Xác định giá thâu tóm một cách cẩn trọng và hợp lý

Một phần của tài liệu Thâu tóm và sáp nhập - Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các Ngân Hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thời kỳ hội nhập (Trang 85 - 88)

Việc đánh giá tiềm năng tăng trưởng của ngân hàng sau sáp nhập rất quan trọng để đàm phán giá mua. Hệ thống khách hàng của ngân hàng mục tiêu có thể sẽ không đảm bảo tính ổn định lâu dài, chất lượng của đội ngũ nhân sự của ngân hàng mục tiêu có thể không phù hợp với nhu cầu phát triển hoặc không thể đảm bảo tính bền vững. Do vậy khi đánh giá giá trị tương lai của ngân hàng sau sáp nhập phải đảm bảo ngoại trừ được hết các yếu tố rủi ro và có phòng ngừa đến sự thay đổi do các điều kiện khách quan và chủ quan.

Xác định giá thâu tóm một cách hợp lý là điều rất khó khăn do hệ thống tài chính – ngân hàng Việt Nam chịu nhiều bởi tác động của chính sách vĩ mô mang tính hành chính. Tuy nhiên, để đảm bảo đưa ra một giá mua hợp lý cho các cổ đông của ngân hàng sáp nhập thì việc hoạch định chiến lược của ngân hàng sau sáp nhập, việc lượng hóa hết được các yếu tố rủi ro trong việc điều hành ngân hàng sau sáp nhập rất quan trọng và tốn kém thời gian. Do vậy, sử dụng các sản phẩm tư vấn của các tổ chức tài chính là giải pháp khá an toàn trong việc đưa ra giá thâu tóm một cách hợp lý nhất.

Các phương pháp xác định giá trong thương vụ thâu tóm và sáp nhập ngân hàng thường áp dụng là:

Một là: phương pháp chỉ số giá trên thu nhập cổ phiếu (P/E)

Bên mua có thể sử dụng chỉ tiêu giá thị trường trên thu nhập cổ phiếu trung bình ngành ngân hàng để làm tham số tham chiếu cho việc tính giá mua của ngân hàng mục tiêu.

Cụ thể cách tính như sau:

Thu nhập trên mỗi cổ phiếu của ngân hàng mục tiêu (EPS): EPS = Lợi nhuận sau thuế/Số lượng cố phiếu lưu hành bình quân;

P/E: tham chiếu chỉ số giá trị trường trên thu nhập mỗi cổ phiếu bình quân của khối NHTMCP Việt Nam hoặc của các nước Châu Á như Malaysia, Indonesia, Thái Lan…

Giá cổ phiếu của ngân hàng mục tiêu = P/E X EPS.

Phương pháp này đánh giá được hiệu quả hoạt động của ngân hàng cũng như chất lượng của hệ thống. Tuy nhiên việc sử dụng chỉ tiêu tham chiếu sẽ không phản ánh chính xác được giá trị thực của ngân hàng mục tiêu do việc tính toàn chỉ tiêu trung bình ngành là dựa trên số liệu bình quân của toàn ngành, trong khi mỗi ngân hàng có đặc trưng riêng với những tiềm năng riêng có. Để khắc phục nhược điểm này ta có thể tham chiếu chỉ tiêu của các ngân hàng có cùng qui mô về vốn, mạng lưới hoạt động với ngân hàng mục tiêu tại Việt Nam hoặc các ngân hàng trong khu vực có trình độ phát triển tương đương như các nước Đông Nam Á.

Hai là: phương pháp chỉ số giá trên doanh thu (P/S)

Phương pháp này bắt đầu bằng cách lấy tham số tham chiếu là chỉ số giá trên doanh thu bình quân của toàn ngành ngân hàng của Việt Nam hoặc tham chiếu một số thị trường mới nổi của Châu Á như Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Cách tính như sau:

Doanh thu trên mỗi cổ phiếu = doanh thu thuần/ số lượng cổ phiếu lưu hành bình quân P/S: chỉ số giá trên doanh thu, chỉ tiêu này được lấy theo số liệu tham chiếu của chỉ tiêu trung bình khối NHTMCP Việt Nam hoặc tham chiếu chỉ tiêu P/S ngành ngân hàng của thị trường chứng khoán Malaysia, Indonesia, Thái Lan…

Phương pháp này thể hiện được qui mô hoạt động của ngân hàng tuy nhiên không phản ánh được chất lượng hoạt động của mỗi ngân hàng vì chỉ tiêu doanh thu thuần phản ánh không đầy đủ hiệu quả kinh doanh của mỗi ngân hàng.

Ba là: Phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF)

Đây là một công cụ định giá quan trọng trong thâu tóm và sáp nhập doanh nghiệp, đặc biệt là ngành tài chính ngân hàng. Mục đích của phương pháp DCF là xác định giá hiện tại của ngân hàng mục tiêu dựa trên việc ước tính dòng tiền trong tương lai.

Dòng tiền ước tính được tính bằng Lợi nhuận sau thuế + khấu hao tài sản cố định – chi phí đầu tư tài sản cố định + thay đổi vốn lưu động

Dòng tiền ước tính được chiết khấu về hiện tại theo tỷ lệ chiết khấu được tính bằng chi phí sử dụng vốn bình quân của ngân hàng (WACC)

Phương pháp này hạn chế ở chỗ là cách tính WACC, dòng tiền ước tính của ngân hàng mục tiêu phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí chủ quan của người tính. Nếu khảo sát ngân hàng mục tiêu không kỹ, không lượng hóa hết được các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng, không đánh giá hết các tác động của chính sách vĩ mô đến kết quả hoạt động của ngân hàng mục tiêu thì dòng tiền ước tính sẽ không phản ánh chính xác một cách tương đối giá trị thực của ngân hàng mục tiêu. Tuy nhiên phương pháp này lại có tính khả thi cao hơn các phương pháp khác về phương pháp luận của nó.

Do vậy để đánh giá được chính xác một cách tương đối giá trị của ngân hàng mục tiêu thì ngân hàng thâu tóm cần thiết nên sử dụng kết hợp các phương pháp định giá trên bằng cách sử dụng trọng số tỷ lệ thì sẽ đưa ra được kết quả một cách hợp lý hơn, đảm bảo tính thực tiễn cao. Chẳng hạn như áp dụng cách sử dụng trọng số như sau:

Giá cổ phiếu = Kết quả tính của Phương pháp DCF x 40% + Kết quả tính theo Phương pháp P/E x 30% + kết quả tính theo Phương pháp P/S x 30%.

Một phần của tài liệu Thâu tóm và sáp nhập - Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các Ngân Hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thời kỳ hội nhập (Trang 85 - 88)