II. Các giải pháp nhằm đẩy mạnh sự phát triển của bảo hiểm trách
2. Các giải pháp từ phía các công ty bảo hiểm
2.1. Không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ bảo hiểm
Nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm luôn luôn là mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp bảo hiểm khi kinh doanh trong một thị trường luôn có sự cạnh tranh quyết liệt. Chất lượng dịch vụ là nhân tố quan trọng để thu hút khách hàng, nâng cao uy tín của doanh nghiệp và để mở rộng thị trường, nâng cao tỷ lệ thị phần trong thị trường kinh doanh dịch vụ bảo hiểm thế giới. Để nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm, công ty bảo hiểm cần phải: cùng với việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng là việc nâng cao chất lượng đội ngũ các nhân viên, cán bộ
làm công tác dịch vụ với đủ các tiêu chuẩn cần thiết về đạo đức, nghiệp vụ, trình độ quản lý... ngang trình độ với các nước trong khu vực. Người làm bảo hiểm cũng phải am hiểu rõ hơn luật pháp Việt Nam trong khai thác bảo hiểm và biết tận dụng lợi thế của mình khi được Nhà nước cho phép độc quyền trong khai thác bảo hiểm, tái bảo hiểm. Đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm trách nhiệm cho người giao nhận, cán bộ bảo hiểm còn phải am hiểu một số kiến thức về giao nhận vận tải quốc tế để đảm bảo việc kinh doanh đạt hiệu quả cao. Có như vậy các công ty bảo hiểm Việt Nam mới có thể nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm dịch vụ của mình để cung ứng cho thị trường, không những trong nước mà còn tiến tới cung ứng cho thị trường nước ngoài.
2.2. Nâng cao nhận thức cho khách hàng
Việc cạnh tranh trên thị trường có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm song song cùng tồn tại và phát triển là tất yếu và cần thiết. Nó buộc các nhà bảo hiểm phải quan tâm thích đáng đến nhu cầu khách hàng cùng chất lượng dịch vụ cung cấp phải "bán thứ khánh hàng cần chứ không bán thứ mình có". Vì vậy để phát triển dịch vụ bảo hiểm trách nhiệm nói riêng cũng như để phát triển dịch vụ bảo hiểm nói chung các công ty bảo hiểm cần phải giúp khách hàng nâng cao nhận thức về bản chất và lợi ích của bảo hiểm. Cần tuyên truyền sâu rộng cho các cá nhân cũng như các tổ chức kinh tế xã hội về bảo hiểm và tác dụng của từng loại hình bảo hiểm.
2.3. Mở rộng phạm vi bảo hiểm và tăng cường các hình thức hỗ trợ bảo hiểm
Như đã nêu ở các phần trên mục tiêu cuối cùng mà loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho người giao nhận phải đạt được đó là bảo hiểm trách nhiệm cho người giao nhận vận tải đa phương thức, có nghĩa là phạm vi bảo hiểm mở rộng đến mức là bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho người giao nhận vận tải ở khắp mọi nơi trên thế giới vào mọi thời gian và mọi loại hàng hoá. Để mở rộng phạm vi như vậy đòi hỏi công ty bảo hiểm phải có đội ngũ cán bộ dày dạn kinh nghiệm không chỉ trong lĩnh vực bảo hiểm mà còn am hiểu về vận tải đa phương
thức quốc tế. Bên cạnh việc cần có đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm thì công ty bảo hiểm cần phải có khả năng lớn về tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị để nhanh chóng đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng. Với mục tiêu như vậy, công ty bảo hiểm có thể tiến hành triển khai bảo hiểm từng bước. Ví dụ, sau khi đã triển khai bảo hiểm trách nhiệm người giao nhận đối với container trên lãnh thổ Việt Nam thì tiếp theo có thể triển khai bảo hiểm đối với mọi loại hàng hoá trên lãnh thổ Việt Nam và lấy đó làm cơ sở để tiến đến việc bảo hiểm trách nhiệm cho người giao nhận vận tải đa phương thức quốc tế.
