Ba huyện, thị của tỉnh Tuyên Quang có những khu vực bằng phẳng, có những khu vực đồi núi nhiều và có ruộng nước xen kẽ. Địa hình cũng là yếu tố liên quan đến đặc điểm dịch tễ của bệnh. Vì vậy, chúng tôi đã điều tra tình hình tiêu chảy của bê nghé theo kiểu địa hình khác nhau. Kết quả về tỷ lệ bê nghé tiêu chảy theo địa hình được trình bày ở bảng 3.5.
Bảng 3.5: Tỷ lệ bê nghé mắc tiêu chảy theo địa hình Địa hình Số bê nghé kiểm
tra (con)
Số bê nghé
tiêu chảy (con) Tỷ lệ (%)
Bằng phẳng 401 75 18,70
Đồi núi xen
ruộng nước 505 117 23,17
Tính chung 906 192 21,19
Trong 401 bê nghé chăn thả ở những vùng có địa hình bằng phẳng, có 75 bê nghé tiêu chảy, chiếm tỷ lệ 18,70%. Trong 505 bê nghé điều tra ở những khu vực đồi núi xen ruộng nước, số bê nghé tiêu chảy là 117 con, chiếm tỷ lệ 23,17%. Tính chung, tỷ lệ bê nghé tiêu chảy ở cả 2 loại địa hình là 21,19%.
So sánh tỷ lệ tiêu chảy giữa hai kiểu địa hình chúng tôi thấy tỷ lệ bê nghé ở vùng đồi núi xen ruộng nước mắc tiêu chảy cao hơn rõ rệt so với vùng bằng phẳng (P < 0,001). Chúng tôi cho rằng, ở những vùng đồi núi có xen kẽ ruộng nước, bê nghé thường được thả rông theo mẹ đi ăn, nơi chăn thả trâu bò mẹ có nhiều khu vực trũng ẩm thấp. Đây là môi trường ngoại cảnh thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của vi sinh vật gây bệnh, trứng và ấu trùng giun sán. Các loại mầm bệnh này có thể bám vào vú trâu, bò mẹ, khi bê nghé bú dễ nuốt vào đường tiêu hoá, gây bệnh loạn khuẩn hoặc bệnh ký sinh trùng, từ đó gây tiêu chảy cho bê nghé.