Nguồn nguyên liệu đầu vào (M3 Material)

Một phần của tài liệu Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của công ty cổ phần Trà Bắc tỉnh Trà Vinh (Trang 81 - 83)

PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN TRÀ BẮC

4.4.3 Nguồn nguyên liệu đầu vào (M3 Material)

Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới rất thích hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, cụ thể là cây dừa. Thêm vào đó, với thế mạnh là một trong các quốc gia có diện tích dừa nhiều đứng hàng đầu thế giới nên đây là một yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp sản xuất chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ cây dừa. Nằm tại tỉnh Trà Vinh, một địa phương trồng dừa nhiều thứ hai ở ĐBSCL, lại có khí hậu tương đối ôn hoà cho nên công ty đã có nhiều ưu thế trong việc khai thác nguồn nguyên liệu dồi dào này.

Tuy nhiên như đã phân tích ở trên, những năm trở lại đây ưu thế này không còn phát huy hiệu quả nữa bởi năng lực thu mua và sơ chế nguyên liệu của công ty đã bắt đầu bộc lộ vài hạn chế nên không cạnh tranh lại với các doanh nghiệp trong địa bàn. Thêm vào đó, nguồn nguyên liệu đã trở nên khan hiếm bởi cây dừa đang giảm khả năng cho trái, bị dịch bệnh tấn công và không được chăm sóc đúng mức. Không những dừa nguyên liệu giảm về số lượng mà còn giảm về chất lượng như trái nhỏ, không đồng đều về kích cở. Với tình hình này kèm theo sự tranh mua của các thương lái ở các nước lân cận đã làm cho giá dừa nguyên liệu tăng lên đột biến, gây ảnh hưởng đến giá thành sản xuất của công ty. Ngoài ra, về phía công ty cũng có những mặt hạn chế trong công tác dự trữ nguyên liệu, chưa làm tốt công tác liên kết với các nhà cung cấp và người trồng dừa.

Bên cạnh đó, vì giai đoạn gia công sơ chế bước đầu được công ty giao cho các hộ gia đình nên nhiều lúc không thể chủ động gia tăng năng suất, không đảm bảo được thời gian giao hàng cho công ty như kế hoạch. Nguyên nhân là do lực lượng lao động này làm việc theo thời vụ, chủ yếu là lúc nông nhàn nên đôi khi gặp phải tình trạng không đủ nhân công để làm việc. Như vậy, nếu tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn sẽ là mối đe dọa không nhỏ đối với sản xuất và xuất khẩu của công ty.

Hiện tại toàn bộ diện tích của công ty là 73.738,70 m2, gồm diện tích sản xuất và diện tích khu văn phòng, công ty gồm có 1 nhà máy sản xuất than hoạt tính và 3 xí nghiệp đặt tại các vùng nguyên liệu nhằm thuận lợi cho hoạt động sản xuất. Cơ sở máy móc, công nghệ của công ty đã tương đối hoàn thiện với mức độ tiên tiến với giá trị đầu tư khá lớn. Công ty đã có hệ thống máy chuyên dùng để sản xuất than hoạt tính được nhập về từ Trung Quốc gồm 3 lò hoạt hoá, mỗi lò có công suất 3.000 tấn/năm, hệ thống máy chuyên dùng để sản xuất xơ dừa gồm 10 máy với công suất 1.000 tấn/năm cho mỗi máy và hệ thống máy sản xuất cơm dừa sấy khô được sản xuất tại Ấn Độ gồm 2 dây chuyền, mỗi dây chuyền có công suất 2.000 tấn/năm. Ngoài ra, công ty đầu tư nhập khẩu hệ thống máy sản xuất thảm xơ dừa từ Đài Loan gồm 2 dây chuyền có tổng công suất là 1.000.000 m2/năm. Hàng năm công ty đều quan tâm đến công tác nâng cấp, sửa chữa và cải tiến các thiết bị sản xuất nhằm tăng năng lực sản xuất, cụ thể như năm 2010, tổng vốn đầu tư cải tạo nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị mới lên đến 11.665,317 triệu đồng. Đối với nhà máy sản xuất than hoạt tính, cho đến nay công ty đã đại tu hoàn toàn lò hoạt hoá số 2 và mở rộng lò hoạt hoá số 3, nâng tổng công suất sản xuất lên 3.500- 4.000 tấn/năm. Thêm vào đó, cuối năm 2010, công ty bắt đầu khởi công xây dựng kho than hoạt tính trên 1.000m2 để chứa thành phẩm và cơ giới hoá hệ thống đóng gói bao Jumbo 500kg. Đối với cơm dừa sấy khô, công ty đã áp dụng dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và đang bắt đầu triển khai tiêu chuẩn ISO 22000: 2005, nhằm đảm bảo về sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất.

Bên cạnh đó, công ty còn chú trọng đầu tư cải tiến quy trình, công nghệ sản xuất theo hướng giảm thiểu chi phí sản xuất. Cụ thể là phòng kỹ thuật và công nghệ của công ty đã cải tiến, lắp đặt và vận hành thành công nồi hơi từ sử dụng dầu F.O chuyển sang sử dụng than đá. Nếu như trước đây, mỗi năm công ty chi trên 5 tỷ đồng để mua dầu F.O, thì bây giờ chỉ còn chi khoảng 3,5 tỷ đồng để mua than đá. Sáng kiến trên đã giúp công ty bình quân mỗi năm tiết kiệm chi phí gần 1,5 tỷ đồng. Trong thời gian gần đây, công ty còn bắt đầu tiến hành cải tiến công nghệ để sử dụng nhiên liệu từ vỏ trấu để chạy lò hơi 8 tấn/giờ, đây là loại vật liệu rẻ tiền, thân thiện với môi trường và có sẵn tại địa phương. Đồng thời xây dựng bể chứa nước trong mùa mưa, dùng nước sông đã qua lắng lọc thay cho nước máy công nghiệp nhằm tiết giảm chi phí trong sản xuất.

Như vậy, với những thành tựu về công nghệ kỹ thuật mà công ty đạt được trong thời gian qua đã phần nào giúp công ty củng cố được năng lực sản xuất, cắt giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Thêm vào đó, hệ thống máy móc công nghệ tiên tiến như hiện nay cùng với ưu thế là công ty đầu tiên của Việt Nam có nhà máy sản xuất than hoạt tính đã giúp công ty có nhiều thế mạnh trong cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong ngành dừa. Tuy nhiên, về thời gian tới công ty phải cần quan tâm hơn nữa về công nghệ để có thể theo kịp với các nước có ngành dừa phát triển lâu đời như Indonesia, Philippines, Ấn Độ.

Một phần của tài liệu Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của công ty cổ phần Trà Bắc tỉnh Trà Vinh (Trang 81 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w