Trong điều kiện toàn cầu hoá kinh tế và sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, xu hướng mở rộng quan hệ kinh tế
quốc tế trở thành tất yếu đối với các quốc gia. Nền kinh tế nước ta không thể
khép kín mà phải tích cực mở rộng và ngày càng nâng cao hiệu quả của quan hệ
kinh tế quốc tế.
Toàn cầu hoá kinh tế và cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại tạo ra những thách thức và nguy cơ cần phải đề phòng, khắc phục; mặt khác, tạo ra cho nuớc ta những cơ hội, thuận lợi cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo con đường "rút ngắn". Đó là thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài, nhập
được các loại công nghệ hiện đại và những kinh nghiệm quản lý tiên tiến... nhờ đó, khai thác có hiệu quả các nguồn lực trong nước, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách lạc hậu so với các nước khác. Đó là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Để mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ kinh tế quốc tế, phải nâng cao sức cạnh tranh quốc tế, khai thác thị trường thế giới, tối ưu hoá cơ cấu xuất - nhập khẩu, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ kinh tế với các tổ chức và các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên phải xử lý đúng đắn mối quan hệ
giữa mở rộng kinh tế quốc tế với độc lập tự chủ, bảo vệ an ninh kinh tế quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc với kế thừa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, v.v..