Thực tế nếu triển khai được như vậy thì lượng phí bảo hiểm thu được rất lớn, số lượng các công ty giao nhận tham gia nhiều hơn do phạm vi bảo hiểm rộng. Qua đó có thê sử dụng tiền phí bảo hiểm để đầu tư tài chính vào nhiều dự án hơn hoặc tham gia tái bảo hiểm để tăng hơn nữa uy tín cho các công ty bảo hiểm
Cùng với việc mở rộng phạm vi bảo hiểm là việc tăng thêm rủi ro cho công ty bảo hiểm. Để phân chia bớt các rủi ro về phía mình công ty bảo hiểm phải tích cực tìm kiếm đối tác thực sự tin tưởng có tiềm năng để tái bảo hiểm lại đối với những hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn và khả năng rủi ro cao. Hiện nay trên thị trường bảo hiểm thế giới có 2 tổ chức bảo hiểm lớn nhận bảo hiểm về trách nhiệm người giao nhận vận tải đa phương thức, đó là: Munich Re và TTclub. Munich Re là một tổ chức quan hệ lâu năm với BAOVIET về nhiều loại hình bảo hiểm khác. Vì vậy hiện nay trong quá trình nghiên cứu để triển khai bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho người giao nhận Việt Nam, BAOVIET đang lựa chọn giữa Munich Re hay TTclub.
2.4. Đào tạo nhân lực
Đối với ngành bảo hiểm nói chung và bảo hiểm trách nhiệm người giao nhận nói riêng, nhân sự là một vấn đề mà các chuyên gia có kinh nghiệm cho rằng các công ty Việt Nam chúng ta còn yếu. Các công ty bảo hiểm của Việt Nam rất thiếu đội ngũ nhân sự giỏi về các nghiệp vụ bảo hiểm, tái bảo hiểm cũng như nghiệp vụ quản trị kinh doanh bảo hiểm. Đặc biệt là sự yếu kém, chậm
chạp trong việc quản lý rủi ro và giải quyết sự cố cho khách hàng qua các mạng lưới công ty thành viên hay văn phòng đại diện và đại lý gây không ít sự khó chịu về tâm lý của khách hàng, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và quá trình kinh doanh của công ty.
Vấn đề nhân sự trong ngành bảo hiểm và quản trị kinh doanh bảo hiểm càng quan trọng bởi nếu có quản lý tốt, nghiệp vụ giỏi thì nhân sự của các công ty bảo hiểm Việt Nam mới tránh được nhiều tổn thất cho công ty mình trong ngành "kinh doanh rủi ro" này.
Đào tạo nhân lực về nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận tại Việt Nam thực sự là vấn đề không đơn giản bởi đây là ngành kinh doanh còn rất mới mẻ ở nước ta. Chúng ta không có nhiều tài liệu, nhiều công trình nghiên cứu có liên qua đến lĩnh vực này, không có khả năng tổ chức nhiều khoá đào tạo tập trung có quy mô lớn. Do đó, vấn đề đặt ra trước mắt đòi hỏi các công ty bảo hiểm phải tự nỗ lực thực hiện đào tạo nhân sự của công ty mình, trong điều kiện khó khăn cả về tài chính cũng như chất lượng dịch vụ bảo hiểm. Bước đầu, các công ty có thể tổ chức đào tạo các hạt nhân cơ bản, tổ chức các hội thảo liên kết, học hỏi kinh nghiệm các công ty nước ngoài, các liên doanh có hoạt động bảo hiểm trách nhiệm của người giao nhận. Từ đó tiến đến phát triển, mở rộng đào tạo rộng rãi toàn bộ đội ngũ nhân viên của công ty. Có như vậy, công ty mới có hy vọng đứng vững ngay dù chỉ trên thị trường trong nước trước sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng trong cơ chế thị trường mở như hiện nay.
