Vài nét về Nguyễn Khải và hành trình sáng tác của nhà văn

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong truyện ngắn của Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới (Trang 28 - 32)

Nguyễn Khải tên khai sinh là Nguyễn Mạnh Khải. Ông sinh ngày 3 tháng 12 năm 1930 tại Hà Nội trong một gia đình quan lại, nhưng ông không được thừa hưởng cái giàu sang, no đủ của gia đình mình do thân phận là con của vợ lẽ. Chính vì thế mà tuổi thơ Nguyễn Khải đã phải trải qua nhiều phen khốn nhục, sống trong sự ghẻ lạnh, khinh bỉ của gia đình, họ hàng, thậm chí của cả người cha đẻ ra mình. Từ bé đến năm 15 tuổi, Nguyễn Khải chưa một lần được nhìn rõ mặt cha, một ông quan tri huyện. Lúc nào gặp cha, Nguyễn Khải cũng khúm núm, len lén, sợ hãi như một kẻ có tội. Ông sống với mẹ và em trai trong cuộc sống tẻ nhạt và thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm. Cha Nguyễn Khải làm quan, nhưng chỉ là một ông quan tri huyện đã hết thời nên chẳng thể "trợ cấp" được gì cho cuộc sồng khốn quẫn của ba mẹ con Nguyễn Khải thoát khỏi cảnh đói nghèo. Nguyễn Khải sớm phải lăn lộn giữa đời để kiếm sống, nuôi mẹ và nuôi em. Có thể nói, chính những trải nghiệm cay đắng, đầy éo le, tủi nhục đó khiến cho cuộc đời cũng như văn chương của ông sớm có đặc điểm riêng. Đó là sự hiểu đời, hiểu người, là sự khôn ngoan, tỉnh táo, là tình cảm, yêu ghét, khinh trọng rạch ròi. Và cũng từ sớm, ông đã có một giọng văn trải đời.

Năm 17 tuổi, Nguyễn Khải cùng mẹ và em về thị xã Hưng Yên sống với gia đình một người họ hàng bên ngoại. Ở đây, ông gia nhập đội dân quân tự vệ Hưng Yên. Năm 1949, nhờ viết bài cho tờ báo dân quân Hưng Yên mà ông được điều lên làm phóng viên cho tờ báo này. Đến năm 1956, ông chuyển hẳn

công tác về tờ Sinh hoạt văn nghệ của Tổng cục chính trị (từ năm 1957 là tạp chí Văn nghệ Quân đội). Cuộc đời viết báo, viết văn của Nguyễn Khải bắt đầu từ đó. Là một nhà văn- chiến sĩ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, Nguyễn Khải có một quan niệm hết sức đúng đắn về vai trò, sứ mệnh của văn học nghệ thuật. Ông là người rất có ý thức dùng ngòi bút của mình làm vũ khí chiến đấu phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc và góp phần xây dựng cuộc sống mới. Điều đó trước hết thể hiện ở việc ông luôn là người đi tiên phong, tìm đến những vùng đất nóng bỏng, gian khổ và đầy sôi động của đất nước. Ông nổi tiếng là người chịu khó đi thực tế. Bước chân nhà văn đã đặt tới nhiều miền đất nước: Một vùng nông thôn công giáo toàn tòng, một nông trường Điện Biên ở miền Tây Bắc xa xôi, một hợp tác xã tiên tiến, một hòn đảo anh hùng kiên cường trong chiến tranh phá hoại... Ông miệt mài đi và miệt mài viết.

Có thể nói, Nguyễn Khải là người có sức mạnh tinh thần to lớn, có khả năng làm việc bền bỉ với một bút lực phi thường. Văn của ông càng viết càng duyên, "cái duyên dáng dân dã chứ không phải làm điệu, làm dáng mà có" (Vương Trí Nhàn).

