6. Một số khó khăn, hạn chế về phát triển hạ tầng vùng ĐBKK
6.1. Đặc điểm tự nhiên không thuận lợi
Các xã ĐBKK miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới có đặc điểm địa hình bị chia cắt mạnh, núi cao, suối sâu, độ dốc lớn, hiểm trở, mùa mưa thường gây ra lũ ống, lũ quét, tạo thành dòng chảy xiết, tàn phá nhiều công trình hạ tầng quan trọng của Nhà nước đầu tư ở địa bàn này. Do vậy đối với những công trình hạ tầng của Chương trình 135 hầu hết là công trình tạm thì việc gặp rủi ro trong quá trình xây dựng cũng như trong quá trình khai thác sử dụng là khó tránh khỏi. Để hạn chế bớt tổn thất đối với những loại công trình này, nhất là công trình đào, đắp, xây dựng ngoài trời như cầu, đường,
mương máng thuỷ lợi, đường ống cấp nước sinh hoạt, chợ, ruộng mới khai hoang… thì việc lựa chọn vị trí xây dựng công trình là hết sức quan trọng. Ví dụ việc chọn tuyến để làm đường giao thông là phải chú ý hạn chế đào đắp trên sườn dốc để tránh xói lở do mưa lũ cuốn trôi, tránh đi qua dòng chảy của nước lũ, hoặc tránh những vị trí dễ bị sạt lở núi, những nơi không bảo đảm an toàn để công trình được ổn định lâu dài hơn; tuy nhiên để hạn chế nhược điểm này thì thường phải chọn tuyến đi xa hơn, khối lượng đầu tư ban đầu lớn hơn, tốn kém hơn… Nhưng để làm việc này, vấn đề đặt ra là trong quá trình chuẩn bị đầu tư phải nghiên cứu kỹ, lựa chọn phương án hợp lý; trước mắt có thể đầu tư tốn kém hơn nhưng lâu dài sẽ an toàn hơn, bền vững hơn mang hiệu quả kinh tế cao.