Khái quát về hội thoại

Một phần của tài liệu Câu đố dân gian của người việt nhìn từ góc độ ngôn ngữ học (Trang 25 - 27)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.3.Khái quát về hội thoại

1.3.3.1. Khái niệm

"Hội thoại là hình thức giao tiếp thường xuyên, phổ biến của ngôn ngữ,

nó cũng là hình thức cơ sở của mọi hoạt động ngôn ngữ khác”[8,201]. Mỗi

tình huống giao tiếp khác nhau sẽ có những cuộc thoại khác nhau. Các cuộc thoại có thể khác nhau ở các điểm sau:

- Đặc điểm thoại trường (không gian, thời gian) ở đó diễn ra cuộc hội thoại. Thoại trường có thể là công cộng hoặc riêng tư. Thoại trường không phải chỉ có nghĩa không gian, thời gian tuyệt đối mà gắn với khả năng can thiệp của người thứ ba.

- Số lượng người tham gia: số lượng nhân vật hội thoại hay đối tác thay đổi từ hai đến một số lượng lớn. Có những cuộc hội thoại tay đôi, tay ba.

- Cương vị và tư cách của những người tham gia hội thoại: đặc điểm này của hội thoại rất khác nhau tuỳ theo các cuộc hội thoại. Sự khác nhau này có thể phụ thuộc vào các yếu tố như tính chủ động hay thụ động của đối tác, sự có mặt hay vắng mặt của vai nghe trong hội thoại.

- Cuộc thoại khác nhau ở tính có đích và không có đích

- Vấn đề ngữ vực

1.3.3.2. Vận động hội thoại

Bất cứ cuộc hội thoại nào cũng có ba vận động chủ yếu: sự trao lời, sự trao đáp và sự tương tác.

- Sự trao lời: là vận động mà Sp1 nói lượt lời của mình hướng về phía người nghe nhằm làm cho Sp2 nhận biết rằng lượt lời được nói ra đó là dành cho người nghe.

- Sự trao đáp: là vận động mà Sp2 nói ra lượt lời đáp lại lượt lời của Sp1. Cuộc hội thoại chính thức hình thành khi có sự trao đáp và trao nhận (tức đáp lời và nhận lời). Vận động trao đáp, cái cốt lõi của hội thoại sẽ diễn ra liên tục, lúc nhịp nhàng, lúc khúc mắc, lúc nhanh, lúc chậm, với sự thay đổi liên tục vai nói, vai nghe.

Sự trao lời và sự trao đáp có thể thực hiện bằng các yếu tố phi lời hoặc bằng lời. Thường thì hai yếu tố này đồng hành với nhau.

1.3.3.3. Cấu trúc hội thoại

Theo lý thuyết hội thoại Thuỵ Sĩ – Pháp, hội thoại là một tổ chức tôn ti như tổ chức một đơn vị cú pháp. Các đơn vị cấu trúc của hội thoại bao gồm: cuộc thoại, đoạn thoại, cặp trao đáp, tham thoại và hành vi ngôn ngữ.Trong 5 đơn vị trên, ba đơn vị đầu là những đơn vị lưỡng thoại (do hai thoại nhân tạo nên), hai đơn vị sau là đơn vị đơn thoại (do một thoại nhân nói ra).

Cuộc thoại hiểu một cách đơn giản nhất, đó là đơn vị lớn nhất bao

trùm, tính từ khi các thoại nhân gặp nhau, khởi đầu cho đến lúc chấm dứt.

Đoạn thoại là một đoạn của cuộc thoại do một hoặc một số cặp thoại

liên kết với nhau về đề tài và về đích, có tính hoàn chỉnh bộ phận để có thể cùng với các đoạn thoại khác làm cho cuộc thoại đạt đích. Cấu trúc tổng quát của một cuộc thoại có thể là: đoạn mở thoại, thân thoại, kết thoại. Tổ chức của đoạn thoại mở đầu và kết thúc lệ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh giao tiếp, mục

đích thời gian, hoàn cảnh gặp gỡ, sự hiểu biết về nhau v.v.Đoạn mở thoại phần lớn mang tính chất đưa đẩy.

Cặp thoại (cặp trao đáp) là đơn vị lưỡng thoại nhỏ nhất của cuộc thoại

do các tham thoại tạo nên. Căn cứ vào số lượng các tham thoại người ta phân loại cặp thoại thành: cặp thoại một tham thoại và cặp thoại hai tham thoại. Riêng ở cặp thoại hai tham thoại, tham thoại thứ nhất được gọi là tham thoại

dẫn nhập, tham thoại thứ hai là tham thoại hồi đáp.

Ví dụ (18): Sp1: Lan ăn cơm rồi à?

Sp2: Ừ, ăn rồi.

Tham thoại là phần đóng góp của từng nhân vật hội thoại vào một cặp

thoại nhất định. Tham thoại được cấu tạo nên từ hành vi ngôn ngữ.

Hành vi ngôn ngữ (còn gọi là hành động phát ngôn, hành động ngôn

ngữ) là hành động được thực hiện bằng các phát ngôn.

Tóm lại, lý thuyết về hội thoại được chúng tôi vận dụng để nghiên cứu đặc điểm hình thức của câu đố. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Câu đố dân gian của người việt nhìn từ góc độ ngôn ngữ học (Trang 25 - 27)