Tác phẩm đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của ngòi bút hiện thực - Nguyễn Khải là tác phẩm Xung đột. Đó là kết quả chuyến thâm nhập thực tế của nhà văn về vùng đạo gốc thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, khoảng cuối năm 1956, khi Đảng ta tiến hành sửa sai cải cách ruộng đất và bắt đầu cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp. Với một nhãn quan chính trị nhạy bén, nhà văn đã ghi lại cuộc đấu tranh quyết liệt của cán bộ, bộ đội và nhân dân ta - cuộc đấu tranh gay gắt, căng thẳng, phức tạp - chống lại bọn phản động đội lốt tôn giáo nổi lên chống phá cách mạng. Không chỉ phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp, Xung đột còn là bức tranh sinh động về đời sống nông thôn vùng công giáo toàn tòng. Với những trang viết nóng hổi hơi thở của

cuộc sống đầy phức tạp và sôi động, với những nhận xét sắc sảo, tinh tế,

Xung đột đã báo hiệu một "phong cách văn xuôi hiện thực tỉnh táo đầy hứa hẹn" (Phan Cự Đệ).

Tiếp theo Xung đột là hàng loạt tác phẩm của Nguyễn Khải viết về những vấn đề thời sự của cuộc đấu tranh giữa hai con đường để tiến lên CNXH ở miền Bắc như Mùa lạc, Đứa con nuôi, Người trở về, Tầm nhìn xa, Chuyện người tổ trưởng máy kéo, Anh đội phó và người thợ mộc, Hãy đi xa hơn nữa... Nguyễn Khải hăm hở đến nông trường Điện Biên, mảnh đất Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc, nơi ngày đêm đang diễn ra công cuộc lao động, xây dựng CNXH - gieo mầm xanh trên những bãi chiến trường đẫm máu năm xưa. Ông viết về một cuộc sống mới đang được dựng xây, về tình yêu, sự đổi thay và trách nhiệm của con người trong xã hội mới. Nhà văn đến với nhân vật bằng tình yêu thương và thái độ trân trọng, vừa ca ngợi con người nhưng cũng lại khám phá thế giới tinh thần vốn phức tạp để cải hoá con người. Nguyễn Khải đi sâu vào miêu tả công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta. Thời kỳ này, cả miền Bắc là một công trường lớn, đâu đâu cũng thấy xuất hiện những cá nhân tiên tiến và những tập thể anh hùng. Khắc hoạ thành công những cá nhân tiên tiến là những điển hình cho những con người mới trong xã hội XHCN là bước đi quan trọng của Nguyễn Khải giai đoạn này. Ngòi bút của Nguyễn Khải không chỉ ca ngợi một chiều mà ông đã sớm nhìn ra cái phức tạp, khó khăn của cuộc sống. Bên cạnh những cái tốt đang sinh thành thì còn cả những điều xấu xa, tiêu cực và ông đã phê phán nó một cách quyết liệt. Đó là y tá Giao trong Một cặp vợ chồng với lối sống cá nhân vị kỉ; đó là tổ trưởng Khôi trong chuyện Người tổ trưởng máy kéo

tuy tháo vát, thông minh, có thành tích nhưng thiếu hẳn lòng tin yêu con người, hay cái nhìn hạn hẹp ranh ma, lúc nào cũng chăm chắm lo vun vén tư hữu kiểu nông dân cá thể như lão Tuy Kiền trong Tầmnhìn xa...Những tác

phẩm thời kỳ này của Nguyễn Khải đều hướng tới một câu hỏi lớn: Làm thế nào để con người được giải phóng ? Làm thế nào để con người có tự do hạnh phúc ? Khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, Nguyễn Khải đã có mặt ở những nơi nóng bỏng của cuộc chiến đấu. Đến với các chiến sĩ ở đảo Cồn cỏ, nhà văn cho ra đời thiên ký sự Họ sống và chiến đấu. Những chuyến đi đến với các chiến sĩ công binh đang trấn giữ một địa điểm cực kỳ ác liệt ở trường Sơn, ông viết Đường trong mây. Vào đất lửa Vĩnh Linh, đến với những con người xông pha mọi hiểm nguy để đưa hàng tiếp tế ra Cồn cỏ, nhà văn viết

