Truyền máu tự thân

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU Pha loãng máu đẳng thể tích trên bệnh nhân phẫu thuật thay khớp háng toàn phần (Trang 25 - 27)

Truyền máu tự thân là truyền máu mà người cho và nhận máu cùng một cá thể, hay nói cách khác là lấy máu của BN rồi truyền lại cho chính BN này. Truyền máu tự thân đã được thực hiện từ những năm đầu thế kỷ XIX. Khoảng 20 năm trở lại đây, do bùng phát đại dịch HIV/AIDS (Human Immunodeficiency Virus/Acquired Immune Deficiency Syndrome) và nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường truyền máu tăng lên thì truyền máu tự thân mới

được quan tâm nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi và được coi là một trong các chiến lược bảo đảm an toàn truyền máu trên toàn thế giới [8], [17], [21], [62], [64]. Truyền máu tự thân bao gồm các phương pháp:

- Lấy máu tự thân cách quãng trước phẫu thuật (Preoperative autologous blood donation: PABD).

- Pha loãng máu đẳng thể tích (Acute normovolemic hemodilution: ANH).

- Thu gom máu trong phẫu thuật (Intraoperative cell salvage).

- Thu gom máu sau phẫu thuật (Postoperative cell salvage) [21], [64]. Trước đây, lấy máu tự thân cách quãng trước phẫu thuật được coi là “phương pháp chuẩn” của truyền máu tự thân [64], [124]. Qui trình lấy máu phải tuân theo nguyên tắc: thời gian giữa hai lần lấy máu cách nhau ít nhất 7 ngày, ngày phẫu thuật cách lần lấy máu cuối cùng 72 giờ, BN phải làm đầy đủ

các xét nghiệm sàng lọc và bảo đảm an toàn truyền máu như trong trường hợp truyền máu đồng loại [17], [21], [64]. Do đó, BN áp dụng lấy máu cách quãng trước mổ phải nằm viện dài ngày, chi phí điều trị cao, máu truyền là máu bảo quản nên chất lượng máu có thể bịảnh hưởng, nguy cơ thiếu máu sau mổ cao [17], [64], [65], [99], [137], [149], [151].

Pha loãng máu đẳng thể tích (PLMĐTT) ngay trước mổ là phương pháp lấy máu ra khỏi cơ thể BN đồng thời truyền thay thế thể tích máu bằng dung dịch keo, dung dịch tinh thể hoặc kết hợp cả hai loại dịch. Truyền lại máu cho BN khi kết thúc phẫu thuật hoặc trong mổ khi có chỉ định [45], [106], [150]. Phương pháp này có thể hạn chế mất các thành phần máu do mất máu trong mổ, đồng thời dự trữ được một thể lượng máu với số lượng và chất lượng của HC, TC và hoạt tính của các yếu tố đông máu huyết tương vẫn được duy trì [17], [21], [50], [106], [126], [142]. Pha loãng máu đẳng thể tích còn có tác dụng cải thiện quá trình oxy hóa ở mô, giảm nguy cơ tắc mạch sau mổ.

Thu gom máu trong phẫu thuật là phương pháp sử dụng hệ thống hút, lọc có chất chống đông để thu lại lượng máu chảy ra trong mổ, sau đó máu được

đưa qua hệ thống ly tâm và rửa bằng nước muối sinh lý để loại bỏ cục máu

đông, sợi fibrin, các đám tế bào ngưng kết, huyết tương và các thành phần trong huyết tương như yếu tố đông máu, protein, cytokin, Hb tự do, chỉ giữ lại thành phần tế bào máu, chủ yếu là HC. Bằng phương pháp này, tỷ lệ Hct trong mỗi túi máu có thể đạt 60-70% [72], [99], [124]. Thu gom máu trong phẫu thuật thường được áp dụng trong mổ làm cầu nối chủ vành nhưng không chạy máy tuần hoàn ngoài cơ thể, ghép động mạch chủ, TKHTP không xi măng. Một số tai biến có thể xảy ra khi truyền lại máu như tắc mạch khí, tan máu, kích hoạt phản ứng viêm hệ thống, nhiễm khuẩn. Ngoài ra, phương pháp này cần phải trang bị hệ thống máy hiện đại, chi phí vận hành cao [99], [124].

Thu gom máu sau phẫu thuật là sử dụng hệ thống máy hút, lọc máu từ

dẫn lưu rồi truyền lại cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu máu không được lọc rửa trước khi truyền lại có thể lẫn các thành phần như mỡ, mảnh vụn xương, xi măng nhân tạo, các chất vận mạch, sản phẩm thoái giáng của fibrin, Hb tự do. Những chất này có thể gây ra tác dụng phụ đối với cơ thể. Phương pháp này thường được áp dụng trong phẫu thuật CTCH như thay khớp gối, chỉnh hình cột sống. Phương pháp này cũng đòi hỏi được trang bị hệ thống máy hiện đại, chi phí vận hành cao [99], [124].

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU Pha loãng máu đẳng thể tích trên bệnh nhân phẫu thuật thay khớp háng toàn phần (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(156 trang)