay đổi nhiều thứ quá, ngày nào cũng có một cái gì đó vừa thay đổi hoặc sẽ thay đổi, những thay đổi lớn ngoài xã hội và cả những thay đổi nhỏ trong các mối quan hệ vốn bất di bất dịch từ
nhiều đời người" [19,tr.409]. Thời hiện tại trong cách đánh giá của nhà văn,
đang là "thời các giá trị cũ đã đánh mất tính tuyệt đối. Còn những giá trị mới
thì loè nhoè, bảo là phải cũng được mà bảo là trái cũng được" (Chúng tôi và
bọn hắn). Nhiều nhân vật đã bị mất phương hướng trước những biến động tự phát của thời cuộc, và ngay cả các nhà văn, nhà báo "cũng đang bị tình thế
mới dắt kéo như những tên nô lệ" [16,tr.32]. Bởi trong cái thời hiện tại: "Đồng
tiền vừa là đầy tớ, vừa là ông chủ, vừa là bạn đường vừa là giặc cướp" (Nếp
nhà) và "đồng tiền lớn chỉ huy đồng tiền bé". Cuộc sống hiện tại quả là xô bồ, thậm chí có lúc tàn bạo, vì thế Nguyễn Khải không ngại ngần công khai lên án nó. Tuy nhiên, nhà văn cũng nhận ra rằng, thời thế hiện tại vẫn có cái gì đó
hợp lý và thiết thực hơn. Chính vì vậy, ngẫm nghĩ về thời thế để buồn cho thân phận của mình đang thất thế, đang lâm vào vận bĩ, dù vậy con người ở đây vẫn nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận sự thật: "Trong cuộc đổi thay số phận của nhiều cá nhân sẽ rất bi thảm, nhưng số phận của cộng đồng thời sau bao giờ cũng hơn thời trước. Hãy cười lên hỡi nhà văn hay ưu tư và sầu muộn, cười lên để tiễn biệt một thời đang qua và đón chào một thời vừa tới
cho dẫu cái thời đang tới ấy không phải là thời của mình" [16,tr.22].
Cái cảm giác "như đã sang hẳn một kiếp khác" là cảm giác có thật của một nhà văn đã sống sâu sắc, sống hết mình với con người và cuộc đời. Và vì thế mà buồn.
Nhân vật của Nguyễn Khải phần lớn là những người già, những người cùng thế hệ với nhà văn; những người đã sống qua một thời chiến tranh nay chiêm nghiệm lại "thời vàng son" của họ, nên buồn cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng buồn mà không tuyệt vọng, mà vẫn tỉnh táo để phân tích nhận ra cái hay cái dở của mỗi thời, để lựa chọn một cách sống, một niềm tin mà vượt lên hoàn cảnh.
Viết về hiện thực của cuộc sống đời thường ngày hôm nay, Nguyễn Khải đã có một cái nhìn hiện thực tỉnh táo trước những đổi thay của cuộc sống thời hiện tại, một cuộc sống xô bồ, bộn bề, đầy biến động phức tạp. Mọi giá trị của cuộc sống đã bị đảo lộn trong cơn sóng gió của nền kinh tế thời mở cửa: "Thời buổi kinh tế thị trường không thể sống bằng nhân, bằng nghĩa như thời còn chiến tranh, bây giờ đã sống là phải thủ đoạn, phải vị kỉ mới bảo vệ
được bản thân và gia đình". Đến lúc này, "cái nhân nghĩa, cái danh dự chỉ
còn là chuyện ngày xưa, chuyện của các cụ'. "Bây giờ người ta chỉ nhắm rượu
với cái danh cái lợi thôi, với người sang hoặc người có tiền thôi" (Lạc thời).
Trong buổi giao thời đầy nhốn nháo đó, ở đâu cũng chỉ nghe đến chuyện kiếm tiền, buôn bán, làm ăn, thủ đoạn, mánh khoé. Đồng tiền đã trở thành
thước đo của mọi giá trị, thước đo của mọi thước đo, thành cây gậy chỉ huy mọi thứ. Cha mẹ, anh em, vợ con... tất cả đều quay quắt vì đồng tiền như: vợ chồng Bảy (Sống giữa đời), hai người con của ông Tú (Một thời gió bụi), Quắc (Sống giữa đám đông), Hiền (Tiền)... Lộc - một vị giám đốc năng nổ tháo vát đã phát biểu như sau: "... Danh nghĩa là thế, còn thực chất vẫn là tiền
chỉ huy. Đồng tiền lớn chỉ huy đồng tiền bé" (Chúng tôi và bọn hắn), đó là
cái thứ "thuế đời" của thời buổi bây giờ. Thế hệ trẻ tôn sùng vào giá trị của đồng tiền mà quên đi hết thảy truyền thống lịch sử, những giá trị đạo đức nhân phẩm của con người. Thế hệ trẻ hôm nay hoàn toàn đối lập với quá khứ, họ bỏ quên và thách thức với quá khứ của chính mình. Quan niệm của thế hệ trẻ là: "Ở đời phải làm cho người ta sợ mình, cần mình chứ đừng mong mỏi thương mình. Thời này làm gì có chuyện tình cảm mà yêu với chả thương"
(Một thời gió bụi).
Nguyễn Khải, người vừa bước chân ra khỏi cuộc chiến tranh với bao nhiêu dự định, hy vọng ở tương lai tươi sáng của dân như chợt "sững" lại trước đổi thay chóng mặt của cuộc sống. Tất nhiên người già bao giờ cũng thích ứng với sự thay đổi chậm chạp và khó khăn hơn lớp trẻ, dù sự đổi thay ấy là hợp quy luật. Nhưng với Nguyễn Khải và cũng chưa có ai như Nguyễn Khải lại trăn trở nhiều, day dứt nhiều về đồng tiền đến thế.
Theo thống kê của chúng tôi, đã có rất nhiều lần nhà văn phải kêu lên trước sự tác oai, tác quái của đồng tiền:
- Bọn họ khinh rẻ của lắm. Họ không tin ai cả, càng không tin có lòng tốt
ở trên đời. Họ chỉ tin có tiền. Tiền là quân của họ...
- Đồng tiền vừa là đầy tớ, vừa là ông chủ, vừa là bạn đường vừa là giặc
cướp... (Nếp nhà).