Ra đảo. Ông viết Chiến sĩ khi đi chiến dịch Đường Chín - Nam Lào, viết

Tháng ba ở Tây Nguyên khi tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam. Nguyễn Khải là nhà văn mặc áo lính nên khi viết về những người anh hùng, ngòi bút của ông đầy hào hứng và nhiệt huyết. Cuộc chiến tranh ác liệt của nhân dân và quân đội ta được ông phản ánh rõ nét vào trong những tác phẩm thời kỳ này. Âm hưởng chủ đạo của tác phẩm Nguyễn Khải cả giai đoạn này là ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng và ca ngợi những con người sống có lý tưởng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, cả dân tộc hân hoan bước vào một chặng đường lịch sử mới. Sự nhạy bén giúp Nguyễn Khải khám phá ra một hiện thực mới mẻ - hiện thực cuộc sống miền Nam sau ngày giải phóng. Các tác phẩm: Cách mạng, Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người... đề cập đến những thay đổi của cuộc sống sau chiến tranh, nhất là đổi thay trong nhận thức, tư tưởng, tình cảm của những con người vốn đã gắn bó với chế độ Sài Gòn cũ.

Tác phẩm của Nguyễn Khải giai đoạn này chuyển từ tính ham tranh luận sang chiêm nghiệm, triết lý. Có lẽ tuổi đời và sự từng trải đã làm cho suy nghĩ của nhà văn "già" đi, văn của ông theo đó cũng có những chuyển biến trong tư tưởng và trong phong cách viết. Sự chuyển biến ấy thể hiện sự vận động

của ngòi bút Nguyễn Khải và cũng nằm trong sự vận động của cả một nền văn học trước và sau đổi mới. Tuy nhiên, sự chuyển biến của phong cách Nguyễn Khải là thống nhất, không đứt đoạn.

Đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới, sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường đã đem lại nhiều biến chuyển lớn lao cho xã hội. Nguyễn Khải vẫn tiếp tục đi và viết. Dù đến với nhiều miền đất lạ hay trở lại những mảnh đất mà ông đã từng qua, Nguyễn Khải đều khắc khoải với những con người, những số phận đau khổ, éo le trong cuộc sống xô bồ hiện tại. Ông ghi lại những đổi thay nhanh chóng của đời sống, nói lên những trải nghiệm của cá nhân, những suy nghĩ về thời gian, về giới hạn của cuộc đời, về khả năng vượt qua những giới hạn đó ở mỗi con người, mỗi thế hệ. Nguyễn Khải bắt nhịp nhanh với hơi thở của cuộc sống hiện tại, nhiều truyện ngắn của ông thời kỳ này đã phát hiện nhiều vấn đề nhân sinh ẩn giấu sau những cuộc đời, những quan niệm về đạo đức truyền thống, lợi ích kinh tế, giá trị đồng tiền...:

Cái thời lãng mạn, Hai ông già ở Đồng Tháp Mười, Anh hùng bĩ vận, Người kể chuyện thuê, Tiền, Chúng tôi và bọn hắn...So với những sáng tác thời trẻ, truyện ngắn của Nguyễn Khải thời kỳ này đằm thắm, bao dung hơn trong cách nhìn đời, nhìn người.

Men theo thời gian chúng ta đã phác hoạ chặng đường nghệ thuật hơn nửa thế kỷ cầm bút của đời văn Nguyễn Khải. Ông là nhà văn của lý tưởng, của những triết lý nhân sinh, của những khát khao vô tận được sống để sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn chương đích thực phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc cũng như nhiệm vụ xây dựng con người mới cho xã hội.

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong truyện ngắn của Nguyễn Khải thời kỳ đổi mới (Trang 28 - 32)