2.5. Tổ chức mạng lưới thu thập thông tin
Các công ty bảo hiểm luôn luôn cần phải thu thập, nắm vững và xử lý kịp thời các thông tin có liên quan tới khách hàng, tới các đối tượng cần bảo hiểm, các nguy cơ có thể dẫn tới tổn thất. Mục đích quan trọng nhất là nhằm xem xét, ra quyết định có chấp nhận bảo hiểm hay không. Vì thực chất, kinh doanh bảo hiểm là quá trình kinh doanh rủi ro. Nếu mức độ rủi ro của khách hàng quá lớn thì việc chấp nhận đơn bảo hiểm là một việc làm quá mạo hiểm. Tuy nhiên, mức độ rủi ro càng lớn thì giá của bảo biểm (mức phí bảo hiểm) lại càng cao. Nói
cách khác, cũng như tất cả các ngành kinh doanh khác, có rủi ro cũng có nghĩa là có nhiều khả năng thu lợi nhuận. Do đó, điều quan trọng là công ty bảo hiểm có thể thu thập các thông tin có ích và xử lý những thông tin thu được một cách có hiệu quả.
Khi thống kê một số lượng đủ lớn các rủi ro theo quy luật số lớn, các cogn ty bảo hiểm có thể coi như là làm chủ được các rủi ro đó. Nói theo cách khác, tập hợp được các rủi ro đã từng xảy ra trong một lĩnh vực kinh doanh nhất định nào đó cho phép người bảo hiểm nắm được tính quy luật của rủi ro để dự đoán về số lượng, tính chất của rủi ro có thể xảy ra trong tương lai. Do đó, công ty bảo hiểm có thể dựa trên cơ sỏ kinh nghiệm của mình để có thể định ra mức phí bảo hiểm hợp lý. Mức phí bảo hiểm được quy định sao cho có thể đảm bảo cho công ty có khả năng bồi thường cho khách hàng, đồng thời vẫn đảm bảo tính cạnh tranh so với mức phí của các công ty bảo hiểm khác. càng tập hợp được thông tin có chất lượng cao về những rủi ro có thể xảy ra thì giá của bảo hiểm càng phản ánh đúng giá trị của các khiếu nại có thể có.
Bên cạnh đó, những thông tin thu thập được trong lĩnh vực mà công ty cung cấp dịch bảo hiểm còn giúp cho công ty trong việc phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra. Việc hạn chế các rủi ro có thể được thực hiện theo hai hướng. Một mặt, hiểu biết về các nguy cơ có thể dẫn tới tổn thất, công ty có thể trực tiếp có những biện pháp để ngăn chặn tổn thất xảy ra. Mặt khác, công ty có thể cung cấp dịch vụ tư vấn cho khách hàng của mình để ngăn chặn tổn thất. Khi đó, cả khách hàng lẫn công ty đều có lợi.
Thông tin có thể được thu thập từ hai nguồn chính, đó là tài liệu bên trong và tài liệu bên ngoài doanh nghiệp.
- Nguồn tài liệu bên ngoài: công ty bảo hiểm có thể thu thập thông tin từ chính các khách hàng của mình hoặc từ các nguònn tài liệu khác như: báo cáo tổng kết, thống kê về hoạt động giao nhận vận tải ở Việt Nam và trên thế giới,...
- Nguồn tài liệu bên trong: công ty bảo hiểm cần phải tổ chức một mạng lưới thu thập thông tin có hiệu quả. Điều này đòi hỏi công ty bảo hiểm phải có
đội ngũ các nhân viên có chuyên môn, nắm vững cùng một lúc cả nghiệp vụ bảo hiểm và nghiệp vụ giao nhận vận tải. Phải xử lý cập nhật thông tin một cách thường xuyên để nắm vững các hoạt động của khách hàng hiện tại, khách hàng tiềm năng, các đối thủ cạnh tranh của công ty cũng như lập kế hoạch hoạt động hợp lý cho bản thân công ty bảo hiểm. Bên cạnh đó, cần phát triển thông tin tổng hợp để rà soát lại các mục tiêu chiến lược và các biện pháp kinh doanh mới, đồng thời đánh giá mức độ thành đạt cũng như thất bại để rút kinh nghiệm.