Những hạn chế :

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả sự dụng phương thức gia công xuất khẩu cho ngành giày da Việt Nam.doc (Trang 44 - 48)

Mặc dù ngành da giày Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ trên tất cả các phương diện, song chúng ta vẫn phải nhìn nhận thực tế rằng ngành da giày Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất giày theo phương thức gia công thuần tuý, nên trên thị trường xuất khẩu thế giới ngành da giày Việt Nam vẫn còn yếu, còn rất nhiều hạn chế cần phải khắc phục:

Tuy kim ngạch xuất khẩu hằng năm ngành da giày Việt Nam là rất lớn chỉ đứng thứ 3 sau ngành dệt may và dầu thô, nhưng giá trị gia tăng mang lại không cao

Các doanh nghiệp sản xuất da giày Việt Nam thường làm gia công cho các hãng lớn trên thế giới (đặc biệt là giầy thể thao) và mặt hàng giày dép Việt Nam sản xuất thường thuộc vào dòng sản phẩm trung bình vì vậy các sản phẩm thường có giá trị thấp và lợi nhuận không cao. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì dù có đến 90% sản lượng ngành da giày là xuất khẩu, nhưng lợi nhuận thu về từ ngành này chỉ đạt mức 25% giá trị gia tăng, vì ngành này chủ yếu vẫn “bán” sức lao động là chính.

Trình độ công nghệ của ngành da giày Việt Nam đang ở mức trung bình và trung bình khá :

Quy trình sản xuất của ngành đang được cơ giới hóa mà chưa đạt tới trình độ tự động hóa. Tỉ lệ công việc phải làm thủ công hiện còn ở mức cao. Bên cạnh đó, khả năng đầu tư vào chuyển giao công nghệ mới bị hạn chế bởi nguồn tài chính hạn hẹp. Đội ngũ chuyên gia hiểu biết sâu và cập nhật công nghệ còn quá ít và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp trong ngành và kinh nghiệm và khả năng đàm phán, ký kết hợp đồng về công nghệ còn hạn chế...

Đây là những nguyên nhân làm hạn chế năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của ngành trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. theo báo cáo của Hiệp hội Da giày Việt Nam khẳng định “năng suất lao động của Việt Nam rất thấp, chỉ bằng 1/10 Indonesia, 1/20 Malaysia, 1/30 Thái Lan” . Điều này sẽ dẫn đến việc ngành có nguy cơ mất khả năng cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế.

Chất lượng nguồn nhân lực :

Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam thì hiện có tới trên 80% công nhân trong ngành chưa qua đào tạo (Tuy đây chỉ là con số tương đối vì hiện chỉ có khoảng 30% tổng số các doanh

nghiệp ngành da giày là hội viên của Hiệp hội ) song cũng cho thấy vấn đề chất lượng nguồn nhân lực đang là lực cản ngành phát triển. Cùng với đó là đội ngũ cán bộ quản lý của ngành chủ yếu làm trái ngành, trái nghề và vừa học, vừa làm. Vì thế, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đang là vấn đề bức xúc của ngành mà hiệp hội và các cơ quan quản lý Nhà nước cần nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành da giày Việt Nam. Tuy nhiện, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, đầu tư một cách thỏa đáng cho khâu đào tạo mà phần lớn người lao động chỉ được đào tạo lý thuyết trong thời gian ngắn trước khi vào làm việc chính thức, vì vậy dù muốn hay không bản thân các trong ngành cần chủ động trong cả ngắn và dài hạn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Vấn đề nguyên phụ liệu và công nghiệp phụ trợ.

Vấn đề nguyên phụ liệu và công nghiệp phụ trợ là một hạn chế không nhỏ nữa của ngành da giày Việt Nam. Nguyên phụ liệu vốn chiếm tỷ trọng lớn trong sản phẩm giày dép, khoảng 68 - 75% giá thành sản phẩm, nên có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành, cũng như gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất giày dép; sản xuất trong nước mới đáp ứng chưa đầy 40% nhu cầu. Riêng các loại nguyên liệu mũ giày( da, giả da, da nhân tạo,da tráng PU…) trong nước mới sản xuất được một lượng nhỏ, phần lớn phải nhập khẩu từ Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc. Theo thống kê của Lefaso, tính riêng lĩnh vực thuộc da, cả nước hiện có 30 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng năng lực sản xuất hạn chế.

Chủ trương đầu tư đẩy mạnh sản xuất nguyên phụ liệu nhằm giảm dần sự lệ thuộc vào nhập khẩu của ngành da giày đã và đang gặp rất nhiều trở ngại, đặc biệt là các nhà máy thuộc da. Cách đây 10 năm, trong Quy hoạch phát triển giai đoạn 2000-2010, ngành da giày đã có kế

hoạch xây dựng hai cụm công nghiệp giày và nguyên phụ liệu tại phía Bắc và Nam, song vì nhiều lý do, như chưa thu xếp được quỹ đất, thiếu vốn đầu tư…, nên đến nay, các dự án này vẫn chưa triển khai được. Thực tế đó lý giải tại sao ngành da giày Việt Nam chưa tăng được tỷ lệ nội địa hoá. Ngành da giày đã không hoàn thành được quy hoạch đến 2010, xuất khẩu tỷ lệ nội địa hoá chỉ đạt 40%, thay vì dự kiến 60 - 70%.

Khâu thiết kế và thương hiệu

Đây là điểm yếu nhất của ngành da giày xuất khẩu Việt Nam hiện nay, đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho ngành da giày của nước ta mặc dù luôn đứng đầu trong top 10 nước xuất khẩu da giày hàng đầu thế giới trong khoảng 1/4 thế kỷ nhưng vẫn chỉ làm gia công. Sau gần 2 thập kỷ làm ăn với nước ngoài, được tiếp thu rất nhiều kinh nghiệm, công nghệ, bí quyết tiên tiến của thế giới thế nhưng những đôi giày, đôi dép Việt Nam vẫn phải gắn trên mình những thương hiệu ngoại nếu như muốn có chỗ đứng ở thị trường Âu - Mỹ. Việt Nam hiện có hơn 500 doanh nghiệp da giày nhưng những thương hiệu được người tiêu dùng trong nước biết đến chỉ đếm trên đầu ngón tay như Biti’s, Bita’s, Thượng Đình, Vento, Sholega… Còn những thương hiệu Việt Nam có mặt ở thị trường nước ngoài lại càng ít; mới chỉ có Biti’s (công bố có mặt ở hơn 40 nước), Vento (vươn tới Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Canada, Bắc Mỹ), còn Vina Giày mới đang tìm đường sang Mỹ…

Bên cạnh những hạn chế nêu trên còn nhiều nhiều vấn đề được chính lãnh đạo hiệp hội da giày nêu lên như: Hạn chế về khả năng đầu tư chiều sâu cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ đã ảnh hưởng bất lợi đến năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm; vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn lao động trong sản xuất; việc hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành cho ngành da giày còn quá nhiều khó khăn; hay như những thách thức trước sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm cũng loại từ các nước trong khu vực, nhất là Trung

Quốc. Ngoài ra, còn phải kể đến những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua cũng như những khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn kích cầu, các chương trình hỗ trợ xuất khẩu của Chính phủ… cũng được xem là vấn đề không nhỏ mà ngành da giày cần phải vượt qua để có những bước phát triển nhanh, mạnh hơn những gì đã có được trong thời gian qua.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả sự dụng phương thức gia công xuất khẩu cho ngành giày da Việt Nam.doc (Trang 44 - 48)