IV. Quan hệ Việt Nam và EU
2. Những cơ sở vàng
Năm 2007, tổng giá trị cam kết của EU dành cho Việt Nam là 948 triệu USD, trong đó gần 500 triệu USD là viện trợ không hoàn lại, chiếm 21% tổng cam kết của các nhà tài trợ.
Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là cơ sở chính cho sự phát triển mạnh mẽ quan hệ Việt Nam - EU chính là sự cất cánh của cả hai nền kinh tế. Với dân số 500 triệu, 27 quốc gia thành viên EU chiếm 30% GDP, 41% thương mại và 43% đầu tư toàn cầu. Năm 2000, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua chiến lược Lisbon nhằm biến châu Âu thành một nền kinh tế dựa trên tri thức năng động và có sức cạnh tranh nhất thế giới. Nhờ cải cách về cơ cấu, EU đã đạt mức tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức 3%/năm, thất nghiệp dần được kiểm soát ở mức dưới 7%, thấp nhất kể từ giữa thập niên 1980. Trong tương lai,
kinh tế châu Âu đang chờ đợi một chu kỳ tăng trưởng mới với việc EC thông qua một kế hoạch thúc đẩy chiến lược cải cách giai đoạn 2008-2010 trên 4 lĩnh vực ưu tiên là tri thức và đổi mới, giải toả tiềm năng kinh doanh, đầu tư nguồn nhân lực và hiện đại hoá thị trường lao động, năng lượng và biến đổi khí hậu.
Phía Việt Nam cũng có những thay đổi “nóng” trong những năm qua, trong đó thành công đáng ghi nhận nhất là tốc độ tăng trưởng luôn đạt mức cao, bình quân khoảng 8%/ năm. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong năm 2007, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt hơn 8% và lượng FDI cam kết đạt mức kỷ lục 16 tỷ USD. Cùng với tư cách thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã trở thành một địa chỉ đầu tư hấp dẫn. Báo cáo Triển vọng đầu tư thế giới 2006 của UNCTAD xếp hạng Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đầu tư đứng thứ 6 trên thế giới. Trong khu vực, Hội đồng Doanh nghiệp châu Á xếp Việt Nam thứ ba về hấp dẫn đầu tư đối với các tập đoàn châu Á giai đoạn 2007 – 2009. Với chiến lược hội nhập quốc tế thích hợp, Việt Nam đang dần khẳng định vai trò và tiềm năng của mình ở khu vực và trên thế giới.